Vì sao tiêm 2 mũi vắc-xin nhưng vẫn tái nhiễm?

(NLĐO) - Thông tin người đã tiêm 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 nhưng vẫn tái nhiễm 2-3 lần, PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng - Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường ĐH Y dược TP HCM - đã lý giải như sau.

- Phóng viên: Hiện tại xảy ra tình trạng một số trường hợp mắc Covid-19 dù đã được tiêm 2 mũi vắc-xin nhưng vẫn tái nhiễm 2 đến 3 lần, xin ông cho biết nguyên nhân do đâu?

PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường ĐH Y dược TP HCM: Có thể là do dương tính giả. Thực tế cho thấy tỉ lệ tái nhiễm lần 2 hay lần 3, dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ở các nước không nhiều như Việt Nam. Điều này có thể do xét nghiệm của mình chưa thật chuẩn, nên kết quả không chính xác. Về lý thuyết, hiện tượng tái nhiễm cực hiếm, dù có nhưng nếu tiêm chủng rồi lại nhiễm bệnh thì tỷ lệ tái nhiễm rất thấp.

Ở nước ngoài, nếu đã tiêm vắc-xin rồi mắc bệnh được gọi là siêu miễn dịch. Còn nếu biết chính xác người đó có tái nhiễm không thì làm xét nghiệm PCR tại các cơ sở có năng lực xét nghiệm đảm bảo. Thực ra, xét nghiệm PCR cũng có xác suất sai nhưng tỉ lệ sai sót thấp. Còn test nhanh dễ sai hơn, bởi hiện ngoài thị trường có hàng trôi nổi, chất lượng bảo quản không tốt nên cho kết quả sai.

- Nguyên nhân khiến xét nghiệm PCR sai do đâu, thưa ông?

PCR sai có nhiều nguyên nhân, thứ nhất nếu kit test có làm tốt nhưng không đảm bảo chất lượng thì cũng không cho kết quả đúng. Ví dụ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói nơi nào không đảm bảo chất lượng sẽ không cho sản xuất. Nguyên tắc thì dễ nhưng vẫn bị tạp nhiễm hay mẫu RNA từ nguồn gốc khác có mầm bệnh thì sẽ bị nhiễm ngay. Vì chỉ cần hạt bụi nhỏ mang theo mẫu thử cũng sẽ cho kết quả nhiễm bệnh.

Thứ hai là người làm phải đúng chuyên môn, phòng xét nghiệm phải sạch, nếu bẩn là sẽ gây dương tính giả. Thứ ba là máy móc phải đạt tiêu chuẩn. PCR về lý thuyết thì dễ làm nhưng chỉ cần 1 mẫu nhỏ bị nhiễm bệnh đã có thể khuếch đại lên hàng triệu lần, kết quả là cho ra dương tính giả. Khi xét nghiệm PCR thì cần chọn nơi đảm bảo chất lượng, được ngành y tế cấp phép, còn chất lượng như thế nào thì cơ quan nhà nước cần kiểm soát.

PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng - Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường ĐH Y dược TP HCM