Iran ra điều kiện để nối lại đàm phán hạt nhân

Sau khi xung đột chấm dứt, theo AP, Iran đã đình chỉ hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), dẫn đến việc các thanh sát viên rời đi

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi hôm 12-7 tuyên bố nước này sẵn sàng nối lại đàm phán hạt nhân với Mỹ nếu được bảo đảm rằng sẽ không có thêm cuộc tấn công nào nhằm vào Tehran.

Theo ông Araghchi, Iran đang xem xét chi tiết về khả năng nối lại đàm phán hạt nhân với Mỹ, trong đó có thời điểm, địa điểm, hình thức, nội dung và các bảo đảm cần thiết. Ngoài ra, hai bên sẽ chỉ thảo luận về vấn đề hạt nhân và xây dựng niềm tin vào chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Ông Araghchi nhấn mạnh sẽ không đàm phán về các vấn đề khác, trong đó có năng lực quân sự của Iran.

Nhắc đến cuộc xung đột kéo dài 12 ngày với Israel và cuộc không kích của Mỹ hôm 22-6, ông Araghchi cho rằng nếu Mỹ và các nước khác muốn nối lại đàm phán, trước tiên cần bảo đảm chắc chắn những hành động như vậy sẽ không lặp lại. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Iran, động thái tấn công các cơ sở hạt nhân của nước này khiến việc đạt được giải pháp thông qua đàm phán trở nên khó khăn, phức tạp hơn.

Iran ra điều kiện để nối lại đàm phán hạt nhân - Ảnh 1.

Bộ trưởng Ngoại giao Abbas Araghchi (phải) phát biểu tại thủ đô Tehran - Iran ngày 12-7. Ảnh: IRNA

Sau khi xung đột chấm dứt, theo AP, Iran đã đình chỉ hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), dẫn đến việc các thanh sát viên rời đi. Dù vậy, ông Araghchi khẳng định sự hợp tác giữa Iran với IAEA chưa chấm dứt mà sẽ chuyển sang một hình thức mới.

Cụ thể, theo luật pháp Iran, nước này sẽ phản hồi yêu cầu hợp tác của IAEA "từng trường hợp cụ thể" dựa trên lợi ích quốc gia. Mọi hoạt động thanh sát của IAEA đều phải dựa trên những mối lo ngại về "an ninh" của Iran cũng như sự an toàn của các thanh sát viên, vì nguy cơ phát tán chất phóng xạ và phát nổ từ đạn dược còn sót lại tại các cơ sở hạt nhân bị tấn công là "rất nghiêm trọng".

Bộ trưởng Araghchi cũng tái khẳng định lập trường của Iran về việc tiếp tục làm giàu uranium trên lãnh thổ nước mình. Ông cảnh báo nếu Liên hợp quốc tái áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran, điều đó sẽ đồng nghĩa với việc châu Âu không còn vai trò gì trong vấn đề hạt nhân Iran nữa.

Một điều khoản trong thỏa thuận được Iran ký với Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức năm 2015 cho phép tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc nếu Tehran vi phạm thỏa thuận này. Giờ đây, theo ông Araghchi, bất kỳ thỏa thuận hạt nhân mới nào cũng phải bảo đảm quyền của Iran - theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) - được làm giàu uranium nhằm phục vụ các mục đích hòa bình.