Hồi sinh những "vùng đất chết"
Từ những vùng đất hoang, nông dân huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định đã phủ xanh bằng cây ăn trái, tạo ra thu nhập tiền tỉ cho người trồng
Từ lâu, huyện Phù Cát được mệnh danh là "xứ cát" của tỉnh Bình Định như một phần tên gọi của nó. Trước đây, nhiều vùng đất ở nơi này được người dân địa phương ví như "sa mạc chết", bởi gần như trồng loại cây gì cũng thất bại, kể cả những cây chịu hạn tốt như dừa.
Thử nghiệm táo bạo
Theo người dân địa phương, cách đây vài chục năm, thôn Tân Hóa Nam là nông trường dừa. Tuy nhiên, cây dừa vẫn không sống nổi, cứ thế lụi tàn dần. Làm ăn không hiệu quả, nông trường phải giải thể, đất được giao lại cho chính quyền địa phương quản lý.
Sau này, UBND xã Cát Hanh quy hoạch lại, mở đường giao thông và cho người dân thuê đất canh tác với giá rẻ. Lúc đầu, một số hộ dân địa phương thuê trồng các loại cây chịu hạn tốt như khoai mì, dừa, điều… nhưng rồi cũng thất bại. Từ đó, vùng đất này gần như bỏ hoang, không một ai ngó ngàng tới.
Những năm 1990, một số người dân ở thôn Vinh Kiên, xã Cát Hanh tìm đến đây thuê đất để trồng xoài Hòa Lộc, cây giống được chính quyền huyện Phù Cát mua từ miền Nam mang về. Không ngờ, cây xoài Hòa Lộc lại chịu đất cát, phát triển ổn định nên chẳng bao lâu, vùng đất bỏ hoang của thôn Tân Hóa Nam đã được phủ xanh bởi những vườn xoài cát bạt ngàn.
Ông Nguyễn Văn Dũng (67 tuổi; ngụ thôn Vinh Kiên, xã Cát Hanh) là một trong những người đầu tiên biến vùng đất cát bạc màu thành vườn xoài cát xanh tốt, trĩu quả với diện tích 2 ha nhớ lại: "Lúc mới đến thôn Tân Hóa Nam thuê đất trồng xoài, nhiều người bảo tôi liều mạng, mang tiền chôn xuống cát. Nhưng không ngờ cây xoài lại chịu đất cát ở nơi này nên phát triển tốt và cho thu nhập ổn định. Sau đó, nhiều người làm theo, tìm đến đây thuê đất trồng xoài".
Cũng như xã Cát Hanh, sau một thời gian dài bỏ hoang, nhiều vùng đất cát khác ở huyện Phù Cát cũng được phủ xanh bởi cây dừa xiêm. Hiện ở Phù Cát, hầu như nhà nào cũng trồng loại cây này. Nhà ít thì vài chục cây, còn nhà trồng nhiều lên đến hàng trăm cây.
Thực tế cho thấy dừa xiêm trên đất cát ở huyện Phù Cát cho nước có độ ngọt cao, thơm, được nhiều thị trường ưa chuộng. Sở dĩ nông dân Phù Cát chọn cây dừa xiêm vì dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, không kén đất. Thậm chí, ngay cả những vùng đất cát ven biển đầy nắng gió, cây dừa xiêm vẫn phát triển tốt.

Ông Nguyễn Văn Dũng trong vườn xoài trĩu quả của mình
Đổi đời ngoạn mục
Sau khi trồng 800 gốc xoài cát trên diện tích 4 ha ở thôn Tân Hóa Nam (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát) từ hơn 20 năm trước, gia đình ông Nguyễn Ngọc (70 tuổi; ngụ địa phương) đổi đời khi cây bắt đầu cho thu hoạch.
Với 800 gốc xoài cát cao niên, hiện mỗi vụ bình quân gia đình ông Ngọc thu hoạch trên 40 tấn trái. Năm được giá, xoài loại 1 được thương lái đến tận vườn mua với giá 22.000 đồng/kg, xoài loại 2 mua 12.000 đồng/kg, bình quân giá xoài khoảng 15.000 đồng/kg.
Với hơn 40 tấn xoài hái được, mỗi vụ ông Ngọc ước tính thu nhập khoảng 600 triệu đồng. Trừ chi phí từ thuê công tỉa cành, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… khoảng 100 triệu đồng, mỗi vụ ông Ngọc lãi ròng được 500 triệu đồng từ vườn xoài .
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Cát Hanh, cho biết địa phương có khoảng 100 ha xoài được trồng tập trung tại thôn Tân Hóa Nam. Trong đó, hầu hết đang trong thời kỳ kinh doanh và được đăng ký nhãn hiệu "Xoài cát Phù Cát".
"Bình quân 1 ha diện tích đất trồng xoài cho năng suất 8 tấn/vụ. Với giá bán như hiện nay, sau khi trừ chi phí, chủ nhà vườn lãi ròng khoảng 130 triệu đồng/ha/vụ. Hiện nhiều hộ dân ở địa phương đã đổi đời nhờ cây xoài phát triển tươi tốt trên vùng đất cát trước đây từng có thời gian dài bỏ hoang" - ông Thanh phấn khởi.
Trong khi đó, dừa xiêm ở huyện Phù Cát sau 3 năm trồng bắt đầu cho trái. Từ năm thứ 4 trở đi cho trái ổn định, trung bình từ 100 - 120 trái/cây/năm và được thương lái đến mua tại vườn với giá 7.000 đồng/trái vào mùa mưa, 10.000 - 12.000 đồng/trái vào mùa nắng và các dịp lễ, Tết. Sau khi trừ chi phí, người trồng dừa ở Phù Cát lãi ròng khoảng 1 triệu đồng/cây/năm.
Với gần 250 gốc dừa được trồng trên diện tích 1,2 ha, hiện vườn dừa xiêm này trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình ông Trần Văn Ngung (55 tuổi; ngụ xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát).
"Trên diện tích đất này, trước đây gia đình tôi chủ yếu trồng các loại cây mì, điều nhưng không hiệu quả. Từ khi chuyển qua trồng dừa xiêm, tôi nhận thấy cây phù hợp với thổ nhưỡng, sinh trưởng và phát triển tốt hơn" - ông Ngung so sánh và cho hay cây dừa xiêm cho thu hoạch từ năm thứ 4 và thu đều đặn hằng tháng, có nguồn thu nhập ổn định từ 150 - 200 triệu đồng/năm.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, địa phương đã xác định xoài cát và dừa xiêm là 2 loại cây ăn quả chủ lực để quy hoạch, đầu tư phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong đó, diện tích trồng xoài gần 250 ha, tập trung nhiều nhất ở xã Cát Hanh. Còn diện tích trồng dừa xiêm khoảng 1.250 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Cát Hiệp, Cát Trinh, Cát Lâm, Cát Sơn, Cát Tân và Cát Khánh. Chính quyền địa phương đang lập quy hoạch và định hướng người dân đầu tư thâm canh 2 loại cây ăn quả này với mục đích phát triển đồng bộ theo quy trình canh tác để bảo đảm các tiêu chuẩn về chất lượng.

Thu nhập từ vườn xoài giúp gia đình ông Nguyễn Ngọc ổn định cuộc sống