Dự báo “nóng”: Tỉ giá nguội dần, lãi suất sẽ ra sao?

(NLĐO) - Nếu hình dung tỉ giá USD/VNĐ là con thuyền, chính sách tiền tệ của FED là cơn sóng thì sóng lên sẽ đẩy thuyền lên và ngược lại. Cân đối cung - cầu ngoại tệ là mỏ neo giúp biến động tỉ giá Việt Nam nhẹ nhàng hơn.

Ngày 1-12, tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết ở 23.923 đồng/USD, giảm khoảng 174 đồng so với một tháng trước. Giá USD ở các ngân hàng thương mại niêm yết ở mức 24.080 đồng/USD mua vào và 24.385 đồng/USD bán ra, giam giảm gần 300 đồng/USD so với một tháng trước. Mặc dù tỉ giá đã hạ nhiệt nhưng các chuyên gia cho rằng cần tiếp tục theo dõi sát sao để chủ động ứng phó.

Thở phào...

Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VPBankS, một trong những lý do đáng kể khiến USD giảm nhiệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) lần thứ hai trong năm không tăng lãi suất. Giới đầu tư kỳ vọng FED sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Các dự báo cũng cho thấy có khả năng FED tiếp tục giữ nguyên lãi suất trong kỳ họp tháng 12-2023, với xác suất trên 90%. Cùng với đó, thời điểm sớm nhất mà cơ quan này có thể sẽ xem xét hạ lãi suất là vào kỳ họp tháng 6-2024.

"Chỉ số sức mạnh đồng USD quay đầu giảm nhanh 0,53% xuống mốc 103,82, là mức thấp nhất trong 2 tháng qua. Diễn biến này giúp tỉ giá USD/VNĐ hạ nhiệt nhanh trong hai tuần gần đây sau khi tăng rất nóng trong tháng 9 và 10-2023. So với đầu năm, VNĐ chỉ còn mất giá khoảng 2,42%" - ông Sơn nói.

Ông Sơn nhận định tỉ giá có khả năng tiếp tục hạ nhiệt khi khi nguồn cung ngoại tệ trong nước được bảo đảm, còn các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang nghiêng về xu hướng giữ nguyên và có thể giảm dần lãi suất trong nửa đầu năm sau. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), kiều hối về Việt Nam dự kiến đạt 14 tỉ USD trong năm nay và 14,4 tỉ USD năm 2024 sẽ là nguồn lực quan trọng giúp tỉ giá bình ổn.

Nhóm Nghiên cứu vĩ mô và Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ví von: Nếu hình dung tỉ giá USD/VNĐ như một con thuyền và kỳ vọng về chính sách tiền tệ của FED là con sóng thì có thể hình ảnh hoá rằng sóng lên sẽ đẩy thuyền lên và ngược lại. "Cân đối cung - cầu ngoại tệ đang là mỏ neo giúp biến động của tỉ giá của Việt Nam nhẹ nhàng hơn các quốc gia khác. Sự can thiệp của NHNN giai đoạn vừa qua cũng là cách bẻ lái con thuyền tỉ giá nhằm kiểm soát biến động" - nhóm chuyên gia nêu quan điểm.

Dự báo “nóng”: Tỉ giá nguội dần, lãi suất sẽ ra sao?- Ảnh 2.

Tỉ giá đã hạ nhiệt song vẫn cần theo dõi thêm tình hình thế giới để có ứng phó kịp thời. Ảnh: BÌNH AN

Bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư chứng khoán của VinaCapital, phân tích: Tỉ giá hạ nhiệt trong thời gian ngắn do lạm phát ở Mỹ giảm từ 3,7% trong tháng 9 còn 3,2% trong tháng 10-2023; FED ngừng tăng lãi suất khiến chỉ số sức mạnh đồng bạc xanh giảm khoảng 3% trong tháng 11-2023 và yếu tố cung - cầu ngắn hạn đã giảm nhiều trong tháng 11-2023.

Cung - cầu ngoại tệ được cân đối nhờ thặng dư thương mại cao kỷ lục, kiều hối tiếp tục tăng trưởng và dòng vốn đầu tư nước ngoài hồi phục.

Cụ thể, thặng dư xuất khẩu đạt gần 25 tỉ USD trong 10 tháng đầu năm, nguồn vốn đầu tư nước ngoài và kiều hối tiếp tục về dồi dào giúp cán cân tổng thể dương 4,5 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm. Kỳ vọng cán cân này cả năm nay cũng đạt dương.

Ông Lê Văn Hà, Giám đốc kinh doanh Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhìn nhận chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2023 nên việc ổn định thanh khoản hệ thống và tỉ giá rất quan trọng. Còn với lãi suất điều hành, muốn giảm thêm cần phải quan sát những yếu tố lớn trong năm 2024 như: điều hành lãi suất của FED, tăng trưởng tín dụng và thanh khoản hệ thống ngân hàng, dòng vốn quốc tế vào Việt Nam. 

Cũng theo ông Hà, tỉ giá tăng gây sức ép lớn đến hệ thống ngân hàng, đồng thời dòng vốn quốc tế ra - vào bị thâm hụt. Vì vậy, khi tỉ giá hạ nhiệt giúp giảm bớt những tác động trên, NHNN sẽ tự tin hơn trong việc duy trì chính sách tiền tệ hiện tại. Mặt khác, nền kinh tế có dấu hiệu ổn định và hồi phục tốt hơn nên dòng vốn nước ngoài có thể tăng, hỗ trợ tỉ giá ít biến động lớn.

Những biến số đáng chú ý

Dẫu vậy, các biến số kinh tế bên ngoài còn rất khó lường. Biên bản họp cuộc họp của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) mới đây cho thấy cách tiếp cận khá thận trọng của FED khi cơ quan này nêu quan điểm chưa nghĩ đến việc hạ lãi suất và vẫn sẽ duy trì chính sách thắt chặt nhằm đưa lãi suất về 2%. Quyết định cuối cùng sẽ dựa trên dữ liệu việc làm, lạm phát và các chỉ số kinh tế.

"Tỉ giá vẫn là yếu tố cần được theo dõi sát sao nhằm chủ động ứng phó với những diễn biến của thị trường quốc tế, dù sức ép trong năm sau không còn lớn. Dư địa giảm thêm lãi suất trong năm 2024 là có nhưng biên độ không còn nhiều bởi cần cân đối tỉ giá và tương quan với xu hướng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới" - ông Trần Hoàng Sơn nhìn nhận.

Chính sách tiền tệ của NHNN hướng tới linh hoạt đa mục tiêu, cân đối giữa lạm phát, tỉ giá và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi một trong 3 yếu tố hạ nhiệt - ở đây là tỉ giá - thì sẽ tạo nhiều dư địa hơn trong điều hành chính sách tiền tệ.

Theo bà Nguyễn Hoài Thu, có nhiều yếu tố tác động tới tỉ giá trong thời gian tới cần quan sát, trong đó có vấn đề nguồn cung ngoại tệ. Vinacapital kỳ vọng nguồn cung này tiếp tục dồi dào trong quý IV/2023 nhờ kiều hối thường đổ về nhiều vào dịp cuối năm, nguồn vốn đầu tư nước ngoài và thặng dư thương mại tiếp tục tăng trong những tháng tới.

Theo báo cáo Nhà quản trị mua hàng PMI của S&P Global, đơn hàng xuất khẩu mới đang tăng trở lại, giúp các nhà sản xuất tại Việt Nam giảm nhanh lượng hàng tồn kho. Nửa đầu năm 2024, nếu các đơn hàng mới tiếp tục tăng mạnh, doanh nghiệp sản xuất có thể tăng nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, gây áp lực lên tỉ giá trong ngắn hạn.

Dự báo “nóng”: Tỉ giá nguội dần, lãi suất sẽ ra sao?- Ảnh 3.

Lãi suất VNĐ đang chênh lệch lớn so với lãi suất USD

"Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất VNĐ đang thấp hơn nhiều so với lãi suất USD. Khi NHNN theo đuổi chính sách nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng và FED vẫn duy trì lãi suất cao sẽ kích thích hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất (carry trade), gây áp lực nhất định với tỉ giá. Cuối tháng 9 và trong tháng 10-2023, NHNN đã phát hành tín phiếu để hút bớt thanh khoản, thu hẹp chênh lệch lãi suất ngắn hạn giữa VNĐ và USD, giảm phần nào áp lực tỉ giá" - bà Nguyễn Hoài Thu phân tích. 

Còn công cụ, dư địa điều tiết tỉ giá

NHNN có ba công cụ chính để điều tiết tỉ giá gồm: điều tiết thanh khoản thông qua phát hành tín phiếu, bán ngoại tệ can thiệp và tăng lãi suất điều hành. Trong năm nay, mới chỉ có 1 công cụ được sử dụng là phát hành tín phiếu.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam được Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo sẽ đạt gần 99 tỉ USD vào cuối năm nay, tương đương với 3,1 tháng nhập khẩu. Dự kiến, dự trữ ngoại hối tăng lên 110 tỉ USD vào cuối năm 2024. Đây là mức an toàn tối thiểu mà IMF khuyến nghị. "Dư địa điều hành chính sách mặc dù không quá dồi dào nhưng vừa đủ để kết hợp với sự điều tiết linh hoạt, quyết liệt của cơ quan quản lý nhằm bảo đảm ổn định tỉ giá cũng như vĩ mô trong năm tới" - chuyên gia của VinaCapital nói.

Nhóm Nghiên cứu vĩ mô và Chiến lược thị trường VDSC nhận định sức ép tỉ giá vẫn đang hiện hữu, nhất là khi chính sách điều hành lãi suất của FED vẫn còn là ẩn số. Dù vậy, kỳ vọng ngắn hạn đối với chính sách tiền tệ của FED và biến động ngắn hạn của đồng USD đều đang là yếu tố thuận lợi với điều hành chính sách tiền tệ trong nước.

Những tháng đầu năm sau vẫn là thời gian khá thách thức với tỉ giá do lãi suất USD vẫn neo cao, khả năng phục hồi tín dụng trong nước còn yếu dẫn đến chênh lệch lãi suất USD - VNĐ khó thu hẹp... Bên cạnh đó, nhiều tổ chức vẫn đưa ra dự báo về triển vọng tích cực đối với sức mạnh đồng USD trong tương quan với các đồng tiền quan trọng khác.

"Những lý do trên cho thấy dư địa giảm thêm lãi suất điều hành là khá hạn chế, song tác động từ định hướng điều hành nới lỏng tiền tệ sẽ tiếp tục được thẩm thấu, kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong nửa đầu năm sau" - chuyên gia của VDSC nhận định.