Phận “vợ chọn”: May nhờ rủi chịu

Chúng tôi đặt chân đến vùng sông nước ĐBSCL những ngày đầu tháng 5. Sau một thời gian trở lại, những xã vùng ven như Thuận Hưng, Kiên Trung, Tân Lộc (huyện Thốt Nốt), xã Vĩnh Trinh (huyện Vĩnh Thạnh) - những nơi có tỉ lệ thôn nữ lấy chồng ngoại cao nhất nhì tỉnh Cần Thơ- đã thay da đổi thịt rất nhiều, đường sá, nhà cửa khang trang hơn. Một cán bộ địa phương cho biết: “Đó là kết quả báo hiếu của những cô gái lấy chồng xa hằng tháng gửi tiền về cho bố mẹ”.

Lấy chồng để cải thiện kinh tế

Vào thời điểm mùa khô, việc đi lại ở vùng sông nước thuận lợi hơn, các chàng “rể ngoại” vào VN tìm vợ theo đường du lịch có xu hướng tăng, thôn nữ được các bà mối săn lùng ráo riết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hưng, cho biết: “Nơi đây, đời sống vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhiều gia đình thuần nông nhưng không có đất canh tác, chủ yếu sống bằng nghề làm mướn. Xã vẫn còn đến 10% hộ nghèo. Và trong số hộ ấy, hễ nhà nào có con gái đều ao ước cải thiện kinh tế bằng cách gả con sang xứ người”.

Khi các cô gái trẻ đang nuôi giấc mơ “chồng ngoại” bị săm soi thân thể trong một số đường dây môi giới kết hôn bất hợp pháp, thì ở quê các bậc phụ huynh vẫn luôn cầu trời cho con gái họ được đổi đời

Ở nông thôn, việc “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” quanh quẩn cả năm may ra mới đủ ăn đã khiến không ít bậc cha mẹ xiêu lòng trước viễn cảnh giàu sang mà bà mối thường vẽ nên cho họ. Vả lại, một thực trạng buồn là nam, nữ thanh niên nông thôn thường không có điều kiện học tập, nghề nghiệp bấp bênh, thu nhập không ổn định, đôi nào xây mộng đẹp với “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” thì cuộc sống vẫn thường xuyên lục đục vì túng thiếu. Nhiều thôn nữ mới lớn, nhìn xung quanh mà... ngán ngại trai làng. Không ai bảo ai, nhưng tâm lý, thôi thì lấy chồng ngoại vừa giúp được gia đình vừa... may ra đổi đời, đã hình thành.

Hai cô con gái ông T.V.T ở xã Thuận Hưng đã hiện thực hóa giấc mơ của mình. Mới lấy chồng Hàn Quốc chưa đầy 2 năm nhưng hai cô đã gửi tiền giúp cha mẹ cất được một căn nhà khang trang trên 100 triệu đồng và mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Trở về thăm cha mẹ, hai cô đã rủ thêm cháu gái sang xứ Hàn làm dâu.

Cũng nằm trong số những thôn nữ may mắn, là gia đình ông Ng.V.Nh ở ấp Tân Phước 1. Từ ngày có con sang xứ sở kim chi lấy chồng, ông đã cất được ngôi nhà đẹp, mua xe máy từ số tiền con gửi về. Ông Phan Văn Tùng cũng cho biết thêm, nhiều thôn nữ lấy chồng Hàn Quốc có cuộc sống ổn định, mỗi quý đã gửi về nhà giúp cha mẹ được 30 - 40 triệu đồng, có cô gửi về cả trăm triệu đồng.

Kẻ khóc, người cười

Câu cửa miệng: “Bà mai ăn một lần, gia đình ăn cả đời” đã trở nên quen thuộc ở những gia đình có con lấy chồng ngoại. Nếu như nhiều vụ mai mối bất hợp pháp bị phanh phui ở TPHCM, người môi giới phải hoạt động lén lút thì ở vùng sông nước này bà mai (có thể là tú bà) vẫn xuất hiện và săn tìm thôn nữ. Theo bà Lý Thị Kim Cương, cán bộ Hội Phụ nữ xã Tân Lộc: “Điều kiện thông tin ở đây còn hạn chế nên nhiều gia đình có con em lên TP cho người ta “xem mặt” vẫn chưa biết chuyện gì đang xảy ra. Hội đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền vận động các gia đình, chị em nhưng hiệu quả chưa cao vì kinh tế khó khăn và lấy chồng ngoại đã thành phong trào”.

Cũng theo bà Cương, đa số những cô gái lấy chồng ngoại quốc có cuộc sống ổn định trở về, sẽ tìm vợ giúp cho đối tượng mà họ quen biết. Và thường là chị em trong gia đình, dòng họ với nhau. Chính vì có hậu thuẫn từ trước nên tỉ lệ rủi ro ở những trường hợp này ít hơn. Những thôn nữ không quen biết ai mới rơi vào tay bà mối và chấp nhận “may nhờ rủi chịu”. Phận “vợ chọn” phải chịu vậy!

Một trong số những gia đình có con em xuất ngoại lấy chồng, có bà T.C ở ấp Tân Quới (xã Thuận Hưng) cho biết: “Họ hàng nhà tôi đã có trên 10 cháu lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan. Người có hạnh phúc, giúp được cha mẹ cũng nhiều mà trường hợp “cơm không lành canh chả ngọt” cũng có. Đó là lẽ thường của cuộc sống lứa đôi. Nếu nói gả con xa... sợ, thì gả con trong xóm mà không hạnh phúc, nhếch nhác còn đau lòng hơn”.

Theo Cục Thống kê Hàn Quốc, số cô dâu Việt Nam tại nước này hiện nay đã 11.000 người, tăng trung bình 74%/năm. Chú rể đa phần là nông dân và ngư dân. Thống kê tại Sở Tư pháp Cần Thơ cho thấy 79% các cô gái lấy chồng Hàn Quốc xuất thân từ những gia đình khó khăn, số còn lại do sở thích.

Kết quả của những cuộc xuất giá làm “vợ chọn”: 67% cô dâu lấy chồng Hàn Quốc đã giúp đỡ được gia đình, đời sống ổn định; có 18% trường hợp không hạnh phúc.