Dự báo “nóng”: Giá vàng tăng “điên cuồng”, mốc 3.000 USD/ounce không xa
(NLĐO) - Một trong những nguyên nhân khiến giá vàng thế giới liên tục tăng là do lực mua gom rất mạnh, kéo dài của các ngân hàng cũng như người dân.
Nhưng đó chưa phải là tất cả, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 30% từ đầu năm đến nay - mức tăng mạnh nhất trong hơn 10 năm qua, đồng thời được giao dịch ổn định gần mức giá cao nhất mọi thời đại.
Giá vàng thế giới ngày 26-7 được giao dịch quanh ngưỡng kỷ lục - 2.685 USD/ounce, sau đó giảm nhẹ còn 2.674 USD/ounce vào 6 giờ sáng 27-9. Triển vọng tích cực của giá vàng được củng cố bởi khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất sâu hơn trong thời gian tới và kim loại quý đã thể hiện sự vượt trội hơn hầu hết các loại tài sản chính khác.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới (WGC) tại Việt Nam, cho rằng cuộc họp chính sách trong tháng 9-2024 của FED với quyết định giảm lãi suất 0,5 điểm % đã tác động đến đà tăng giá vàng. Thị trường cũng đang kỳ vọng FED sẽ còn giảm lãi suất thêm một lần nữa từ nay tới năm 2025, đưa mức lãi suất của Mỹ về còn 3%-3,5%, giúp nền kinh tế "hạ cánh mềm". "Khi lãi suất đồng USD thấp, chỉ số sức mạnh của đồng bạc xanh giảm xuống thì sẽ có lợi cho sự tăng giá của vàng" - ông Khánh phân tích.

Một nhân viên đặt các thỏi vàng nguyên chất 99,99% tại nhà máy tinh chế và sản xuất kim loại quý Novosibirsk ở TP Novosibirsk, Siberia - Nga. Ảnh: Reuters
Giải mã thêm về sức nóng của kim loại quý, ông Huỳnh Trung Khánh chỉ ra thêm một số yếu tố có tác động đáng kể, bao gồm: cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ dự kiến vào tháng 11-2024, tình hình địa chính trị căng thẳng ở Trung Đông khiến nhu cầu mua vàng như kênh trú ẩn an toàn của nhà đầu tư gia tăng, các ngân hàng trung ương tăng mua vàng và nhu cầu trên thị trường thường tăng cao vào cuối năm. "Ít có năm nào mà các yếu tố thuận lợi cho vàng tăng giá lại nhiều như năm nay. Điều này lý giải vì sao giá vàng đã có những đợt nhảy vọt, vượt các dự báo" - ông Khánh bình luận.
Theo Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu Ngân hàng UOB (Singapore), giá vàng đã giữ được đà tăng giá ổn định trong tháng 8-2024 bất chấp biến động mạnh mẽ trên cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu do giao dịch chênh lệch lãi suất đồng yen (Nhật) đột ngột được dỡ bỏ. "Trong suốt quý III/2024, vàng đã củng cố thành tích dài hạn của mình như một công cụ đa dạng hóa rủi ro đáng tin cậy cho danh mục đầu tư" - các chuyên gia của Ngân hàng UOB nhìn nhận.
Ngân hàng UOB dự đoán chu kỳ cắt giảm lãi suất của FED cùng với sự suy yếu dự kiến của đồng USD và lãi suất vay sẽ tạo ra động lực quan trọng cho giá vàng.
Dự báo nào cho giá vàng?
Theo trang tin tài chính FXStreet, giá vàng có thể tiếp tục tăng lên 2.700 - 2.750 USD/ounce. Nhiều nhận định cho rằng việc giá vàng vượt ngưỡng dự báo 2.500 USD/ounce trong năm nay dù không phải điều quá bất ngờ song vẫn là một diễn biến đáng chú ý.
Các nhà nghiên cứu của Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) dự báo giá vàng sẽ chạm mốc 2.700 USD/ounce vào đầu năm 2025, nhờ FED cắt giảm lãi suất nhiều hơn và các ngân hàng trung ương của một số thị trường mới nổi gia tăng mua vào.
Ông Peter McGuire, Giám đốc điều hành Công ty tài chính FX Global Capital (Úc), cho hay có nhiều lý do khiến giá vàng tăng. Một trong các lý do là các ngân hàng trung ương đang mua vàng số lượng lớn, khiến nhu cầu về vàng tăng lên, đẩy giá lên cao. Đáng chú ý, đây không không chỉ là động thái trong vài tuần, vài tháng mà đã diễn ra suốt thập kỷ qua, đặc biệt trong 4 - 5 năm qua.

Giá vàng được giới chuyên gia dự báo còn tiếp tục tăng. Ảnh: Reuters
Không chỉ thế, người dân - phần lớn ở Ấn Độ, Trung Quốc, Trung Đông và một số nước châu Á khác - cũng đang tích cực mua vàng vật chất để bảo vệ tài sản trong bối cảnh kinh tế không ổn định. Cho rằng tình hình chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp sẽ giúp vàng trở thành kênh trú ẩn tài sản an toàn, ông McGuire tỏ ra lạc quan về triển vọng của giá vàng và dự đoán giá kim loại quý này sẽ tiếp tục tăng trong tương lai gần.
Trong khi đó, WGC cũng nhận thấy sự quan tâm mới từ các nhà đầu tư khi dòng tiền lớn đổ vào các quỹ ETF vàng ở châu Âu từ tháng 5 và ở Mỹ từ tháng 7-2024. Lãi suất giảm kết hợp với rủi ro địa chính trị kéo dài có thể tiếp tục hỗ trợ xu hướng này.
Ông ông David Tait, Giám đốc điều hành WGC, nói với tờ China Daily hôm 23-9 rằng thị trường vàng Trung Quốc đang chuyển mình từ vị trí "theo sau" lên "dẫn đầu", dự kiến sẽ đóng vai trò lớn hơn trên toàn cầu trong những năm tới. Trong hơn 10 năm liên tiếp, Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới và trong 15 năm liên tiếp, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã sản xuất vàng lớn nhất thế giới.
Cũng theo ông David Tait, ngân hàng trung ương ở các nước mới nổi cũng có khả năng giúp vàng có động lực tăng giá. Cuộc khảo sát mới đây của WGC cho thấy trong 12 tháng tới, những nước này sẽ mua vàng nhiều hơn bao giờ hết.

Một nhân viên bán vàng trưng bày hàng hóa tại cửa hàng ở Kolkata - Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Đáng chú ý, ngân hàng trung ương Trung Quốc dường như tạm dừng mua vàng sau khi gia tăng đáng kể lượng dự trữ trong những năm gần đây. Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của WGC về hoạt động mua - bán vàng của các ngân hàng trung ương, một số quốc gia đang phát triển liên tục tăng mua vàng với số lượng lớn, dù tổng lượng mua và bán thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến tháng 6-2024, Thổ Nhĩ Kỳ đã mua ròng hơn 40 tấn vàng, tiếp theo là Ấn Độ với hơn 30 tấn và thứ 3 là Trung Quốc với gần 30 tấn.
Các chuyên gia của Ngân hàng UOB nhấn mạnh nhu cầu chung của các ngân hàng trung ương đối với việc phân bổ dự trữ vào vàng vẫn không hề suy giảm bởi cần đa dạng hóa tài sản dự trữ dài hạn trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng. Thực tế, dù đã mua vào với quy mô lớn trong suốt thập kỷ qua, dự trữ vàng của Trung Quốc ước tính hiện chỉ chiếm hơn 5% bảng cân đối của ngân hàng Trung ương nước này. Với Mỹ, tỉ lệ này là 10%, tương đương khoảng 261 triệu ounce vàng dự trữ.
Từ đó, Ngân hàng UOB nâng mức dự báo giá vàng vàng lên 3.000 USD/ ounce vào quý III/2025.
Vàng lấp lánh, nhưng không phải ở Việt Nam
Cũng dự đoán giá vàng có thể vượt 2.700 USD/ounce và chạm mốc 3.000 USD/ounce vào năm 2025, chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu nói rằng "vàng đang là một kênh đầu tư lấp lánh, nhưng không phải ở Việt Nam".
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, thị trường vàng trong nước đã ổn định sau khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành nhiều chính sách quản lý. "Chính sách của Ngân hàng Nhà nước từ tháng 6-2024 đến nay đã thành công trong việc kéo giá vàng từ mốc 92,5 triệu đồng/lượng xuống 83,5 triệu đồng/lượng như hiện nay, trong khi nguồn cung rất hạn chế" - TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.

Giá vàng miếng SJC đã ổn định trong mấy tháng qua. Ảnh: Thái Phương
Do thị trường vàng trong nước không hoạt động theo cung - cầu mà có sự điều chỉnh bởi các chính sách quản lý nên theo TS Nguyễn Trí Hiếu, đầu tư vàng ở thời điểm này, nhất là đầu tư lướt sóng, là không dễ dàng. "Nhu cầu vàng của người dân vẫn luôn âm ỉ do thói quen coi đây là kênh đầu tư phổ thông, đơn giản; nhiều đối tượng có thể tham gia. Trong dài hạn, khi điều kiện phù hợp, cần nghiên cứu chính sách trả vàng về với thị trường, thay vì kiểm soát quá chặt chẽ" - ông Hiếu góp ý.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), nhìn nhận nếu trong thời gian tới, Việt Nam không nhập khẩu vàng nguyên liệu, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bán ra vàng miếng nhỏ giọt và giá vàng thế giới tiếp tục tăng thì giá vàng SJC, vàng trang sức các loại sẽ tăng rất mạnh và luôn cao hơn thế giới.

Nhiều chuyên gia góp ý Ngân hàng Nhà nước nhập khẩu vàng nguyên liệu rồi bán đấu thầu cho doanh nghiệp sản xuất vàng nữ trang. Ảnh: Thái Phương
Theo ông Hùng, ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia trên thế giới không quản lý trực tiếp hoạt động kinh doanh vàng, mà chỉ nhập khẩu vàng để dự trữ và điều tiết. Chẳng hạn, chính phủ Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan không quản lý thị trường vàng, xem vàng như một loại hàng hóa và giao nhiệm vụ giám sát thị trường cho các bộ quản lý chuyên ngành về thương mại, kinh tế.
Để thị trường trong nước liên thông với thế giới, ông Hùng cho rằng Việt Nam cần sửa đổi Nghị định 24/2012 theo hướng Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích nắm giữ vàng miếng SJC, chỉ công nhận các sản phẩm vàng mỹ nghệ (vàng nhẫn, vàng trang sức...) và nhập khẩu vàng nguyên liệu rồi bán đấu thầu cho doanh nghiệp sản xuất vàng nữ trang. Khi đó, thị trường vàng sẽ có sự cạnh tranh, vàng nhẫn không còn khan hiếm và biến động phù hợp với diễn biến của giá vàng thế giới.
Để thị trường quyết định giá vàng
Ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Việt Nam, nêu quan quan điểm nên để thị trường quyết định giá vàng. Với chức năng nắm giữ dự trữ ngoại hối quốc gia, Ngân hàng Nhà nước phải nắm quyền xuất nhập khẩu vàng bởi vàng là tài sản dưới dạng nguyên liệu do thị trường quốc tế quyết định. Việc chế biến gia công nên trao lại cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện để thị trường vàng tự điều tiết theo quy luật cung - cầu, giúp giá vàng trong nước không chênh lệch quá lớn so với thế giới.
