"Hoa Lửa", khi trái tim người lính cháy bằng niềm kiêu hãnh
(NLDO) - Vở mang nhiều cảm xúc nhưng để lại tiếc nuối bởi sự lạm dụng hình tượng minh hoạ sân khấu

Vở "Hoa lửa" tôn vinh hình tượng chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy
Vở diễn là một trong những tác phẩm tiêu biểu được thực hiện với sự chỉ đạo nội dung từ Cục Công tác Chính trị – Bộ Công an, chào mừng 80 năm Ngày truyền thống Công an Nhân dân và 20 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Tác phẩm quy tụ đội ngũ sáng tạo dày dạn kinh nghiệm: tác giả Nguyễn Thanh Bình, biên tập Trình Huyền, đạo diễn NSND Lê Hùng, cùng dàn diễn viên tâm huyết của Nhà hát Kịch Công an Nhân dân.
"Hoa Lửa" không chỉ phản ánh hiện thực xã hội, mà còn soi chiếu vào bản lĩnh và lựa chọn của những người trẻ hôm nay. Trung tâm câu chuyện là Tú, chiến sĩ công an trẻ nhiều lần xin chuyển công tác để được làm lính cứu hỏa – tiếp nối con đường mà cha anh đã hy sinh khi làm nhiệm vụ.
Sự đối đầu giữa lý trí của người mẹ và khát vọng lý tưởng của người con tạo nên lớp kịch mang đậm tính đời – đời thường và đời lính.

Sự xuất hiện quá nhiều của dàn diễn viên minh họa khiến cách xử lý của đạo diễn bị vụn, gây nhàm chán
Qua đó, vở kịch không chỉ tôn vinh người lính cứu hoả, mà còn gợi mở suy nghĩ về hệ thống phòng cháy chữa cháy, về sự an toàn đô thị và lương tâm của những người trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến các thảm họa từng xảy ra trong thực tế.

Tình yêu của chiến sĩ PCCC rất bình dị mà sâu lắng
Tuy nhiên, bên cạnh nội dung giàu tính xã hội và cảm xúc, vở diễn vẫn để lại một tiếc nuối lớn trong cách dàn dựng: việc lạm dụng dàn diễn viên minh họa cho hình tượng "ngọn lửa" trên sân khấu.
Không khó để hiểu dụng ý nghệ thuật của đạo diễn khi muốn cụ thể hóa ngọn lửa như một biểu tượng sống động – vừa là hiểm hoạ, vừa là biểu tượng của lòng quả cảm và lý tưởng sống.
Thế nhưng, chính việc sử dụng quá nhiều diễn viên phụ liên tục minh họa cho "lửa" trong gần như toàn bộ các lớp kịch đã khiến cho bố cục sân khấu trở nên rối, vụn, và kéo dài nhịp diễn một cách không cần thiết. Vở lại xuất hiện quá nhiều đoạn hồi tưởng khiến mạch kịch bị trì, thiếu hành động.

Hình tượng người mẹ của chiến sĩ công an nhân dân được xây dựngj rất nhân văn
Ở một số phân đoạn cao trào, thay vì được đẩy cảm xúc lên đến đỉnh điểm, người xem lại bị "đánh lạc hướng" bởi những chuyển động không ngừng nghỉ, đôi khi đơn điệu, của nhóm diễn viên phụ.
Hơn nữa ông dàn dựng cái kết quá đuối, mang tính cổ động tuyên truyền hơn là kịch bản mang tính chính luận mà tác giả Nguyễn Thanh Bình mong muốn được chia sẻ.

Vở "Hoa lủa" được các nghệ sĩ đồng nghiệp, khán giả chúc mừng sau buổi diễn tại Nhà hát Quân đội
Dẫu vậy, không thể phủ nhận rằng "Hoa Lửa" vẫn là một tác phẩm sân khấu có chiều sâu, khơi gợi cảm xúc và làm bật lên hình ảnh chiến sĩ Công an Nhân dân trong thời bình – âm thầm mà dũng cảm, khốc liệt mà nhân văn.
Dẫu có những điểm trừ về mặt hình thức dàn dựng thì tinh thần cống hiến, lý tưởng sống và ngọn lửa kiêu hãnh trong từng nhân vật vẫn là điều còn mãi trong lòng người xem.