Khai phóng tiềm năng từ cơ chế đặc khu

Từ ngày 1-7, đảo Phú Quý chính thức trở thành đặc khu hành chính - kinh tế thuộc tỉnh Lâm Đồng, được kỳ vọng trở thành trung tâm phát triển biển đảo phía Nam.

Với lợi thế nằm giữa vùng biển giàu tài nguyên và có vị trí chiến lược đặc biệt, Phú Quý hội tụ đủ điều kiện để bứt phá về kinh tế biển. Năm 2024, Phú Quý tăng trưởng kinh tế khá ấn tượng, với sản lượng khai thác hải sản hơn 36.000 tấn, đón hơn 154.000 lượt khách. Trên tuyến vận tải biển Phan Thiết - Phú Quý, 5 chuyến tàu cao tốc đang vận hành liên tục, giúp khai thác các lợi thế về kinh tế biển cho hòn đảo tiền tiêu.

Việc trở thành đặc khu mở ra cơ hội lớn để đẩy mạnh hạ tầng cảng cá, dịch vụ hậu cần nghề cá, phát triển nuôi biển công nghệ cao, chế biến hải sản sạch và xuất khẩu. Đồng thời, bài toán bảo vệ hệ sinh thái biển - đảo được đặt ra như một yêu cầu bắt buộc trong chiến lược phát triển mới.

Khai phóng tiềm năng từ cơ chế đặc khu - Ảnh 1.

Một góc Đặc khu Phú Quý từ trên cao

Ông Lê Hồng Lợi, Chủ tịch UBND Đặc khu Phú Quý, cho biết: "Việc Phú Quý chính thức trở thành đặc khu là một dấu mốc lịch sử, mở ra thời cơ mới để phát huy mạnh mẽ tiềm năng, thế mạnh vốn có của đảo, đặc biệt là kinh tế biển và du lịch". Theo ông Lợi, bên cạnh phát triển kinh tế biển theo hướng hiện đại và bền vững, chính quyền đặc khu sẽ đề xuất chính sách thu hút đầu tư hạ tầng du lịch chất lượng cao, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá biển đảo và văn hóa bản địa. Trọng tâm là giữ gìn bản sắc, cảnh quan tự nhiên và thân thiện với du khách. Ngoài ra, đặc khu cũng hướng đến chuyển đổi số trong quản trị, y tế, giáo dục và khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo - những lĩnh vực phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội của đảo.

Sự chuyển mình đã bắt đầu ở lĩnh vực du lịch. Nhiều cơ sở lưu trú nhỏ đã bắt tay sửa sang, nâng cấp phòng ốc ngay từ khi thông tin đặc khu được công bố. Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, chủ một homestay tại xã Long Hải (cũ), cho biết: "Khách bắt đầu hỏi tour nhiều hơn, người dân cũng háo hức chuẩn bị sản phẩm đặc trưng của đảo như hải sản tươi sống, bò nóng Phú Quý... Hy vọng nhà nước sẽ sớm có chính sách hỗ trợ để bà con phát triển du lịch cộng đồng".

Về phía doanh nghiệp, các lĩnh vực năng lượng, logistics biển và nuôi biển công nghệ cao đã được một số nhà đầu tư từ TP HCM, Nha Trang đến khảo sát, tìm hiểu cơ chế ưu đãi của đặc khu.

Theo UBND Đặc khu Phú Quý, chính quyền đặc khu đã có kế hoạch nâng cấp trung tâm văn hóa - thể thao, nhà trưng bày di sản biển đảo và phát triển mô hình trường học thông minh. Về y tế, Trung tâm Y tế quân dân y được chuyển giao cho Sở Y tế tỉnh, đồng thời đề xuất đầu tư trang thiết bị mới và ứng dụng y tế số để kết nối chuyên môn từ đất liền, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại chỗ.

Đặc khu Phú Quý đang được kỳ vọng trở thành cực tăng trưởng mới giữa biển khơi. "Chúng tôi tin rằng với quyết tâm, sự đồng thuận của nhân dân và cơ chế đặc thù dành cho đặc khu, Phú Quý sẽ chuyển mình mạnh mẽ, trở thành trung tâm phát triển biển đảo" - Chủ tịch UBND Đặc khu Phú Quý Lê Hồng Lợi nói.