Khánh thành nhà máy sản xuất dầu ăn lớn nhất VN
Ngày 9-6, tại KCN Hiệp Phước, Nhà Bè - TPHCM, trong tiếng trống rộn ràng, Công ty Dầu thực vật Cái Lân (CALOFIC) đã long trọng tổ chức lễ khánh thành chính thức đi vào hoạt động nhà máy chế biến dầu có quy mô lớn trên diện tích 8,5 ha. Buổi lễ có sự tham dự của các quan chức Bộ Công nghiệp, lãnh đạo UBND TPHCM, cùng các ban ngành đoàn thể.
Nhà máy dầu ăn lớn nhất VNĐây là một trong những nhà máy sản xuất dầu ăn lớn nhất Việt Nam và nhà máy thứ 3 của CALOFIC được xây dựng với trang thiết bị, máy móc hiện đại của Đức, Nhật, Đan Mạch, Mỹ..., sử dụng công nghệ tiên tiến cùng hệ thống dây chuyền tự động có công suất 600 tấn/ngày. Nhà máy này nằm trong chiến lược mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao công suất, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của thị trường, đặc biệt là ở phía Nam và phục vụ cho việc xuất khẩu. CALOFIC đã đầu tư 34 triệu USD để xây dựng nhà máy này. Toàn bộ nhà máy đều được vận hành theo quy trình công nghệ tinh chế dầu ăn tiên tiến như hệ thống tinh luyện vật lý, hệ thống tách khô với những dây chuyền tự động sản xuất ra các loại dầu ăn gia đình mang thương hiệu Neptune, Simply, Meizan, Cái Lân... và một dây chuyền sản xuất dầu công nghiệp dùng trong sản xuất thực phẩm như chế biến bánh kẹo, mì ăn liền, sữa... Tất cả dây chuyền sản xuất này đều vận hành tự động từ khâu nguyên liệu thô cho đến khâu đóng gói sản phẩm. Theo quy trình này, mọi sản phẩm đều được kiểm tra nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và hệ thống quản lý chất lượng ISO. Với phương châm tạo uy tín bằng chính sách chất lượng, trong đó yếu tố chất lượng sản phẩm và phương thức phục vụ được đặt lên hàng đầu, CALOFIC luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nam cũng như quốc tế, không sử dụng lại các can nhựa tái chế để đựng dầu nhằm bảo đảm các sản phẩm luôn đạt chất lượng tốt nhất khi đến tay người tiêu dùng, hướng tới việc chăm lo sức khỏe toàn diện cho khách hàng. Việc đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất dầu tại Hiệp Phước đã nâng tổng sản lượng dầu của CALOFIC lên 1.150 tấn/ngày. Các sản phẩm của CALOFIC được tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu dưới các nhãn hiệu khác nhau như: Neptune, Simply, Meizan, Satellite, Cái Lân... Ngoài ra, CALOFIC còn sản xuất các loại dầu ăn hỗn hợp, shortening, bơ thực vật... đựng trong chai nhựa, thùng carton với nhiều kích thước khác nhau dùng trong công nghiệp thực phẩm và làm bánh.
Đa dạng hóa sản phẩm
Bên cạnh đó, với mục đích tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương, đầu năm 2004 nhà máy trích ly dầu cám tại Cần Thơ đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 7,6 triệu USD. Nhà máy này có công suất trích ly 100.000 tấn cám gạo/năm để có thể trích ly được 15.000 tấn dầu gạo chất lượng cao. Dầu gạo này chủ yếu được xuất khẩu đi các nước. Hơn thế nữa, sau quá trình trích ly dầu, nhà máy còn có thể cung cấp cám gạo đã được trích ly dầu cho các trại nuôi cá, các đơn vị sản xuất thức ăn gia súc và thủy sản ở khắp tỉnh, thành cả nước, trong đó thị trường chính là miền Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là một trong những đơn vị đầu tiên của cả nước đưa dây chuyền trích ly dầu gạo giàu đạm đi vào hoạt động và công ty hiện cũng đang tiến hành nâng cấp công suất nhà máy này để cung cấp sản phẩm chất lượng tốt và giá cả ổn định nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện nay CALOFIC là đơn vị đi đầu trong việc sử dụng nguồn nguyên liệu thô trong nước để sản xuất và chế biến dầu thực vật tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Châu Huệ Cẩm, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, đánh giá rất cao sự kiện này: “Lễ khánh thành hôm nay có ý nghĩa quan trọng đánh dấu bước phát triển của CALOFIC trong 10 năm xây dựng và trưởng thành. Là doanh nghiệp liên doanh giữa Công ty Vocarimex (VN) và Siteki (Singapore) với vốn đầu tư ban đầu hơn 20 triệu USD, đến nay đã tăng trên 80 triệu USD. Công ty đã tạo việc làm cho hơn 900 lao động tại chỗ. So với toàn ngành dầu thực vật thì giá trị sản xuất công nghiệp của CALOFIC chiếm tỉ trọng 33%, sản lượng sản xuất bình quân đạt 135.000 tấn sản phẩm/năm, chiếm khoảng 35% thị phần toàn ngành”.