Hà Nội sẽ cấm đồ nhựa dùng một lần thế nào?
(NLĐO) - Thủ tướng yêu cầu Hà Nội từ quý IV-2025 thí điểm không sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong nhà hàng, khách sạn, cửa hàng ăn, uống nằm trong Vành đai 1.
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại nhiều địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn, ngày 12-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong đó yêu cầu Hà Nội từ quý IV-2025 thí điểm không sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong nhà hàng, khách sạn, cửa hàng ăn, uống nằm trong Vành đai 1.

Thủ tướng yêu cầu Hà Nội từ quý IV-2025 thí điểm không sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong nhà hàng, khách sạn, cửa hàng ăn, uống nằm trong Vành đai 1 Hà Nội. Văn Duẩn/Googlemaps
Về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực xử lý nước thải, chất thải rắn, trong Chỉ thị 20, Thủ tướng giao UBND TP Hà Nội triển khai thí điểm không sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng đồ uống, quán ăn… nằm trong Vành đai 1 (Thực hiện từ Quý IV-2025 và nhân rộng trong những năm tiếp theo).
Trước đó, vào ngày 10-7, HĐND TP Hà Nội họp và đã thông qua Nghị quyết quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt trên địa bàn thành phố.
Hà Nội quy định lộ trình cấm đồ nhựa dùng một lần ra sao?
Theo nghị quyết này, khách sạn, khu du lịch không lưu hành và sử dụng các sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần (gồm bàn chải đánh răng; dao cạo râu; tăm bông; mũ tắm; bao bì nhựa sử dụng một lần chứa, đựng: Kem đánh răng, sữa tắm, sữa dưỡng thể, dầu gội, sữa dưỡng tóc) kể từ ngày 1-1-2026.
Các chợ, cửa hàng tiện lợi không cung cấp miễn phí túi ni lông khó phân hủy sinh học kể từ ngày 1-1-2027; đơn vị bán hàng trực tuyến có trách nhiệm giảm thiểu sử dụng bao bì nhựa, vật liệu chống sốc bằng nhựa hoặc thu hồi các bao bì nhựa, vật liệu chống sốc không để thất thoát ra môi trường.
Chợ, cửa hàng tiện lợi không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm), trừ sản phẩm, hàng hóa có bao bì nhựa khó phân hủy sinh học kể từ ngày 1-1-2028.
Trong hoạt động sinh hoạt, các đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc chính quyền thành phố không sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm). Không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) để chứa đựng, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, trừ sản phẩm, hàng hóa có bao bì nhựa khó phân hủy sinh học kể từ ngày 1-1-2028.
Kể từ ngày 1-1-2031, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu và trường hợp sản xuất, nhập khẩu bao bì nhựa khó phân hủy sinh học để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.
Vành đai 1 là trục chính đô thị kết nối từ Đông sang Tây, đi qua khu vực trung tâm của TP Hà Nội gồm phố Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Hoàng Cầu - Voi Phục với tổng chiều dài 7,2 km.
Cụ thể, Vành đai 1 sẽ bao gồm các tuyến đường, phố: Trần Khát Chân (ngã ba Trần Khát Chân - Nguyễn Khoái) - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Ô Chợ Dừa - Đê La Thành - Hoàng Cầu - Đê La Thành - Cầu Giấy - đường Bưởi - Lạc Long Quân - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư- Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân.
Phạm vi của tuyến đường sẽ chạy qua địa bàn các quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa (cũ).