Sáng tạo để tồn tại

Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp giải thể hàng loạt. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp đã biết cách tồn tại và không ngừng đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, kể cả thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh vượt qua khủng hoảng và tiếp tục phát triển. Nét chung của doanh nghiệp là kiên trì đầu tư cho đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp đã vượt qua thử thách và đã thành công. Sản phẩm của họ không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm nước ngoài. Trong đó, điển hình là gốm sứ Minh Long, cà phê Trung Nguyên, bóng đèn phích nước Rạng Đông, thiết bị vệ sinh môi trường và phòng cháy chữa cháy An Sinh Xanh.

Với Công ty Gốm sứ Minh Long I, dù sản phẩm của họ đã vượt trội, không có đối thủ cạnh tranh nhưng nhà máy, thiết bị thường xuyên được đầu tư, cải tiến. Ông Lý Huy Sáng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Minh Long I, cho biết trước đây, mỗi ngày công ty chỉ sản xuất được vài ngàn sản phẩm nhưng hiện tại đã sản xuất 150.000 sản phẩm/ngày mới đáp ứng nhu cầu thị trường. Do đó công ty không ngừng đầu tư, cải tiến thiết bị sao cho tốt nhất. Nếu dừng lại, tự thỏa mãn sẽ bị bỏ rơi và mất sức cạnh tranh. Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thép Việt - Pomina, cho biết 3 nhà máy sản xuất thép của công ty hiện chiếm 30% công suất luyện của cả nước. Công ty mạnh dạn đầu tư lớn trong thời điểm khó khăn do phải cạnh tranh bằng công nghệ hiện đại để tạo ra sản phẩm chất lượng với giá thành tốt nhất. Tập đoàn Viettel lớn mạnh như ngày nay là từ đầu đã xác định phải làm chủ công nghệ. Chỉ sau một thời gian ngắn, họ đã thành công, cạnh tranh với ưu thế vượt trội. Viettel hiện là 1 trong 5 tập đoàn viễn thông lớn trên thế giới tự làm chủ được công nghệ.

Những sản phẩm “ăn liền” cũng cần sáng tạo để tồn tại và vươn lên. Chẳng hạn, các sản phẩm ăn liền từ gạo của Colusa - Miliket để chế biến mặt hàng phở, hủ tiếu ăn liền đã giúp đơn vị này tăng trưởng doanh thu đáng kể. Vifon dùng gạo để chế biến bánh đa cua không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu số lượng lớn. Nhiều sản phẩm được chế biến từ bột gạo, nếp đã giúp nhiều doanh nghiệp tồn tại và phát triển.

Để giúp các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật cần sự hỗ trợ từ Nhà nước, với những chính sách khuyến khích họ sáng tạo, tạo ra sản phẩm vượt trội. Trở ngại của doanh nghiệp trong nước là thiếu công bằng do chính sách thiếu tầm chiến  lược. Doanh nghiệp tư nhân còn nhiều thiệt thòi, chưa được đối xử công bằng với các đối tượng khác.