Ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Phòng Truyền thông Công ty Du lịch Vietravel hồ hởi giới thiệu: Bên cạnh tour Thái Lan, hiện Trung Quốc là thị trường trọng điểm, chiếm đến 35%-40% lượng khách du lịch nước ngoài tại Vietravel. Thời điểm này, Trung Quốc đang vào thu với những rừng phong thay lá vàng hoe, thời tiết mát lạnh dễ chịu khiến thắng cảnh càng đẹp nao lòng.
Ước mơ một lần đặt chân đến để tận mắt chiêm ngưỡng những vùng đất huyền thoại của chúng tôi đã thành hiện thực khi Vietravel tổ chức chuyến farmtrip đến Khai Phong - Lạc Dương - Trịnh Châu, những địa danh gắn liền với tên tuổi các nhân vật lịch sử có sức hút mãnh liệt như Bao Công, Quan Vân Trường...
Chúc mừng Bao Đại Nhân vừa xử xong kỳ án
Xem Bao Công xử “bạc tình lang”
Khai Phong Phủ còn gọi là Bao Công Tự, được xây dựng ngay trên nền móng của miếu cổ thành xưa, cung kiều dạ nguyệt từ đầu năm 2002; sau 15 tháng hoàn thành và đưa vào sử dụng. Mỗi năm Khai Phong Phủ đón khoảng 1 triệu lượt khách; là điểm tham quan đạt doanh thu cao nhất tỉnh Khai Phong. Khai Phong Phủ từng đạt giải thưởng Lỗ Ban vì xây dựng hoàn chỉnh theo lối kiến trúc cổ thời Tống, trên diện tích 1 ha, trong không gian mộc mạc, trang nghiêm gồm nhiều công trình như Đại điện, Nhị điện, Bia Đình, lầu Thanh Tâm, khu vườn tao nhã, hồ nước lung linh...
Khác với ngày xưa, khách tham quan chẳng cần đánh trống kêu oan mà đúng thông lệ, hằng ngày vào lúc 9 giờ, Khai Phong Phủ mở cửa đón khách bằng màn trình diễn sống động. Từng đoàn lính hùng dũng diễu hành trước công chúng với cờ phướng, gươm gậy rợp trời...; Bao Công cùng các thuộc hạ xuất hiện oai nghiêm trong áo mão cân đai, tuy không ấn tượng bằng Kim Siêu Quần nhưng cũng rất thân thiện, dễ mến. Dưới bốn chữ vàng “quang minh chính đại”, Bao Công mời khách cùng xử án Trần Thế Mỹ ngay trước sảnh công đường. Mặc dù chuyển tải bằng ngôn ngữ Hoa, các “diễn viên” không “vào vai” xuất sắc như các tài tử chuyên nghiệp nhưng cũng đưa khách đến những cung bậc cảm xúc khác nhau. Truyện rằng: Tân khoa trạng nguyên Trần Thế Mỹ văn võ song toàn, được thái hậu sủng ái và chọn làm phò mã.
Vợ quê của Trần Thế Mỹ, thôn nữ Tần Hương Liên, cùng 2 con vượt ngàn dặm đường, lặn lội đến kinh thành tìm chồng. Do đã trở thành phò mã quyền cao chức trọng nên Trần Thế Mỹ không nhận vợ con, sai người đuổi đi. Nhờ sự giúp đỡ của Triển Chiêu, Hương Liên tới được công đường nhờ Bao Đại Nhân trả lại sự công bằng. Bao Chửng biết việc bỏ vợ, cưới công chúa là phạm tội khi quân nên khuyên Trần Thế Mỹ quay đầu. Không ngờ phò mã phái Hàn Kỳ giết hại 3 mẹ con, may nhờ Triển Chiêu cứu kịp. Hàn Kỳ ăn năn trước việc mình làm đã mang đao đồng là vật trong phủ phò mã làm bằng chứng tố cáo tội ác của Trần Thế Mỹ.
Trước chứng cứ rành rành, Bao Chửng buộc Trần Thế Mỹ tới công đường chịu tội. Dựa vào sự che chở của thái hậu và công chúa, Trần Thế Mỹ đã hống hách thách thức Bao Đại Nhân. Đúng lúc phán tội thì Thái hậu và công chúa đến đòi người. Bao Chửng vì sự công bằng vẫn kiên quyết xử chém Trần Thế Mỹ dưới long đầu trảm.
Đối thoại với “người xưa”
Vở diễn kết thúc để lại cho khán giả những ray rứt khôn nguôi. Tôi đã thấy những giọt châu sa trên gương mặt không ít phụ nữ khi một “bạc tình lang” rơi đầu để lại 2 góa phụ và 2 đứa con côi. Không biết trong tình cảnh này, giữa Tần Hương Liên và công chúa, ai khổ hơn ai? Ngữ cảnh này khiến tôi bất giác nhớ lời bài hát trong phim Bao Công được chuyển sang lời Việt: “Hôm nay lại có bao chuyện ưu phiền làm rối cả lòng ta. Rút dao chém xuống nước, nước càng chảy mạnh. Nâng chén tiêu sầu, càng sầu thêm. Xưa nay chỉ thấy người nay cười. Có ai thấy người xưa khóc đâu. Hai chữ “ái tình” thật cay đắng”. Phải chăng đó cũng là nỗi lòng của Bao Đại Nhân? “Trách người quân tử bạc tình. Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao”...
Tham quan phòng xử án chúng tôi không khỏi lạnh người trước ánh thép lạnh lùng của long đầu trảm, cẩu đầu trảm, hổ đầu trảm; lại có dịp tận mắt nhìn các áng thư, nghiên mực, trát đồng, tư liệu sử sách... Tại lầu Thanh Tâm có tượng đồng Bao Công cao vời vợi do một người Đài Loan đến hiến xây theo lời báo mộng. Không chỉ là điểm tham quan đơn thuần, mọi nơi trong Phủ Khai Phong đều hấp dẫn khách bởi các màn diễn xiếc, kungfu hoặc trích đoạn quang cảnh trường thi, một phần cuộc sống sinh hoạt của Bao Công ngày xưa...
Theo thuyết minh của hướng dẫn viên, thì ngoài đời Bao Công đẹp trai, trắng trẻo, thư sinh, chứ không phải “mặt sắt đen sì” như trong phim ảnh. Hóa trang theo diện mạo ấy vì theo kinh kịch Trung Hoa, đó là đặc thù của người tôi trung, thiết diện vô tư. Con người ấy, trải qua hàng thế kỷ vẫn chói ngời đạo đức cao đẹp về sự thanh liêm; đến nỗi khi ông về hưu, tài sản không có đến một cái nghiên mực!
Những ngày ở Khai Phong cổ kính, tôi thầm biết ơn người dân cũng như chính quyền sở tại đã giữ nguyên vẹn đường nét kiến trúc từ hàng ngàn năm để khách tham quan có thể thưởng lãm trọn vẹn một thành quách ngày xưa. Người Khai Phong tôn sùng Bao Đại Nhân đến nỗi tất cả mọi thứ ở đây đều đặt theo tên Bao Công: cá Bao Công, hồ Bao Công, đậu phộng Bao Công... Đền thờ của ông cũng quanh năm khói hương nghi ngút. Thế mới hay, người dân lem luốc nhưng họ vẫn giữ nguyên niềm tự hào về vị “thánh nhân” của họ.
Nhưng tôi chợt chạnh lòng khi thấy Khai Phong cổ kính, nguyên vẹn đấy nhưng đầy ắp cảm giác nghèo khổ, nhếch nhác, luộm thuộm so với các cố đô lân cận. Lời giải thích của hướng dẫn viên khi tôi hỏi sao Khai Phong không xây dựng lại cũng không làm tôi yên lòng: Ngoài việc muốn giữ đúng “cảnh cũ người xưa”, Khai Phong không xây lại được vì ảnh hưởng đến phố cổ ở dưới? “Người nay” chợt muốn chất vấn “người xưa”: Phải chăng đó là cái giá của niềm tự hào?
Ông Nguyễn Minh Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Vietravel:
Hiện Vietravel có 20 tour Trung Quốc phong phú đa dạng. Bên cạnh những tour truyền thống như Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Tô Châu..., lần này chúng tôi giới thiệu các danh thắng ở tỉnh Hà Nam - cái nôi của nền văn minh Trung Quốc, điểm khởi đầu của con đường tơ lụa huyền thoại với các cố đô Lạc Dương, Khai Phong... Tỉnh Hà Nam cũng có nhiều di sản được UNESCO công nhận như Khai Phong Phủ, Thiếu Lâm Tự, hang đá Long Môn..., có sông mẹ Hoàng Hà chứng kiến bao sự kiện trọng đại của lịch sử Trung Quốc...
Với đường tour đậm đà, đầy ắp dấu ấn lịch sử như vậy, chắc chắn du khách sẽ khám phá được nhiều điều mới lạ, bổ ích. Về vận chuyển, chúng tôi chọn Hàng không Phương Nam vì hãng có nhiều “giờ bay vàng”. Các đối tác về lưu trú, dịch vụ khác của chúng tôi cũng đều rất tốt. Đặc biệt, tham gia tour trong thời điểm này, du khách được tham gia chương trình khuyến mãi lớn “Sắc thu vàng” với những phần quà giá trị.
Cần nói thêm, một ưu thế của Vietravel là bán tour trên mạng, đặt trước cả năm với chương trình thiết kế đáp ứng mọi nhu cầu khách hàng. Đăng ký tour trước, khách sẽ được giữ nguyên mức giá cũ dù thị trường có biến động. |
Hào hứng Thiếu Lâm Tự
Đến Thiếu Lâm Tự, bất luận giới tính nào, chắc chắn khách tham quan cũng bị mê hoặc bởi những màn biểu diễn kungfu tuyệt hảo của phái Thiếu Lâm, lại càng hào hứng hơn khi nghe giới thiệu về một Lý Liên Kiệt thành danh rạng rỡ từng xuất thân từ “lò võ” này.

Không chỉ thế, Thiếu Lâm Tự còn rất tự hào khi lưu giữ nhiều tấm bia do các vị hoàng đế ngự bút, là giáo phái chân chính được nhà vua công nhận, sắc phong chức tước như trong quân đội, trở thành lực lượng bảo vệ chính thức khi nhà vua kinh lý. Thiếu Lâm Tự đến nay vẫn còn lưu giữ những bí kíp của các cao thủ võ lâm ở Tàng Kinh Các. Xúc động nhất là khi chúng tôi đến Lập Tuyết Đình nghe chuyện vị tổ sư Thần Quang dầm mình trong tuyết và chặt đứt cánh tay trước Bồ Đề Lạt Ma để tỏ lòng quyết tâm cầu đạo. Lại được thưởng lãm 126 pho tượng La Hán to bằng người thật trong các thế võ ở Đại Hùng Bảo Điện...
Quan Lâm Tự
Chúng tôi đến Quan Lâm Tự ở Lạc Dương trong một chiều mưa thu rả rích, buồn như chấu cắn. Đây là lăng mộ của Quan Vân Trường - vị tướng mặt đỏ thời Tam Quốc được phong làm “võ thánh” của Trung Quốc; nhân vật cùng Lưu Bị, Trương Phi kết nghĩa vườn đào.

Quan Công với tấm lòng hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài, đại diện cho “nhân, nghĩa, tín, dũng”. Quan Lâm tự rộng khoảng 16 ha, được xem như thánh địa linh thiêng của người Trung Quốc. Hằng năm, tất cả người Hoa trên toàn thế giới lại tề tựu về đây chiêm bái trong ngày hội “Quan Lâm quốc tế triều thánh đại điển”. Khuôn viên Quan Lâm tự là một khu rừng tùng bách vây quanh những điện thờ, có cây ngàn tuổi cành uốn lượn giống đầu rồng, tạo cảm giác dễ chịu.
Hai bên lan can con đường dẫn đến đại điện có vài trăm tượng kỳ lân bằng đá như ngẩng đầu chào khách. Đền chính điện thờ Quan Công trong trang phục của một đại thần, tư thế uy nghi. Linh thiêng nhất là khu mộ Quan Công nằm phía sau gò đất nhỏ, trên phủ toàn cây xanh, chung quanh xây tường tròn bằng gạch đỏ đã nhuốm màu phong sương.
Theo lời hướng dẫn viên, chúng tôi vừa đi quanh tường mất khoảng 7 phút, vừa khấn vái những điều nguyện ước. Tôi ước gì đây khi đi ở chốn này? Nhớ về cuộc chiến ác liệt thời Tam Quốc đã cướp đi bao nhiêu danh tướng, hào kiệt, hàng vạn sinh linh... Thôi chỉ ước gì thế giới không còn những cuộc chém giết, tranh giành quyền lực để chẳng vị tướng nào phải chết không toàn thây như Quan Vân Trường! |