Phim truyền hình: “Tay không bắt giặc”
Kinh phí làm phim phụ thuộc vào nhà tài trợ, giám đốc công ty quảng cáo đứng ra làm đạo diễn phim.
Sự phát triển của phim truyền hình đã tạo nguồn “sống khỏe” khiến nhiều đơn vị sản xuất tư nhân bắt đầu lao vào công cuộc sản xuất phim. Bên cạnh những nhà sản xuất đầu tư nghiêm túc, xây dựng thương hiệu bằng những bộ phim có chất lượng thật sự thì cũng có những đơn vị làm phim chỉ hòng thu lợi. Kiểu làm phim này đang gây ra nhiều hệ lụy mà không ít người nói rằng góp phần đưa phim Việt vào thảm họa
Vụ lùm xùm xung quanh bộ phim Anh chàng vượt thời gian mới đây là đỉnh điểm bộc lộ rõ sự thiếu chuyên nghiệp, làm phim phiêu lưu kiểu “tay không bắt giặc”, bất chấp hậu quả của đơn vị sản xuất tư nhân non kém kinh nghiệm. Trong khi xung đột, mâu thuẫn nội bộ của đoàn phim chưa giải quyết xong thì ê-kíp làm phim vẫn phải gồng mình thực hiện gấp rút những thước phim “ăn liền” để kịp phát sóng. Và hệ lụy của việc làm phim cẩu thả này là khán giả phải thưởng thức một sản phẩm tệ hại, khi nó chễm chệ ngay trong giờ vàng của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cảnh trong phim Anh chàng vượt thời gian- bộ phim được cho là “thảm họa phim Việt” khi phát sóng trong giờ vàng của VT. Ảnh do đoàn phim cung cấp
Những “đứa con” quái thai
Cái tên Năng Động Việt – đơn vị sản xuất phim Anh chàng vượt thời gian - lần đầu tiên xuất hiện ở lĩnh vực phim ảnh nhưng đã “nổi đình nổi đám” quá mức ở những mặt tệ hại khi trình làng một bộ phim mà giới chuyên môn cho rằng “không ra gì”. Đây là sản phẩm của sự tắc trách, nông nổi và vội vàng muốn một bước lên mây của nhà sản xuất.
Không kể các đơn vị làm phim của Nhà nước, hiện có trên 30 công ty tư nhân đầu tư sản xuất phim truyền hình. Tuy nhiên, sự “nở nồi” ồ ạt này không góp phần làm tươi sáng thêm diện mạo phim truyền hình mà chỉ khiến công chúng nghi ngờ, lo ngại về chất lượng phim. |
Một số người trong đoàn phim cho biết giám đốc Công ty Năng Động Việt không có kinh nghiệm, thiếu kiến thức chuyên môn nhưng lại muốn “thâu tóm” quyền lực, một tay điều hành đoàn phim khiến nhiều người trong đoàn bức xúc, ê-kíp thực hiện rơi rụng dần. Diễn viên Hứa Vỹ Văn cho biết trên trường quay gần như bà Ngọc Ngân, giám đốc công ty này, can thiệp vào tất cả các khâu từ chỉ đạo diễn xuất đến bối cảnh, đạo cụ, quay phim, ánh sáng…
Một kiểu làm phim tay ngang trước đây cũng mang đến cho khán giả một bộ phim chất lượng khá tệ là Đối diện tử thần (Công ty Lạc Việt). Giám đốc công ty này cũng đứng ở vị trí đạo diễn kiêm diễn viên phim.
Nội dung nhạt, góc quay đơn điệu, lời thoại đều đều và nhiều diễn viên “không biết ở đâu ra” diễn xuất vô hồn. Trong khi đó, bộ phim được thực hiện theo “đơn đặt hàng” của hãng xe máy Yamaha Hai gia đình (phát sóng trên kênh HTV7 trước đây) cũng là một sản phẩm vụng về khi chuyện phim dựng nên chỉ nhằm mục đích quảng bá cho nhãn hiệu này. Còn bộ phim Xin thề anh nói thật (đang phát sóng trên kênh VTV1) càng lúc càng nhảm nhí, vô bổ khiến cho khán giả chán ngán…
Một đạo diễn nói làm nghệ thuật khác với làm bánh, cứ đổ bột vào khuôn là ra được bánh. Phim truyền hình không phải là một cái khuôn để nhà sản xuất có thể đổ những gì dở tệ vào rồi “kiểu gì cũng thành phim”.
“Một người làm phim cả họ được nhờ”
Nhiều đơn vị sản xuất vốn là các công ty hoạt động quảng cáo, đã có mối quan hệ thuận lợi nên dễ dàng tìm nguồn tài trợ. Và khi càng nhiều đơn vị đầu tư làm phim thì những thành phần hám danh, hám lợi càng có cơ hội kiếm lợi, kiếm danh. Không phải phim nào cũng có được một đội ngũ tận tụy và chuyên nghiệp, khi cung không đủ cầu, phim dở cũng có đài mua thì nhà sản xuất, đạo diễn cũng mặc sức tự tung tự tác, tạo điều kiện cho “gà nhà” có đất để tung hoành trên trường quay, trên sóng truyền hình.
Một diễn viên trẻ từng được giao vai thứ chính trong một phim truyền hình, đã lên sóng trong năm 2010, cho biết cô được giao vai vì đạo diễn là bác ruột, thấy cháu gái rảnh rỗi, có chút nhan sắc nên cho… đóng thử, vừa có tiếng vừa có miếng. Diễn viên chỉ đóng phim lần duy nhất này không ngần ngại nói “thử xem cảm giác lên phim là thế nào nhưng cũng ngượng vì mọi người chê nhiều quá”. Chuyện lên phim nhờ quen biết không hiếm.
Đem tiền mua vai hay sử dụng “chiêu độc” là gạ tình đổi vai cũng đã không là chuyện quá xa lạ trong giới làm phim truyền hình Việt. Đó cũng là lý do có những gương mặt chỉ xuất hiện một lần rồi mất hút, để lại những “ám ảnh” cho giới làm phim Việt và khán giả.
Không chỉ diễn viên mà ê-kíp thực hiện của không ít đoàn làm phim cũng là những “vây cánh” của nhà sản xuất và đạo diễn. Không ít người trong nghề nói câu “một người làm phim cả họ được nhờ” để ám chỉ những trường hợp nhân viên đoàn làm phim nhìn đâu cũng thấy người quen của nhà sản xuất hay đạo diễn, với những chức danh cũng không kém phần to tát: chủ nhiệm phim, trợ lý đạo diễn, quản lý diễn viên... Bộ phận này kiếm sống bằng cách chèn ép, ăn chặn tiền cơm, cắt xén tiền thù lao của diễn viên và cùng “hỗ trợ nhau” trong việc giảm thiểu tối đa chi phí sản xuất để kiếm lời ngay từ tiền đầu tư của nhà sản xuất.
Kỳ tới: Rút ruột phim