Ảo hóa hệ thống quản trị

Công nghệ điện toán đám mây được xem là giải pháp tiết kiệm giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển và cạnh tranh tốt hơn

Dù công nghệ điện toán đám mây (ĐTĐM) đã phát triển mạnh ở nhiều nước nhiều năm trước nhưng doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn còn e ngại với các loại hình dịch vụ này do thói quen sở hữu hệ thống quản trị công nghệ thông tin (CNTT) truyền thống, chưa thực sự quen với mô hình thuê dịch vụ. Tuy nhiên, vài năm gần đây, nhiều DN đang có xu hướng chuyển dần sang dùng dịch vụ ĐTĐM.

Ứng dụng linh hoạt

Theo khảo sát trong năm 2013 của Symantec, có khoảng 46% DN và tổ chức ở Việt Nam triển khai ứng dụng ĐTĐM và các dự án ảo hóa khác, 39% DN sử dụng dịch vụ phần mềm riêng ảo (VPS) và 21% ảo hóa máy chủ và cơ sở dữ liệu.

Theo ông Phạm Gia Lộc, quản lý dịch vụ vCloud Công ty VTN (VNPT), sử dụng dịch vụ hạ tầng ĐTĐM giúp DN rút ngắn thời gian đầu tư hệ thống, bảo đảm tính sẵn sàng cao, nâng cấp hoặc giảm cấu hình hệ thống linh hoạt. Chẳng hạn, một ngân hàng có thể nâng cấp hệ thống để đáp ứng nhu cầu truy cập hệ thống tăng cao của khách hàng vào dịp cuối năm, sau đó họ có thể hạ cấu hình khi nhu cầu giảm. “Giả sử đầu tư mới hệ thống CNTT trong vòng 3 năm cho 100 người dùng cần khoảng 58.000 USD (chi phí máy chủ, vận hành, bảo trì hệ thống, nhân sự CNTT...). Sử dụng dịch vụ thuê máy chủ ảo (160 USD/máy chủ ảo) chỉ khoảng 5.700 USD. DN chỉ trả khoản phí thuê bao hằng tháng cho đơn vị cung cấp” - ông Lộc phân tích.

 

Dịch vụ ĐTĐM tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp
Dịch vụ ĐTĐM tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp

Điển hình là mới đây hệ thống bán vé điện tử của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam do Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) xây dựng dựa trên nền tảng ĐTĐM và mô hình ảo hóa nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư và khai thác hệ thống. Ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết: “Hệ thống bán vé điện tử trên nền ĐTĐM cho phép triển khai việc mua vé tàu qua điện thoại thông minh hoặc máy tính bảngkết nối internet; hành khách có thể cập nhật thông tin về hành trình chạy tàu, thông tin bảng điện tử trên tàu và tại nhà ga, thông tin về quá trình phân phối vé…”

Ông Trần Hữu Dũng, Phó Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung (TP HCM), nhận xét: “Dịch vụ ĐTĐM giúp DN tiết kiệm chi phí đầu tư hạ tầng, các chi phí vận hành, bảo trì bảo dưỡng sau đầu tư, chỉ trả phí theo nhu cầu sử dụng dịch vụ, đơn giản hóa quy trình quản lý, vận hành, giám sát và khai thác tối ưu tài nguyên CNTT (máy chủ, kết nối mạng, cân bằng tải, tường lửa, sao lưu, lưu trữ dữ liệu…), mở rộng tài nguyên CNTT nhanh chóng, linh hoạt theo nhu cầu phát sinh mà không cần phải thực hiện thủ tục đầu tư nâng cấp”.

Dịch vụ đa dạng

Hiện trên thị trường có nhiều loại hình dịch vụ ĐTĐM do các đơn vị trong và ngoài nước cung cấp đáp ứng nhu cầu ứng dụng đa dạng cho DN. Dịch vụ hạ tầng IaaS, cung cấp dịch vụ cơ bản về năng lực tính toán, không gian lưu trữ, kết nối mạng tới khách hàng. Khách hàng có thể sử dụng tài nguyên hạ tầng này để đáp ứng nhu cầu tính toán hoặc cài đặt ứng dụng riêng, làm chủ hệ điều hành, lưu trữ và các ứng dụng do khách hàng phát triển, cài đặt. Dịch vụ nền tảng PaaS cung cấp nền tảng điện toán cho phép khách hàng phát triển các phần mềm, phục vụ nhu cầu tính toán hoặc xây dựng thành dịch vụ trên nền tảng đó. PaaS có thể được cung cấp dưới dạng các hạ tầng trao đổi thông tin ứng dụng, các nền tảng ứng dụng cùng các công cụ lập trình với ngôn ngữ lập trình nhất định để xây dựng ứng dụng. Còn dịch vụ phần mềm SaaS thì cung cấp các ứng dụng hoàn chỉnh như một dịch vụ theo yêu cầu cho nhiều khách hàng với chỉ một phiên bản cài đặt. Khách hàng lựa chọn ứng dụng phù hợp với nhu cầu và sử dụng mà không bỏ công sức quản lý tài nguyên tính toán bên dưới.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều DN còn băn khoăn khi sử dụng dịch vụ hạ tầng ĐTĐM do lo ngại về tính bảo mật, an toàn thông tin. Về vấn đề này, ông Phạm Đức Phong, chuyên gia hệ thống Công ty VMware Việt Nam, cho biết: “Các nhà cung cấp dịch vụ ĐTĐM hiện nay hầu hết áp dụng các công nghệ mới, sử dụng các giải pháp bảo mật hàng đầu của thế giới để bảo đảm an toàn, uy tín và khả năng cạnh tranh của dịch vụ. Khi chọn sử dụng dịch vụ ĐTĐM, DN nên tham khảo các chuyên gia tư vấn, tìm hiểu kỹ năng lực và uy tín của đơn vị cung cấp thông qua danh sách khách hàng và kinh nghiệm triển khai”.

 

Người dùng điện toán đám mây tăng cao

Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Gartner, trong năm 2013, có hơn 60% DN trên thế giới đã triển khai mô hình phát triển liên quan đến ĐTĐM. Dự kiến đến năm 2016, hơn 25% các ứng dụng trên thế giới sẽ được triển khai trên nền ĐTĐM. Theo nghiên cứu thị trường của hãng IHS, chi tiêu kinh doanh toàn cầu cho cơ sở hạ tầng và các dịch vụ ĐTĐM sẽ đạt khoảng 174,2 tỉ USD trong năm nay, tăng 20% so với năm ngoái. Tổng số người dùng toàn cầu cho ĐTĐM từ 630 triệu trong năm 2013 lên 730 triệu năm 2014. Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng kiến nghị cần xây dựng những chính sách khuyến khích, ưu đãi dành cho các đơn vị, DN sử dụng dịch vụ ĐTĐM trong thời gian tới.