Dự báo "nóng": Trung Quốc hành động ngay trước mối nguy thương chiến Mỹ - Trung
(NLĐO) - Trung Quốc phải nhanh chóng tìm kiếm động lực tăng trưởng thay thế xuất khẩu nếu Mỹ dưới thời "Trump 2.0" tăng mạnh thuế nhập khẩu với mọi quốc gia.
Một cuộc chiến thương mại mở rộng giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiệm kỳ thứ 2 của cựu Tổng thống Donald Trump có thể "thổi bay" 2 điểm % tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đồng thời thúc đẩy Trung Quốc tìm mọi cách kích thích nhu cầu nội địa, theo Công ty quản lý đầu tư Úc Macquarie.
Gói hỗ trợ khủng ngoài mong đợi
Các nhà kinh tế của Macquarie dự báo cam kết của ông Trump trong chiến dịch tranh cử về việc tăng thuế lên đến 60% đối với hàng hóa Trung Quốc có thể khiến hoạt động xuất khẩu của quốc gia châu Á này giảm khoảng 8% trong năm tiếp theo. Điều này ảnh hưởng đến niềm tin kinh doanh và gây tác động đáng kể đến GDP của Trung Quốc.

Cảng container ở tỉnh Sơn Đông - Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã
Nhà kinh tế Larry Hu và Yuxiao Zhang của Macquarie nhận định cuộc chiến thương mại 2.0 có thể "kết liễu" mô hình tăng trưởng hiện tại của Trung Quốc - mô hình mà trong đó xuất khẩu và sản xuất là động lực tăng trưởng chính.
Theo các chuyên gia này, trong mô hình tăng trưởng kinh tế được hình thành tiếp theo, nhu cầu nội địa, đặc biệt là tiêu dùng, có thể một lần nữa trở thành động lực chính như đã từng được sử dụng trong những năm 2010.
Trước mắt, Trung Quốc hôm 8-11 đã phê duyệt kế hoạch hỗ trợ lớn ngoài mong đợi, lên đến 10.000 tỉ nhân dân tệ (tương đương 1.400 tỉ USD). Gói hỗ trợ giúp giảm áp lực nợ cho các chính quyền địa phương và cung cấp nguồn lực tài chính mới để đối phó với tình hình kinh tế bất ổn định, đặc biệt là sau khi cựu Tổng thống Donald Trump chiến thắng trong cuộc đua trở lại Nhà Trắng. Gói hỗ trợ này có quy mô khoảng 8% GDP Trung Quốc, con số được đánh giá là khá lớn.
Theo đài CNN, Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Lan Fo’an cho biết nước này sẽ cho phép các chính quyền địa phương vay tối đa 6.000 tỉ nhân dân tệ (khoảng 838 tỉ USD) trong 3 năm để xử lý nợ ẩn. Nợ ẩn là các khoản nợ mà địa phương vay thông qua công ty tài chính do chính quyền sở hữu nhưng lại không ghi nhận vào bảng cân đối kế toán chính thức. Những khoản nợ này không được kiểm soát chặt chẽ và có thể gây rủi ro lớn cho hệ thống tài chính.
Ông Lan Fo’an cũng cho hay chính phủ sẽ phát hành 800 tỉ nhân dân tệ (khoảng 11,6 tỉ USD) trái phiếu đặc biệt mỗi năm trong 5 năm tới, nhằm hoán đổi khoản nợ ẩn khoảng 4.000 tỉ nhân dân tệ (560 tỉ USD) mà các địa phương đang phải gánh. Các biện pháp này được kỳ vọng giúp giảm bớt căng thẳng tài chính của chính quyền địa phương, ổn định tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Mỹ cũng không thoát vạ lây
Bloomberg Economics tính toán với kịch bản mạnh tay nhất trong chiến dịch tranh cử của ông Trump là áp mạnh thuế lên hàng hóa Trung Quốc và tăng thuế suất thêm 20% đối với hàng hóa của các quốc gia khác, trong kịch bản chỉ riêng Trung Quốc trả đũa, GDP của Mỹ sẽ giảm 0,8% và lạm phát tăng thêm 4,3% vào năm 2028. Còn nếu phần còn lại của thế giới cũng trả đũa, tác động đến tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ lớn hơn, làm giảm GDP của nền kinh tế lớn số 1 thế giới đến 1,3% và tăng thêm 0,5% lạm phát.
Trong thương chiến Mỹ - Trung vào nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Mỹ từng tăng thuế suất hàng xuất khẩu của Trung Quốc lên 19,3% vào đầu năm 2020, từ mức 3,1% đầu năm 2018.
Theo Macquarie, khoảng 66% hàng hóa của Trung Quốc phải chịu thêm thuế, buộc các nhà xuất khẩu phải đa dạng hóa thị trường và vận chuyển đơn hàng qua các nước thứ 3, sau đó tái xuất sang Mỹ. Cách này giúp Trung Quốc duy trì hoạt động xuất khẩu phần nào ổn định. Tuy nhiên, nếu Mỹ tăng thuế đối với phần còn lại của thế giới trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ thực sự đối mặt khó khăn.

Các container đặt tại Cảng nước sâu Dương Sơn, Thượng Hải - Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã
Cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông Trump về thương mại cũng có thể là một mối đe dọa lớn, được xem là "đòn bẩy" trong các cuộc đàm phán với các quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc, sau khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1-2025.
Phòng thủ kiểu "tự cung tự cấp"
Năm 2019, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6%, mức thấp nhất trong gần 30 năm, dưới tác động nặng nề của cuộc chiến thương mại với Mỹ. Cũng từ thời điểm đó, nền kinh tế Trung Quốc duy trì mức tăng trưởng khiêm tốn vì gặp phải nhiều vấn đề trong nước và chắc chắn sẽ khó khăn hơn nữa nếu bị Mỹ áp thuế.
Nhắc nhở Washington về sự hiện diện của các công ty Mỹ, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tạ Phong cho biết khoảng 60% cửa hàng mới mở của McDonald's trong năm qua là ở Trung Quốc, còn Thượng Hải là thành phố lớn duy nhất trên thế giới có hơn 1.000 quán cà phê Starbucks.
Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ sẵn sàng phản công nếu Mỹ thực hiện một cuộc chiến thương mại mới. Ông Joe Mazur, nhà phân tích cấp cao của Công ty tư vấn Trivium China (Trung Quốc), nhận định dù trong trường hợp bất ngờ là quan hệ Trung - Mỹ đột nhiên tan băng, Bắc Kinh vẫn sẽ tiếp tục ưu tiên tự cung tự cấp và bảo đảm an ninh kinh tế. Và, nếu cuộc chiến thuế quan xảy ra, sẽ có hành động trả đũa khá quyết liệt từ phía Trung Quốc, thậm chí là có thể có những hành động "không đẹp". Việc đáp trả mạnh mẽ sẽ khiến Mỹ phải suy nghĩ kỹ hơn về việc gây sức ép kinh tế với Trung Quốc.

Nhà máy kỹ thuật số thông minh ở TP Hợp Phì, tỉnh An Huy - Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã
Ông Julian Evans-Pritchard, Trưởng phòng Kinh tế Trung Quốc tại Công ty tư vấn nghiên cứu kinh tế Capital Economics (Anh), ước tính tác động trực tiếp từ mức thuế quan 60% mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc cũng chưa bằng 1% GDP của Trung Quốc.
Theo báo cáo của Macquarie, việc tăng thuế trên thực tế có thể ít hơn và ở quy mô hẹp hơn so với những gì ông Trump đã tuyên bố trong chiến dịch tranh cử. Như vậy, chính quyền Bắc Kinh có thể không phản ứng trước mà sẽ quyết định quy mô của gói kích thích kinh tế tương xứng nhằm phản ứng với mức thuế thực tế của Mỹ.
Cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hội nghị công tác kinh tế trung ương dự kiến diễn ra vào tháng 12-2024 sẽ cho biết thêm thông tin về chiến lược và phản ứng của Trung Quốc thời gian tới.
Tỏ ra lạc quan, ông Zhang Ming, Phó Giám đốc Viện Tài chính và Ngân hàng thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định cú sốc thương mại tiềm tàng có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế Trung Quốc vào đầu năm 2025. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ khôi phục đà tăng trưởng vào cuối năm nay để đạt được mục tiêu tăng trưởng hằng năm.