Võ Quang Nhu - Người thổi tình yêu vào bánh mì
Ai đó đã nói rằng “Làm bánh mì là cả một nghệ thuật và người làm bánh chính là một nghệ sĩ”. Điều này quả thật không sai. Một chiếc bánh mì chín vàng, thơm phức nhìn đơn giản biết bao nhiêu, nhưng đằng sau nó lại là cả một quá trình thực hiện đầy khắt khe và nghiêm ngặt, là công sức những người thợ đầy mẫn cán và nhiệt thành.
Vũ khúc đam mê
Chúng tôi đến gặp nghệ nhân Võ Quang Nhu, hiện đang phụ trách nhóm thợ làm bánh của SATRA Bakery tại siêu thị Sài Gòn thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (SATRA) một sáng cuối thu tháng mười một. Vóc người nhỏ với nước da nâu giòn, đôi mắt sáng và nụ cười hồn hậu, nhìn anh, mấy ai biết được đây chính là người thợ bánh lẫy lừng danh tiếng, từng góp phần không nhỏ trong chiến công vinh danh Việt Nam vào Guinness thế giới với chiếc bánh mì baguette dài 111 mét năm 2009 và mới đây nhất, lại một lần tự hào được đăng quang trong kỷ lục Guinness Việt Nam với chiếc bánh kem khổng lồ trong đêm hội giới thiệu sản phẩm sữa tắm NuWhite ngày 16-11 tại siêu thị Sài Gòn.

Chia sẻ với chúng tôi về con đường đến với nghề, thật đơn giản, với nghệ nhân Võ Quang Nhu, ấy có lẽ chỉ là một chữ “duyên”. Sinh ra và lớn lên tại Long An, học hết lớp 8, anh lên Sài Gòn cùng gia đình. Một Sài Gòn xa hoa tráng lệ trong mắt cậu bé 14 tuổi ngày ấy với biết bao điều mới lạ, vậy mà ấn tượng nhất với anh, lại chính là hình ảnh ổ bánh mì trong một cửa tiệm nhỏ. Một ổ bánh mì baguette Pháp. Và từ đó, cái ý nghĩ “mình muốn trở thành thợ làm bánh mì, muốn được thổi hồn Việt vào trong những chiếc bánh phương Tây” đã nhen nhóm trong anh. Một ngọn nến nhỏ bập bùng của sở thích, có lẽ chính anh cũng không đoán được theo thời gian đã bùng lên, hừng hực lửa khát khao và cháy bỏng những đam mê và tình yêu đối với con đường anh chọn - trở thành người thợ làm bánh mì. Không quá khó khăn và vất vả như những câu chuyện cổ tích chúng ta vẫn nghe, may mắn cho anh khi nhận được sự động viên, ủng hộ của gia đình ngay từ những bước đầu tiên, nhưng - có con đường nào trải đầy hoa hồng bao giờ?
Vốn gia đình không mấy khả giả, anh phải chắt chiu từng đồng để hoàn thành cho xong khoá học làm bánh. Ra trường, anh xin vào làm nhân viên trộn bột cho một tiệm bánh nhỏ trên đường Trần Hưng Đạo khoảng 2 năm. Sau đó, anh tiếp tục trải nghiệm công việc tại các công ty tư nhân, tìm tòi và học hỏi thêm cách se bánh cũng như một số các kỹ thuật khác. Cuộc sống ngày ấy còn nhiều khó khăn, thêm vào đó, nghề làm bánh cũng không phải một công việc phổ biến và thịnh hành như hiện nay, nhưng, Võ Quang Nhu không bỏ cuộc! Ngược lại, anh luôn ghi nhớ và biết ơn khoảng thời gian ấy, coi đó là động lực đã rèn giũa, khích lệ anh trên con đường theo đuổi và nuôi dưỡng ước mơ của mình. Ngay cả đến bây giờ, khi đã trở thành một nghệ nhân, nắm vững hơn 200 công thức các loại bánh khác nhau, nhưng Võ Quang Nhu vẫn luôn miệt mài tìm tòi, trau dồi kiến thức chuyên môn, cố gắng học thêm ngoại ngữ, tạo cho mình khả năng tiếp cận hơn nữa với thế giới màu sắc của những chiếc bánh mì, đồng thời luôn nỗ lực đổi mới mẫu mã cũng như tìm kiếm cách thức thay đổi các nguyên liệu để phù hợp với khẩu vị người Việt Nam.
Từ kỷ lục bánh mì đến bánh kem khổng lồ
Cơ hội đến với Võ Quang Nhu vào năm 2009 khi anh còn làm việc cho siêu thị Big C. Trong thời gian này, Big C dự định đăng ký vào kỷ lục thế giới khi quyết tâm thực hiện ổ bánh mì dài nhất thế giới: 111 mét. Lên kế hoạch xong xuôi đâu đó, nhưng đến khi bắt tay thực hiện mới phát sinh biết bao trục trặc, sự cố. Thậm chí cả 3 chuyên gia từ Pháp sang cũng đành chào thua. Chia sẻ và trăn trở nỗi lo chung của các bạn đồng nghiệp, người thợ làm bánh Võ Quang Nhu ngày đêm thức trắng, lao vào tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục. Chính vì nỗ lực khát khao được cống hiến và một trái tim yêu nghề, cuối cùng chính anh là người đã sáng kiến ra cách cắt và ghép vỉ để bánh không bị “động”, đồng thời tìm ra được loại gạch xây lò cũng như nhiệt độ nướng thích hợp… cho ra lò thành công chiếc bánh mì dài nhất thế giới, không chỉ đạt chuẩn hình thức mà còn mang đầy đủ các tiêu chí về chất lượng. Từ đây, cái tên Võ Quang Nhu không chỉ được giới làm bánh rỉ tai nhau như một “công thần” tài ba mà hơn hết là giành được sự tin yêu, mến mộ của khách hàng, đặc biệt với những thực khách hâm mộ bánh mì.
Năm 2012, anh về đầu quân tại siêu thị Sài Gòn, phụ trách bộ phận SATRA Bakery. Trước sự kiện chiếc bánh kem khổng lồ đi vào kỷ lục Guinness, ngày 27-9 vừa qua, nhân dịp mừng sinh nhật siêu thị Sài Gòn tròn 12 tuổi, Võ Quang Nhu cùng đội ngũ thợ bánh của SATRA Bakery cũng đã thực hiện thành công chiếc bánh kem 2 tầng nặng 250 kg. Chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện những chiếc bánh để đời này, nghệ nhân Võ Quang Nhu cho biết: Với những chiếc bánh kem khổng lồ, sườn bánh luôn là “ác mộng” của người thợ. Vì trọng lượng quá khổ, nên việc giữ cho bánh không gãy là điều cực kỳ nan giải. Đặc biệt, chiếc bánh kem lập kỷ lục Guinness Việt Nam vừa qua thật sự là một bài toán khiến anh và đồng nghiệp đau đầu. Mặc dù không phải “vắt óc” nghĩ cho ra một thiết kế hoàn hảo vì vốn đã được định hình một chai sữa tắm, nhưng để gia cố sườn một chiếc bánh cao 1,65 mét, nặng 370 kg với thành phần từ 2800 quả trứng, 80 kg bột, 72 kg đường, 12 lít sữa tươi, 16 lít dầu, 12 kg bột nổi và 6 kg chất ổn định… thì tưởng chừng đây là điều rất khó thực hiện. Vậy mà không, cùng với anh chị em CBCNV tại SATRA, sau hơn một tháng tìm hiểu, nghiên cứu, tính toán và thử nghiệm, cuối cùng đội ngũ SATRA Bakery đã thành công rực rỡ, ra mắt chiếc bánh kem khổng lồ, không chỉ hấp dẫn về hình thức mà chất lượng cũng rất ổn định.
Niềm vui chưa dừng ở đó, với thành quả này, đội ngũ thợ làm bánh của SATRA Bakery còn đóng góp một phần sức lực đáng kể khi chung tay làm tăng sản lượng bánh bán ra lên tới 50% so với trước đây, quảng bá hình ảnh và xây dựng thương hiệu SATRA Bakery ngày càng vững mạnh và phát triển.
Bến đỗ cho người nghệ nhân
Trong suốt khoảng thời gian nói chuyện, nghệ nhân Võ Quang Nhu say sưa kể về công việc, về cái thú say mê khi bàn tay được chạm vào bột, được cảm nhận và hít mùi bột quen thuộc, gần gũi, được nhìn những chiếc bánh mì ra lò, vàng ruộm thơm phức. Anh không nói về mình, mà dành nhiều thời gian nhắc đến anh chị em đồng nghiệp,ư ban lãnh đạo SATRA cũng như Ban giám đốc siêu thị Sài Gòn đã chung vai sát cánh, động viên, khuyến khích và tin tưởng anh trong giây phút mang tính quyết định nhất, giúp anh có thêm nghị lực và lòng tin vào kế hoạch mình vạch ra và đưa vào thực hiện.
Tôi tin. Tôi tin vào những người thợ với lòng say nghề và yêu nghề đích thực như nghệ nhân Võ Quang Nhu. Tôi cũng tin với những thương hiệu bánh uy tín như SATRA Bakery nói riêng và các thương hiệu bánh nói chung của Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục sáng tạo, cho ra đời những chiếc bánh mì không chỉ thơm ngon, tạo được tin yêu trong lòng khách hàng trong nước mà còn sớm có ngày vươn tầm ra thế giới.