Dự báo "nóng": Hiện tượng lạ trên thị trường tài chính cảnh báo điều gì?

(NLĐO) - Cú sập mạnh đồng loạt trên thị trường chứng khoán, vàng và USD đầu tuần trước là hiện tượng hiếm gặp, trái với quy luật thường thấy, có nguyên nhân từ mối quan hệ mật thiết giữa các thị trường tài chính. Cụ thể là gì?

Làn sóng bán tháo các loại tài sản được xem là lời cảnh báo về những hậu quả của sự thay đổi chính sách tiền tệ ở phương Đông lên giá tài sản ở thị trường Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác.

Bán tháo để bù lỗ

Nguyên nhân chính dẫn đến "cú sốc" giảm điểm hoặc giảm giá kinh hoàng trên thị trường tài chính hôm 5-8 được cho là bởi giao dịch chênh lệch lãi suất sụp đổ. Theo đài CNBC, giao dịch chênh lệch lãi suất diễn ra khi một nhà đầu tư vay bằng một loại tiền tệ có lãi suất thấp và tái đầu tư số tiền thu được vào các tài sản có hiệu suất cao hơn ở một thị trường khác. Trường hợp này là vay đồng yen để đầu tư ở thị trường Mỹ. Chiến lược giao dịch này đã phổ biến trong những năm gần đây.

Dự báo "nóng": Hiện tượng lạ trên thị trường tài chính cảnh báo điều gì?- Ảnh 1.

Màn hình hiển thị chỉ số Nikkei của Nhật Bản tại Sở Giao dịch Chứng khoán Nagoya ở TP Nagoya - Nhật Bản hôm 5-8. Ảnh: REUTERS

Ông Kit Juckes, chiến lược gia trưởng về ngoại hối tại Công ty Dịch vụ tài chính Societe Generale, nhận định không thể hủy bỏ mô hình giao dịch chênh lệch lãi suất lớn nhất thế giới - giữa đồng yen và USD - mà không gây ra sự sụp đổ.

Cũng theo ông Juckes, một loạt dữ liệu kinh tế của Mỹ yếu hơn dự kiến được công bố gần đây - bao gồm báo cáo thị trường lao động, số liệu sản xuất và một số chỉ số khác - đã gây ra phản ứng mạnh mẽ trong một thị trường thanh khoản thấp. "Điều đó dễ hiểu! Câu hỏi khó hơn là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo" - ông nói và cho rằng phản ứng lớn nhất của thị trường ngoại hối là giảm bớt các vị thế đầu tư.

Tính theo tỉ giá hôm 9-8, 1 USD đổi được 146,59 yen. Theo đài CNBC, điều này trái ngược với tình hình trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ, ngày 4-7, thời điểm đồng yen giảm xuống mức 161,96 yen đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 12-1986. Ngược lại, chỉ số đồng USD (DXY) đã giảm sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất 23 năm là 5,25%-5,5%.

Ông Russell Napier, nhà đồng sáng lập Công ty Nghiên cứu đầu tư ERIC (Scotland), cho hay các nhà đầu tư đã thấy được tác động của việc thay đổi chính sách tiền tệ của Nhật Bản lên thị trường tài chính Mỹ. Việc tồn tại một mối quan hệ chặt chẽ giữa cấu trúc chính sách tiền tệ ở Trung Quốc và Nhật Bản với giá tài sản ở Mỹ là một cú sốc lớn đối với hầu hết các nhà đầu tư ở Mỹ.

"Cơn ác mộng" chưa kết thúc

Theo Financial Times, ông James Malcolm, chiến lược gia toàn cầu tại UBS, ước tính quy mô giao dịch chênh lệch lãi suất giữa cặp USD và yen được tích lũy kể từ năm 2011 vào khoảng 500 tỉ USD, khoảng 1/2 trong số đó gia tăng chỉ trong 2-3 năm qua. Tuy nhiên, khoảng 200 tỉ USD giao dịch đã bị thanh lý trong vài tuần qua.

Dự báo "nóng": Hiện tượng lạ trên thị trường tài chính cảnh báo điều gì?- Ảnh 2.

Các nhà giao dịch làm việc tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) ở TP New York - Mỹ hôm 8-8. Ảnh: REUTERS

Việc các giao dịch chênh lệch lãi suất lớn nhất thế giới tiếp tục được thanh lý có khả năng gây bất ổn thị trường hơn nữa, do đồng yen phục hồi sẽ buộc các nhà đầu cơ phải đóng những vị thế lên tới hàng trăm tỉ USD.

Chiến lược gia tiền tệ Benjamin Shatil tại Tập đoàn tài chính JPMorgan Chase cho rằng thực tế, không ai biết chính xác quy mô giao dịch chênh lệch lãi suất với đồng yen lớn đến mức nào hoặc đã giảm đi bao nhiêu. Nhưng hiện tại, chắc chắn rằng một số vị thế bán khống đồng yen trong các giao dịch đầu cơ đã bị thanh lý. Giao dịch chênh lệch lãi suất dựa trên đồng yen có lẽ đã giảm từ mức cực đoan nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước.

Ông Osamu Takashima, nhà phân tích tiền tệ tại Công ty Dịch vụ tài chính Citigroup (Mỹ), dự báo việc thị trường điều chỉnh trong thời điểm này chỉ là khởi đầu của hồi kết. Ông ước tính đồng yen có thể đạt mức 129 yen đổi 1 USD vào năm 2026, trước khi đạt 116 yen/USD vào năm kế tiếp.

Ông Ed Rogers tại Công ty Quản lý tài sản Rogers Investment Advisors (Mỹ) nhận định giao dịch chênh lệch lãi suất bằng đồng yen vẫn sẽ diễn ra mặc dù thị trường chứng khoán chứng kiến đợt bán tháo mạnh.

"Quả bom" chực chờ

Nhà đồng sáng lập Công ty Nghiên cứu đầu tư ERIC, ông Russell Napier, phân tích: Tính chất dễ tổn thương của giá cổ phiếu ở Mỹ trước sự tăng giá của đồng yen đã được thể hiện rõ. Điều này cảnh báo về những hậu quả đối với giá tài sản ở Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác từ những thay đổi trong chính sách tiền tệ ở phương Đông.

Dự báo "nóng": Hiện tượng lạ trên thị trường tài chính cảnh báo điều gì?- Ảnh 3.

Biểu đồ chỉ số DAX của Đức tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt - Đức hôm 5-8. Ảnh: REUTERS

Chuyên gia Cedric Chehab tại công ty nghiên cứu BMI nhận định thời gian qua đã xuất hiện nhiều yếu tố có tác động mạnh tới thị trường, khiến chứng khoán Mỹ sụt điểm từ mức định giá cao. Bao gồm: quyết định tăng lãi suất của BOJ khiến giao dịch chênh lệch lãi suất rơi vào hỗn loạn, các số liệu sản xuất và việc làm ảm đạm ở Mỹ khiến thị trường lo sợ, một số công ty công nghệ lớn công bố báo cáo tài chính gây thất vọng.

Ông Napier cảnh báo đồng yen đã bị định giá quá thấp so với giá trị thực và nhu cầu áp chế tài chính ở Nhật Bản đang cấp bách. Do đó, nhà đầu tư không nên kỳ vọng định giá cổ phiếu ở Mỹ có thể tiếp tục tăng khi xảy ra sự thay đổi lần này. "Biến động tỉ giá đồng yen trong những tuần gần đây và ảnh hưởng của nó đối với giá cổ phiếu ở Mỹ là chỉ báo sớm về những khó khăn mà nhà đầu tư ở Mỹ đối mặt khi giới đầu tư nước ngoài bước vào thời kỳ rút vốn về nước có thể kéo dài hơn một thập kỷ" - chuyên gia này dự báo.

Với mối liên hệ qua lại mật thiết trong hệ thống tiền tệ toàn cầu, thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu và châu Á hôm 5-8 đã đồng loạt giảm điểm mạnh. Một phần nguyên nhân là do lo ngại kinh tế Mỹ có thể rơi vào một cuộc suy thoái và nhà đầu tư bất ngờ vì tốc độ hồi phục của đồng yen sau quyết định tăng lãi suất của BOJ.

Dự báo "nóng": Hiện tượng lạ trên thị trường tài chính cảnh báo điều gì?- Ảnh 4.

Tiền giấy đồng yen của Nhật Bản và đồng USD của Mỹ. Ảnh: REUTERS

Không tránh khỏi ảnh hưởng, giá vàng lao dốc vào đầu tuần được cho là chịu áp lực bán mạnh khi các nhà đầu tư tiếp tục bán vàng để bù đắp cho khoản lỗ trên thị trường chứng khoán. Trong khi đó, chỉ số đồng USD (DXY) đã giảm mạnh vào tuần trước, cùng với lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ.

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự sụt giảm này là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm 31-7 quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25%-5,5% và ám chỉ rằng có thể cắt giảm lãi suất trong cuộc họp vào tháng 9 tới. Thị trường đang lo ngại FED đã quá chậm trễ trong việc hạ lãi suất để có thể ngăn một cuộc suy thoái kinh tế. Song song đó, việc Mỹ duy trì lãi suất cao trong khi một số nước khác đã hạ lãi suất đang tạo ra rủi ro đáng kể cho các giao dịch chênh lệch lãi suất, điển hình là làn sóng bán tháo hôm 5-8.

Dự báo "nóng": Hiện tượng lạ trên thị trường tài chính cảnh báo điều gì?- Ảnh 7.