Khai mạc triển lãm Văn hoá Phật giáo
(NLĐO) - Sáng 5-5, lễ khai mạc triển lãm Văn hóa Phật giáo đã diễn ra trang trọng tại Học viện Phật giáo Việt Nam (huyện Bình Chánh, TP HCM).
Triển lãm “Văn hóa Phật giáo Việt Nam" là hoạt động nằm trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025. Triển lãm giới thiệu những nét khái quát về văn hóa Phật giáo Việt Nam trên các khía cạnh ngôn ngữ, pháp phục, kiến trúc, di sản, qua đó thể hiện sự phong phú, đa dạng của văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên công bố tới đại chúng thông tin, mô hình 87 bảo vật quốc gia của Phật giáo Việt Nam.

Đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm
Một số bảo vật được phục dựng công phu như tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích, ba pho tượng Phật Tam thế chùa Linh Ứng... Những bảo vật đại diện cho các thời kỳ du nhập, hình thành và phát triển của Phật giáo Việt Nam, cùng hệ thống hình ảnh, tư liệu và trích đoạn giới thiệu về giá trị Bảo vật Quốc gia liên quan đến Phật giáo đang được lưu giữ tại các bảo tàng, tự viện, di tích lớn trên cả nước.
Ngoài ra, tại sự kiện, ban tổ chức cũng bố trí không gian trà đạo cạnh không gian trưng bày bảo vật để du khách tìm hiểu về văn hóa trà Việt Nam.
Không gian triển lãm trưng bày “Văn hóa Phật giáo Việt Nam” tại Đại lễ Vesak 2025 do Ban Văn hóa Trung ương tổ chức là một điểm nhấn đặc biệt, mang ý nghĩa tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh của Phật giáo Việt Nam qua hàng nghìn năm hình thành và phát triển.



Các đại biểu tham quan không gian triển lãm trưng bày “Văn hóa Phật giáo Việt Nam”
Nổi bật tại không gian triển lãm là hình ảnh trưng bày các sản phẩm nhạc cụ truyền thống, trà đạo, pháp phục, kinh sách, mộc bản, sắc phong, tranh ảnh... Mỗi không gian trưng bày không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn hàm chứa tâm hồn, phong tục và bản sắc dân tộc. Không gian trưng bày góp phần khơi dậy tình yêu quê hương, gìn giữ nét đẹp văn hóa cổ truyền và tăng cường kết nối tinh thần Phật pháp trong đời sống hiện đại.
Hòa thượng Thích Bửu Chánh, phó tổng thư ký Ủy ban tổ chức Vesak Liên Hợp Quốc 2025, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM - cho biết những giá trị bảo vật Phật giáo được giới thiệu đều gắn liền với một thời kỳ lịch sử, phản ánh sâu sắc sự hòa quyện giữa nghệ thuật, tín ngưỡng và tư tưởng triết lý nhà Phật.

Đại biểu chụp hình lưu niệm
"Thông qua triển lãm, ban tổ chức mong muốn đem đến cái nhìn sâu sắc hơn về sự phong phú, lâu đời và giá trị bền vững của Phật giáo Việt Nam - không chỉ trong lĩnh vực tôn giáo mà còn trong suốt tiến trình hình thành bản sắc văn hóa dân tộc. Đây cũng là dịp để khơi dậy tình yêu quê hương, lòng tôn kính với các bậc tiền nhân và nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo trong dòng chảy văn minh hiện đại" - hòa thượng Thích Bửu Chánh chia sẻ.