Đổi mới việc dạy và học lịch sử
Thiếu hiểu biết về lịch sử nước nhà sẽ cản trở việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa. Nếu phát triển kinh tế mạnh mẽ mà đánh mất bản sắc dân tộc thì sự phát triển ấy còn có nghĩa lý gì!
Có lẽ mọi người đều có thể dễ dàng đồng ý rằng, sử học có một vai trò cực kỳ to lớn đối với sự phát triển toàn diện của cả nhân loại cũng như của từng quốc gia, dân tộc. Xem thường việc nghiên cứu và giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ chắc chắn là một sai lầm nghiêm trọng mà tai họa của nó sẽ không sao lường hết được!Đáng báo động ở cấp cao nhất
Việc các môn khoa học xã hội và nhân văn, trong đó có sử học bị “xem thường” không phải là chuyện riêng của nước ta mà là thực trạng chung của nhiều nước trên con đường hiện đại hóa. Ở nước ta, do những hạn chế chủ quan của bộ máy quản lý giáo dục, của đội ngũ những người nghiên cứu và giảng dạy lịch sử từ phổ thông đến đại học, sau đại học; do sự thờ ơ của xã hội và gia đình đối với việc giáo dục lịch sử cho lớp trẻ nên thực trạng này trở nên nghiêm trọng bất thường, đáng báo động ở cấp cao nhất (kết quả môn sử ở những kỳ thi đại học 2005, 2006 vừa qua là bằng chứng tập trung và điển hình nhất!). Điều này đang đe dọa làm nghèo nàn đời sống tinh thần của nhân dân, cản trở việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Nếu phát triển kinh tế mạnh mẽ mà đánh mất bản sắc dân tộc thì sự phát triển ấy còn có nghĩa lý gì!
Điều đầu tiên và quan trọng nhất là làm cho toàn dân nhận thức rõ vấn nạn này và chung sức giải quyết, khôi phục lại truyền thống “hết sức coi trọng lịch sử trong giáo dục con người” của tổ tiên ta. Không phải vô cớ mà Bác Hồ trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, từ lúc đi tìm đường cứu nước đến khi là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, luôn xem lịch sử là vũ khí cực kỳ sắc bén của cách mạng. Người đã sử dụng tốt nhất vũ khí này để tuyên truyền cách mạng, giáo dục nhân dân và đã lập nên nhiều kỳ tích, ghi vào lịch sử dân tộc những trang sử vàng chói lọi nhất.
Trước xu thế toàn cầu hóa, các cơ quan, viện nghiên cứu lịch sử, các trường đại học phải vào cuộc đổi mới sử học (nghiên cứu, giảng dạy và học tập). Chúng ta phải đổi mới sâu sắc để có những công trình sử học tốt nhất làm chỗ dựa cho việc hình thành hệ thống sách giáo khoa, giáo trình lịch sử có chất lượng cao nhất ở các bậc học. Không có những công trình nghiên cứu tốt, không thể có sách giáo khoa tốt được.
Đào tạo lại đội ngũ giáo viên dạy sử
Để đáp ứng những yêu cầu lớn lao mới, sử học nước ta phải vừa củng cố những chuyên ngành truyền thống vừa mở rộng lĩnh vực nghiên cứu và hình thành nhiều chuyên ngành mới. Sự kết hợp giữa sử học và các ngành khoa học khác là một trong những nét quan trọng nhất trong “sự chuyển đổi hình thái của sử học” dẫn đến những ngành mới và mở rộng khả năng của sử học. Phải cố gắng nâng cao “tầng diện” nghiên cứu của sử học, không chỉ dừng lại ở chỗ miêu tả, mà đi sâu vào bản chất, quy luật và định hướng, dự báo tương lai. Chúng ta cần phải hình thành một mạng lưới mạnh cho việc đào tạo và nghiên cứu lịch sử ở các trường đại học, làm nòng cốt cho việc dạy và học sử trên cả nước. Phải cố gắng trang bị cho sinh viên khả năng tận dụng những thành tựu mới nhất của khoa học - công nghệ vào học tập và nghiên cứu lịch sử; đổi mới phương pháp giảng dạy, “lấy người học làm trung tâm”, tăng cường hội thảo, tranh luận, tự nghiên cứu,...
Đối với việc dạy và học sử ở trường phổ thông, điều quan trọng nhất là phải khôi phục lại vị trí môn học. Chúng ta cần rà soát lại khung chương trình, nội dung kiến thức theo hướng giảm tải, điều chỉnh cơ cấu, không phải bất cứ kiến thức nào, môn học nào cũng đưa vào chương trình phổ thông. Phải có nhiều hình thức linh hoạt để đào tạo lại đội ngũ giáo viên dạy sử trong cả nước và xem đây như là một trong những việc lớn của ngành giáo dục Việt Nam cho đến năm 2010.