Từ gà đẻ “trứng vàng” đến dê cho “sữa ngọc”

Thế hệ dược phẩm tương lai phần lớn sẽ được tạo ra từ động vật, như gà, dê, cừu, bò, thỏ..., vì cách sản xuất này không chỉ bảo đảm chất lượng mà còn cho giá thành thấp hơn rất nhiều so với các phương pháp sản xuất truyền thống

Các nhà khoa học ở Viện Roslin - nơi cho sinh sản vô tính cừu Dolly - đã phát triển cách tập trung các protein kháng thể trong trứng gà. Đây là loại kháng thể mới chuyên trị chứng ung thư da; và khả năng tạo ra thế hệ gà cho trứng chứa 3 loại protein khác cũng đang được nhắm đến...

“Trứng vàng”

Nỗ lực sản xuất thuốc từ trứng gà đã gặt hái được những thành công ở nhiều mức độ khác nhau. Công ty AviGenics đã tạo được loại kháng thể protein trong trứng, nhưng khả năng thương mại không cao. Tập đoàn Công nghệ Di truyền Ann Arbor (Michigan, Mỹ) cũng đang nuôi hơn 14.000 gà mái sẽ đẻ trứng chứa thuốc, nhưng hầu như chất lượng không đáng kể.

Cùng với sự trợ giúp của kỹ thuật mới và công nghệ hiện đại, không chỉ cho phép tạo ra những loại thuốc giá trị với số lượng lớn mà còn hạ được giá thành so với các phương pháp bào chế truyền thống. Một trong số đó là quy trình sản xuất trứng chống ung thư - dự án liên doanh giữa Viện Roslin, Công ty Dược Viragen (Mỹ) và Công ty Sinh học Oxford BioMedica (Anh) - có khả năng sẽ thành hiện thực trong 3 năm tới.

Theo bác sĩ Helen Sang, một nhà khoa học kỳ cựu của Viện Roslin, nỗ lực phát triển hệ thống gia cầm như cách sản xuất các sản phẩm sinh dược hoàn toàn có tính khả thi. “Với những kết quả cơ bản đã đạt được, chúng tôi đang theo đuổi phương pháp cao hơn để cho ra đời nhiều loại sản phẩm chất lượng...” – ông nói. Giáo sư Alan Kingsman của Oxford BioMedica cũng cho biết: “Phương pháp này không chỉ là sử dụng gà như nhà máy sản xuất thuốc đặc trị, mà còn tạo ra những loại protein đặc trưng ở một mức độ có thể cạnh tranh về thương mại...”.

“Sữa ngọc”

Các loại protein liệu pháp như insulin từ lâu đã được tạo ra trong virus, nhưng với một số protein phức hợp chỉ có thể được sản sinh từ các tế bào tinh vi trên những cơ thể sống lớn hơn. Khoảng 15 năm qua, nhiều giống gia súc như dê, cừu, bò, thỏ... được bổ sung di truyền đã cho sữa chứa các loại protein liệu pháp mới. Tuy nhiên, phải mất khoảng 3 - 5 năm nữa mới có thể có được loại thuốc hoàn chỉnh sau khi độ an toàn trên người được chứng minh.

Một số giống gia súc được sửa đổi di truyền sẽ cho sữa chứa loại protein kháng thể can thiệp interferon miR24 - một dạng kháng thể chống ung thư da melanoma và loại kháng thể khác b-1a có tính năng ức chế sự nhân đôi tạo bản sao của virus cũng sẽ được nhắm đến.

Những dạng liệu pháp can thiệp và bổ sung này dễ dàng được tạo ra với số lượng nhiều hơn từ sữa so với trứng. Và kỹ thuật bổ sung phôi thai cũng sẽ cho phép các nhà nghiên cứu dễ dàng tập trung theo quy trình cơ bản, giúp kiểm soát sự phát triển ở những giai đoạn sớm trong cơ thể vật nuôi.