Xuất bản: Ngựa bất kham ?
Làng xuất bản liên tục “ầm ĩ” với những vụ thu hồi, xử phạt sách sai phạm và hệ lụy của nó không chỉ làm hoen ố danh tiếng của đơn vị xuất bản, công ty liên kết mà còn hạ uy tín của các cơ quan quản lý.
Giấy phép rẻ như cho
Một khi có thể mua giấy phép với giá bèo thì những công ty làm sách liên kết theo kiểu “kinh doanh bất chấp” cũng không ngại bỏ tiền đầu tư cho các ấn phẩm rẻ tiền, phát hành tràn lan trên vỉa hè để thu lợi nhuận khổng lồ
Việc lập biên bản tịch thu cuốn sách Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông (tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên; NXB Hội Nhà văn) của Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM đã làm dấy lên những luồng dư luận khác nhau.
Sai sót từ khâu biên tập
Nhiều ý kiến sau khi đã đọc Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông cho rằng sẽ không có chuyện ồn ào nếu khâu biên tập làm việc có trách nhiệm hơn. Tương tự, cuốn Sát thủ đầu mưng mủ sẽ không bị thu hồi nếu khâu biên tập cũng được làm tốt hơn. Rất nhiều cuốn sách sai phạm trong thời gian qua bị công luận chỉ trích hoặc bị cơ quan quản lý chức năng xử lý thu hồi đều nằm trong tình trạng lỗi biên tập.
Theo Luật Xuất bản, trọng trách của giám đốc NXB được đặt lên hàng đầu trong việc chịu trách nhiệm về nội dung xuất bản phẩm nhưng trên thực tế khâu biên tập thường được các NXB phó thác luôn cho các đơn vị cá nhân liên kết xuất bản.
Trả lời câu hỏi vì sao có NXB làm tốt, có uy tín, có đơn vị lại làm lung tung, bệ rạc, bà Huỳnh Thị Xuân Hạnh, Giám đốc NXB Văn hóa Văn nghệ, nói: “Hầu hết đơn vị xuất bản hiện nay đều có liên kết làm sách nhưng vấn đề là họ đã cùng làm như thế nào. Ngoài ra, còn tùy vào điều kiện ngân sách, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực của mỗi đơn vị. Một bộ máy vận hành có hiệu quả hay không, tất cả đều phụ thuộc vào quy trình biên tập, thẩm định bản thảo của đơn vị, đặc biệt là năng lực và trách nhiệm của người lãnh đạo”.

Một số đầu sách có vấn đề về nội dung được xuất bản trong thời gian qua
“Mọi cẩu thả, qua loa đều có thể để lại hậu quả. Có khi sẽ để lọt lưới những sai sót nghiêm trọng ngay cả trong những cuốn sách tưởng chừng chỉ là giải trí, nhẹ nhàng”. Bà Hạnh nói và đưa ra một ví dụ bằng chính cuốn sách mà đơn vị đang biên tập, nếu không để ý kỹ sẽ dễ dàng bỏ qua những dòng chú thích với cỡ chữ rất nhỏ về số tỉnh, thành của Việt Nam cũng như các đảo. Hai thông tin này là sai sót về kiến thức cập nhật và về nhận thức chính trị. “Trong nghề này, không ít trường hợp sách sai sót phải thu hồi trước khi phát hành để chỉnh sửa cũng vì sự qua loa của nhà làm sách” – Giám đốc NXB Văn hóa Văn nghệ khẳng định.
Dễ dãi để tồn tại?
Một lãnh đạo NXB thừa nhận rằng trong cuộc chạy đua hiện nay, nếu quá kỹ càng, khắt khe thì không khéo mình sẽ mất đối tác. Đơn vị này không nhận thì cũng có đơn vị khác duyệt cấp giấy phép. Và như thế, hoàn toàn không có lợi trong mối quan hệ kinh doanh với các công ty liên kết. “Dẫu vậy, trong chừng mực cho phép, NXB có thể cấp giấy phép cho những ấn phẩm đôi khi không thật hay nhưng cũng sẽ không gây ảnh hưởng gì đến độc giả và văn hóa đọc. Thật ra, lệ phí cấp giấy phép cho mỗi đầu sách cũng không quá 400.000 đồng” – lãnh đạo này nói.
Một biên tập viên thâm niên của một đơn vị xuất bản “bỏ nhỏ”: “Nếu chỉ sống bằng kế hoạch A thì rất khó. Đôi khi cũng phải biết “lèo lái”, nương theo thị trường để duy trì sự tồn tại. Ai cũng thấy rằng nhiều sách nhảm bị lên án lại là những cuốn sách được số đông người đọc săn đón. Chỉ là những ấn phẩm đọc cho vui, tùy mọi người lựa chọn. Như thế cũng là lợi mình, lợi người”.
Giám đốc của một NXB uy tín tiết lộ rằng ông đã từng từ chối nhiều bản thảo vì nhận thấy trước là “có vấn đề” nhưng sau đó thì những cuốn sách đó vẫn ung dung có mặt trên thị trường – phần lớn là những đầu sách bị chỉ trích, lên án và có cuốn đã bị thu hồi.
Dù đã có những cảnh báo của công luận về mức độ độc hại, các loại sách, tranh truyện không lành mạnh vẫn như nấm sau mưa tiếp tục có mặt nhan nhản trên thị trường. Sách nhảm nhí tràn lan vỉa hè, thậm chí còn “hiên ngang” trở thành giáo trình trong trường học. |
Vấn đề ở quản lý đầu ra Nhà văn Bùi Anh Tấn, biên tập viên NXB Công an Nhân dân, nói: “Luật cho phép liên kết kinh doanh xuất bản phẩm, một khi NXB không đủ tiềm lực làm sách thì việc bán giấy phép cũng là điều hiển nhiên. Liên kết làm sách vốn là hướng phát triển tốt nhưng vấn đề là quản lý đầu ra, xử lý như thế nào đã không hề được chú trọng”. |
Kỳ tới: Lỗ hổng quản lý!