Sản phẩm nhôm Kim Hằng bị giả mạo
Những ngày gần đây tại nhiều địa phương trên cả nước đã xuất hiện một số người mạo nhận danh nghĩa thương hiệu nhôm inox Kim Hằng để bán dạo các sản phẩm nhôm kém chất lượng với giá đắt hơn nhiều lần so với thực tế dưới hình thức thanh toán cho trả góp. Hành vi trên đã ảnh hưởng nặng nề đến uy tín Công ty Cổ phần Nhôm inox Kim Hằng
Lập lờ đánh lận con đenTheo thông tin từ bạn đọc, chiều 3-11, chúng tôi có mặt tại hẻm 690 đường Nguyễn Duy, P.12, Q.8 - TPHCM - một khu vực lao động nghèo với những con hẻm ngoằn ngoèo, khó đi. Tiếp xúc với chúng tôi, chị Ngô Thị Hồng Ph., 30 tuổi, buôn bán nhỏ trong hẻm, kể lại: Mấy ngày nay, có một nhóm thanh niên nam nữ khoảng 10 người đi xe Wave, đằng sau xe chở các loại nồi, thau, mâm nhôm inox vô xóm đến từng nhà chào mời mua sản phẩm. Nhóm người này giới thiệu đây là sản phẩm nhôm Kim Hằng, bán với giá 1.290.000 đồng/bộ gồm 10 chiếc thau đủ kích cỡ từ nhỏ đến lớn. Khi mua trọn bộ, khách còn được tặng thêm 1 mâm và 1 dĩa hột xoài. Có lẽ điều hấp dẫn không phải ở chỗ sản phẩm nhìn bắt mắt với lớp xi bóng lộn mà là phương thức thanh toán được thực hiện dưới hình thức trả góp: Khách chỉ cần trả trước 90.000 đồng; số tiền 1.200.000 đồng còn lại sẽ được trả góp trong vòng 8 tháng, mỗi tháng khách góp 150.000 đồng. Chị Ph. cho biết: Từ lâu tôi rất mê đồ nhôm Kim Hằng nhưng chưa có điều kiện mua một lần. Nay thấy bán trả góp, tính ra mỗi ngày chỉ góp 5.000 đồng là có bộ sản phẩm mình hằng mong ước. Nghĩ thế nên tôi mạnh dạn mua. Lúc tôi mua có mấy người trong xóm hỏi nghe nói sản phẩm Kim Hằng có logo con hạc mà ở đây không thấy, chỉ có dòng chữ “Design Germany”. Nhân viên bán hàng nại ngay: Đây là sản phẩm làm cho nước ngoài, nay đem bán tại thị trường VN nên không có chữ Việt! Anh chàng này còn nói thêm: Thau nhôm là hàng xịn nhẹ, còn dĩa và mâm là hàng tặng nên công ty không bảo đảm chất lượng!
Quả như lời “khuyến cáo” của người bán, khi chị Ph. đem bộ sản phẩm khoe với chúng tôi, thì chiếc dĩa đã bị cháy sém đen trên bề mặt. Chị Ph. cho biết trưa nay mới đem xài thử, đặt trên bếp đun thì đã bị cháy đen như vậy. Biết mình bị lừa, chị Ph. ngậm ngùi rơi nước mắt.
Cách nhà chị Ph. một đoạn ngắn, bà Nguyễn Thị Ngọc A., 46 tuổi, bán xôi trong khu vực, cũng là nạn nhân của nhóm bán dạo này. Bà A. tâm sự: Nhà tôi toàn xài đồ Kim Hằng, nhưng chưa bao giờ được mua trả góp. Nay thấy mấy chú bán hàng chào mua trả góp nên tôi mua liền một bộ. Hiện tôi chưa dám xài, còn cất kỹ trong bao ni lông, định bụng khi nào sang nhà mới sẽ đem xài. Nay biết không phải đồ Kim Hằng thật, chắc tôi không dám xài.
![]() |
Chị Ph. với chiếc dĩa bị cháy đen |
Trao đổi với chúng tôi, những người dân trong khu vực cho biết những ngày gần đây có một nhóm thanh niên nam nữ đi xe Wave vào xóm bán dạo đồ nhôm inox Kim Hằng. Còn xe tải chở hàng đậu ở ngoài đường lớn Nguyễn Duy. Khi nào nhân viên chào hàng xong, có khách đồng ý mua thì sẽ chạy ra xe lấy hàng vào. Có hôm nhóm người này còn bày hàng ra trong hẻm để bán. Một số người trong hẻm hoài nghi vì từ trước đến nay Kim Hằng không bao giờ đưa sản phẩm đi bán dạo như thế. Thế nhưng nhóm thanh niên này khẳng định đây là hàng của Công ty Nhôm inox Kim Hằng và lập lờ qua bảng hợp đồng mua bán trả góp có đóng dấu “Cửa hàng gia dụng và trang trí nội thất Kim Hằng; địa chỉ ở 54C1 đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP Cần Thơ; do bà Hồ Kim Hằng, cửa hàng trưởng làm đại diện”, còn hợp đồng thì không có số.
Vừa đắt, vừa không an toàn
Khi chúng tôi gởi bộ sản phẩm này đến một chuyên gia nhờ phân tích, vị này khẳng định: Sản phẩm này không đạt chất lượng, làm bằng thủ công, không phù hợp khi sử dụng cho thực phẩm. Nguyên tắc an toàn thực phẩm là không đưa ôxít kim loại vào thực phẩm. Khi dĩa bị cháy đen sẽ làm cháy sản phẩm trên bề mặt. Nếu sử dụng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia trong ngành nhôm - inox phân tích: Sản phẩm mới xài đã bị cháy đen khi đun trên bếp là do kém chất lượng, có chứa nhiều sắt (inox hít), hàm lượng crôm và niken thấp sẽ mau gỉ sét, không phù hợp dùng cho thực phẩm. Trên thị trường các loại nhôm - inox sử dụng để chế biến sản phẩm sử dụng cho thực phẩm phải là loại inox 304-316 là loại thép không gỉ, có hàm lượng crôm 18%, niken từ 8%-10%; giá nguyên liệu từ 80.000-85.000 đồng/kg. Các nhà sản xuất muốn giá rẻ thì sử dụng loại inox kém chất lượng hơn là loại inox 430, có hàm lượng niken từ 0%-0,5%. Loại inox này không phù hợp để sử dụng cho thực phẩm, rất dễ gỉ sét, nhất là khi đun nấu, chỉ một lần là cháy đen. Giá nguyên liệu loại này chỉ bằng 1/3 loại trên. Đối với người tiêu dùng, cách phân biệt đơn giản nhất là dùng viên bi nam châm thử, loại nào hít mạnh là pha nhiều sắt, chất lượng kém, rất mau bị gỉ. Định giá bộ sản phẩm nói trên, ông phân tích: Với trọng lượng nguyên liệu sử dụng cho toàn bộ sản phẩm này, kể cả hàng khuyến mãi là thau và dĩa thì giá nguyên liệu chỉ trên dưới 300.000 đồng. Thế nhưng người bán lại bán với giá 1.290.000 đồng/bộ là quá đắt.
Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) Hoàng Thủy Tiến cũng khuyến cáo: “Điều nguy hiểm nếu dùng đồ nhôm từ nhôm phế liệu, không xử lý hết tạp chất, không tạo được bề mặt trơ với môi trường thì khi đun nấu, chứa đựng thực phẩm dễ tạo ra các ion nhôm vào thực phẩm gây hại cho sức khỏe”. Đặc biệt, khi nấu ở nhiệt độ cao với thức ăn có nước mắm, muối, canh chua, canh riêu... phản ứng hóa học xảy ra nhanh hơn, tạp chất độc sẽ thôi nhiễm nhanh hơn và lẫn vào thức ăn. Theo các nghiên cứu khoa học, đồ dùng bằng nhôm nếu không được xử lý Anod hóa trơ bề mặt và đồ dùng bằng inox không đúng loại dùng trong thực phẩm thì khi chứa đựng thức ăn nóng, chua, mặn hoặc để qua đêm, bề mặt nhôm dễ bị rỗ, giải phóng các ion nhôm và ion kim loại khác trong inox vào cơ thể, tích lũy ở tế bào não, gây ra hội chứng lú lẫn sớm. Biểu hiện là trí nhớ giảm sút, phản ứng trì trệ, trí năng giảm, cử động chậm chạp, cười khóc bất thường. Với các mặt hàng nhôm và inox tràn lan không rõ nguồn gốc như hiện nay, việc kiểm tra chất lượng cũng như ảnh hưởng với thực phẩm khá khó khăn, nên người tiêu dùng cũng phải tự biết bảo vệ sức khỏe. Tốt nhất, các gia đình nên hạn chế dùng đồ nhôm và đồ inox gia công không rõ nguồn gốc, xuất xứ; nhất là những sản phẩm do các nhà sản xuất bán ra thị trường rồi chạy trốn trách nhiệm bằng cách không đăng ký, mua chui bán chạy không dám in ấn nhãn hàng, bao bì để gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Gần đây, thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, người Việt Nam đã tự hào với các thương hiệu Việt Nam và tích cực xài hàng nội địa với phương châm “ta về ta tắm ao ta”. Những thương hiệu Việt Nam ngày càng đi xa hơn trên trường quốc tế, đã thật sự là niềm tự hào của người Việt Nam như cao su Kymdan, sữa Vinamilk, nhôm inox Kim Hằng, gốm sứ Minh Long... Là nhà sản xuất chân chính, các doanh nghiệp đều tự hào in nhãn mác tên nhà sản xuất, địa chỉ sản xuất để sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng... Việc lập lờ đánh lận con đen lừa gạt người tiêu dùng nhằm trục lợi bất chính rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật. Vì thế người tiêu dùng cần cảnh giác để tránh tiền mất tật mang.