Núi Đá Dựng

Trong thập cảnh Hà Tiên, núi Đá Dựng có tên gọi là Châu Nham Lạc Lộ có nghĩa là “cò về núi Ngọc”. Gọi là Châu Nham (núi Ngọc) vì trong núi có các loại thạch nhũ tinh quang lấp lánh như kim cương với nhiều màu sắc đẹp tựa châu ngọc.

Nham là núi cao có nhiều hang hốc. Lạc là rơi rụng la đà. Lộ là loại chim lông trắng thường sống chỗ ao đầm. Châu Nham Lạc Lộ là cảnh đàn cò trắng bay về núi Ngọc.

Cách thị xã Hà Tiên 6 km và Thạch Động 2 km về hướng Tây Bắc, núi Đá Dựng có hình thang cân, cao khoảng 100 m thư một bình phong thép của mảnh đất địa đầu Tây Nam Tổ quốc. Gọi là Đá Dựng có lẽ do vách đá dựng đứng, bên trong có nhiều ngõ ngách, hang động. Mỗi hang gắn liền với một truyền thuyết, một sự tích vừa thật vừa ảo.

Đường lên núi dài 1.049 m được chia làm hai tuyến. Tuyến 1 (đi lên) dài 772 m gồm 10 hang chính thư hang Mẹ Sanh, hang Dơi, hang Cội Hàng Da, hang Trống Ngực (đấm ngực âm thanh vang như trống), hang Khổ Qua, hang Bồng Lai...

img
Cảnh đẹp Hà Tiên

Ngồi ở hang Kim Quy (có khối đá giống hệt con rùa) nhìn qua Campuchia ngút ngàn đồng ruộng và cây thốt nốt, gió thổi mát hơn cả máy lạnh. Tuyến 2 (đi xuống) dài 377 m, có 4 hang chính như hang Chỉ Huy, hang Biệt động... Từ hang Chỉ Huy tha hồ ngắm toàn cảnh Hà Tiên. Gặp bữa đẹp trời, dùng ống dòm có thể thấy cả Châu Đốc và Phú Quốc.

Trong hang có nhiều khối thạch nhũ giống cá đối, rồng bay, cá voi, gấu, sư tử, chó... Vách hang còn dấu vết các loại vỏ hàu, vỏ sò như cố chứng minh nguồn gốc xa xưa vốn là nơi đầm lầy nước lợ. Hàng triệu năm trước núi Đá Dựng có lẽ là hòn đảo nhỏ giữa một sân chim ven biển. Chẳng thế mà sách cổ còn gọi núi Đá Dựng là Điểu Đình.

Sau khi cầu Tám Ngàn hoàn tất vào dịp 2-9 vừa qua từ Châu Đốc đi chợ Tịnh Biên rồi về thẳng Hà Tiên đường gần hơn 80 km. Với giá vé tham quan cực rẻ: 2.000 đồng, bạn có thể tự tin khám phá và thưởng cho mình bao điều mới lạ của núi Đá Dựng. Nhớ mang theo đèn pin vì trong hang nhiều chỗ chưa có điện, trang phục gọn nhẹ, giày thể thao và đừng quên... máy ảnh.