Hướng đến mô hình siêu trung tâm thể thao (*): Xây dựng nền tảng kinh tế thể thao

Xây dựng nền tảng kinh tế thể thao là điều kiện tiên quyết để thể thao chuyên nghiệp cất cánh

Không dừng lại ở mô hình hành chính - kỹ thuật, việc hợp nhất ngành thể thao 3 địa phương TP HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu được định vị như bước đầu trong lộ trình kiến tạo một ngành kinh tế thể thao đặc thù.

Phương thức hợp tác công - tư

Thể thao không chỉ hướng tới mục tiêu thành tích cao mà sẽ trở thành ngành kinh tế, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy du lịch, giáo dục và đổi mới sáng tạo. Khi các trung tâm thể thao gắn liền với khu đô thị, du lịch, sản xuất và nghiên cứu, thì mỗi vận động viên sẽ trở thành "công dân công nghệ" - được huấn luyện, quản lý bằng nền tảng dữ liệu, được đo lường hiệu suất bằng AI, được chăm sóc sức khỏe theo mô hình "thể thao khoa học chính xác".

Hướng đến mô hình siêu trung tâm thể thao (*): Xây dựng nền tảng kinh tế thể thao- Ảnh 1.

TP HCM là địa phương đi đầu trong tổ chức các sự kiện thể thao cộng đồng mang tính kích cầu kinh tế. Trong ảnh: Trình diễn flyboard trên sông Sài Gòn tại Lễ hội Sông nước TP HCM 2024 (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)

Chiến lược mới yêu cầu thể chế quản lý linh hoạt, vận hành theo mô hình số hóa toàn diện, huy động đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP) vào các tổ hợp thể thao, trung tâm nghiên cứu, huấn luyện công nghệ cao. Cơ sở pháp lý như Luật Thể dục Thể thao sửa đổi (2018) và Đề án phát triển Thể dục - Thể thao Việt Nam đến 2030 là nền móng cho bước chuyển này.

Hình thành hệ sinh thái

Thể thao chuyên nghiệp, đặc biệt là bóng đá chuyên nghiệp, không phải là "bước phát triển cao hơn" từ thể thao thành tích cao. Hai hệ thống này có bản chất, mục tiêu và cơ chế vận hành khác nhau. Thể thao thành tích cao vận hành bằng ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội hóa, định hướng theo thành tích quốc gia, quốc tế; trong khi thể thao chuyên nghiệp chỉ có thể tồn tại và phát triển trong một hệ sinh thái kinh tế thể thao thị trường, với cấu trúc doanh nghiệp, cơ chế đầu tư tư nhân, truyền thông - bản quyền - tài trợ - thương mại và chuyển nhượng VĐV là cốt lõi vận hành.

Không thể kỳ vọng bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thành công nếu không có hệ sinh thái bao gồm sân vận động đạt chuẩn thương mại, hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ theo mô hình CLB - học viện, khán giả trả tiền mua vé và bản quyền truyền hình, doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư dài hạn…

TP HCM, vùng đô thị năng động nhất cả nước, đang hội đủ điều kiện để trở thành trung tâm phát triển thể thao chuyên nghiệp và bóng đá chuyên nghiệp. Từ việc quy hoạch tổ hợp thể thao đa năng, phát triển mô hình CLB thể thao có giải đấu riêng, đến việc thu hút nhà đầu tư chiến lược và hình thành hệ sinh thái "khán giả - truyền thông - tài trợ" TP HCM có thể dẫn dắt sự chuyển mình của thể thao chuyên nghiệp Việt Nam trong giai đoạn tới.

Trong bối cảnh dân số trẻ, nhu cầu tiêu dùng thể thao tăng mạnh, khu vực TP HCM mở rộng là "mảnh đất màu mỡ" cho thị trường thể thao. Sự cộng hưởng từ 3 địa phương sẽ giúp mở rộng quy mô thị trường tiêu dùng thể thao; thúc đẩy xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất hiện đại; phát triển các mô hình thể thao - du lịch - nghỉ dưỡng.

Đây cũng là bước đi phù hợp với mục tiêu của Đề án phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến 2030 là xây dựng lực lượng thể thao đỉnh cao, đưa thể thao trở thành ngành công nghiệp, đóng góp vào GDP quốc gia. TP HCM với vai trò đầu tàu sẽ là trung tâm hiện thực hóa chiến lược này. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-5

Sự hợp nhất không chỉ là gộp đơn vị mà là hợp lực mô hình, tích hợp nguồn lực, mở ra một mô hình thể thao thông minh, chuyên nghiệp, hiệu quả. Nếu tận dụng tốt cơ hội, đây sẽ là cuộc "chuyển mình" mang tính lịch sử, tạo nên một siêu trung tâm thể thao toàn diện - nơi thể thao không chỉ là sức mạnh mềm mà còn là biểu tượng của một nền kinh tế sáng tạo, hiện đại, bền vững, qua đó khẳng định vị thế của thể thao Việt Nam trên trường quốc tế.

Hướng đến mô hình siêu trung tâm thể thao (*): Xây dựng nền tảng kinh tế thể thao- Ảnh 2.