Tình yêu đẩy lùi bệnh tật
Câu chuyện này tôi đã giữ kín vợ con, gia đình suốt hơn 30 năm qua. Nhưng bây giờ, tôi thấy mình cần phải nói cho những người thân yêu hiểu rằng, vợ chồng tôi đã trải qua những năm tháng mà có lúc sự sống và cái chết rất gần kề. Nhưng tình yêu và khát khao được sống bên nhau, đã giúp chúng tôi làm nên những điều kì diệu
Năm 1974, khi đang chuẩn bị làm đám cưới thì thỉnh thoảng người yêu tôi lại đau tức ngực, khó thở. Đi khám bệnh, bác sỹ cho biết có một khối u ở phổi bên phải to bằng quả chanh, không rõ là lành hay ác tính. Bệnh nhân phải phẫu thuật.
Ca mổ được tiến hành vào ngày 16/4/1974, kíp mổ gồm các chuyên gia đầu ngành khi đó là GS Tôn Đức Lang (đã mất), GS Nguyễn Thấu... Sau 5 giờ, ca mổ hoàn thành, bệnh phẩm là một nửa lá phổi. Cô ấy được chuyển về phòng hậu phẫu, tôi đã thức trắng nhiều đêm để chăm sóc. Hồi ấy, đất nước đang chiến tranh nên rất khó khăn, chúng tôi trụ lại được là nhờ sự giúp đỡ của bác Mai Dung (công tác tại Bệnh viện K), khi thì cho tôi bánh mì, nước uống, cho cô ấy sữa, nước cam.
Khối u của cô ấy sau khi cắt đã được chuyển đến Khoa Giải phẫu bệnh lí. GS Nguyễn Bằng, Chủ nhiệm khoa đã thông báo cho tôi biết đó là một khối u ác tính. Theo nhận định của GS Bằng, nếu sau 2 năm khối u không có tiến triển xấu, có thể sống được thêm 5 năm. Và nếu sống được thêm 10 năm mới có nhiều hy vọng sống lâu. Nghe tin, tôi chết lặng và bật khóc như trẻ con. Biết chuyện chúng tôi sắp cưới nhau, GS Bằng khuyên tôi: “Anh phải hết sức bình tĩnh, cân nhắc, suy nghĩ cẩn thận, vì đây là cuộc sống, hạnh phúc của hai người trong suốt cuộc đời”.
Ra về, tôi không dám nói điều này cho ai, tôi tìm đến vợ chồng bác Mai Dung để nghe lời khuyên. Những lời động viên của vợ chồng bác và của GS Bằng đã khiến tôi bình tâm hơn. Để cho cô ấy không bị sốc, tôi nói dối đó là một khối u lành tính.
Sau những ngày căng thẳng, tôi đi đến quyết định sẽ cưới cô ấy và không cho gia đình, bạn bè biết tình trạng bệnh tật. Lễ cưới được tổ chức rất trang trọng, nhiều y bác sỹ ở Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Bệnh viện K đến dự. Họ rất ngỡ ngàng về đám cưới, có người nói tôi dũng cảm, nhưng có người bảo tôi bị điên. Cũng phải nói thêm là sau khi biết tôi quyết định làm đám cưới, vợ chồng bác Mai Dung yêu quý tôi hơn bao giờ hết, xem tôi như người ruột thịt. Đó cũng là một món quà ân nghĩa mà tôi may mắn có được trong đời.
Cưới vợ rồi, hạnh phúc nhiều nhưng nỗi lo sợ cũng triền miên. Đêm đêm tỉnh giấc, dậy ngắm người vợ yêu đang ngủ ngon lành, lòng tôi thắt lại vì không biết tai hoạ sẽ ập đến với cô ấy bất cứ lúc nào.
Sau hơn một năm, thấy sức khoẻ của cô ấy bình phục, chúng tôi mới quyết định sinh con. Rất may là mẹ tròn con vuông, cháu bé rất giống mẹ. Rồi con bi bô học nói, chập chững biết đi, tôi lại sợ một ngày con mồ côi mẹ.
Hai năm trôi qua, rồi 5 năm, tuy sức khoẻ vẫn yếu, nhiều khi khó thở nhưng vợ tôi vẫn sống. Hơn 10 năm sau, khi thấy tình hình khả quan, chúng tôi mới quyết định sinh thêm cháu thứ 2. Hạnh phúc đến với chúng tôi không thể tả xiết. Đến nay, hai con của chúng tôi đều đã trưởng thành, có nghề nghiệp ổn định.
Ngồi nghĩ lại, tôi không thể hiểu nổi điều kì diệu gì đã đẩy lùi căn bệnh nan y cho vợ tôi. Số phận đã gắn kết chúng tôi với nhau, đi qua những thăng trầm bể dâu, để đến hôm nay, tôi thấy mình thực sự thanh thản khi kể ra câu chuyện này. Với tôi, hạnh phúc là có một việc để làm, có ai đó để yêu thương, có niềm tin yêu để hy vọng. Sự chờ đợi hạnh phúc còn có ý nghĩa và giá trị hơn chính bản thân hạnh phúc.