Hà Nội chọn lãnh đạo xã, phường mới thế nào?

(NLĐO)- Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ Hà Nội, cho rằng bí thư xã, phường mới phải có năng lực nổi trội, thành tích tiêu biểu, ưu tiên cán bộ trẻ và cán bộ nữ.

Ngày 13-5, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030 và Hướng dẫn sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính.

Hà Nội chọn lãnh đạo xã, phường mới thế nào?- Ảnh 1.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Hà Minh Hải, phát biểu tại Hội nghị

Trình bày về việc bố trí cán bộ, công chức sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Hà Minh Hải cho biết cán bộ được lựa chọn làm bí thư xã, phường mới phải có năng lực nổi trội, thành tích tiêu biểu, có sản phẩm chất lượng, hiệu quả, đồng thời ưu tiên cán bộ trẻ và cán bộ nữ.

Theo định hướng của Hà Nội, ban thường vụ các quận, huyện, thị ủy sẽ đề xuất nhân sự cụ thể cho từng chức danh và sắp xếp, bố trí công tác đối với từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đối với các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quản lý như bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ, phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND, trường hợp dư cán bộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn, các địa phương lập danh sách đề xuất để Ban Thường vụ Thành ủy điều phối chung toàn thành phố.

Trường hợp thiếu nguồn cán bộ thì có thể đề xuất nhân sự khác cơ bản đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, có năng lực nổi trội, thành tích xuất sắc hoặc đề nghị bổ sung cán bộ từ nơi khác để Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội xem xét, quyết định.

Hà Nội lựa chọn bí thư cấp xã theo hướng ưu tiên các Thành ủy viên, các bí thư cấp huyện, các phó bí thư cấp huyện và tương đương, các ủy viên ban thường vụ cấp huyện...

Theo ông Hà Minh Hải, TP Hà Nội sẽ xem xét điều động cán bộ giữa các quận, huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn để đảm bảo tính liên thông, đồng bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ toàn thành phố, gắn việc bố trí, sắp xếp cán bộ với việc rà soát, đánh giá toàn diện để đưa đúng người vào đúng việc.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, khẳng định việc sắp xếp 126 đơn vị hành chính cấp xã là cơ hội lớn để thành phố xây dựng chính quyền tinh gọn, hiệu quả, hiện đại và gần dân. Đây không chỉ là thực hiện nghị quyết Trung ương mà còn thể hiện quyết tâm lớn của thành phố.

Hà Nội chọn lãnh đạo xã, phường mới thế nào?- Ảnh 2.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu chỉ đạo

Theo ông Nguyễn Văn Phong, việc tổ chức bộ máy phải phù hợp với yêu cầu mới, tận dụng các căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn của thủ đô. Việc bố trí cán bộ phải dựa trên năng lực thực tế, không hạ thấp tiêu chuẩn vì cơ cấu, đồng thời vì việc tìm người, không bó hẹp địa giới hành chính mà "có lên có xuống, có ngang có dọc, có vào có ra".

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, việc sắp xếp bộ máy hành chính xã, phường phải đồng đều chất lượng, đây là sự kết hợp giữa tâm, tầm, nghệ thuật của người đứng đầu, việc chọn cán bộ phải công tâm, khoa học. Cùng với đó, việc bố trí cán bộ sẽ linh hoạt, kết hợp nguồn tại chỗ và từ các sở, ngành, đảm bảo bộ máy mới hoạt động thông suốt ngay từ ngày đầu.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Phong cho biết TP Hà Nội cũng chuẩn bị chính sách hỗ trợ cán bộ không chuyên trách bị ảnh hưởng bởi sắp xếp với tinh thần không để ai không được quan tâm.

Theo phương án của Hà Nội, thành phố sắp xếp từ 526 xã, phường, thị trấn hiện nay thành 126 đơn vị hành chính cấp xã mới. Việc sắp xếp nhận được sự đồng thuận rất cao của nhân dân.