Khởi động đại dự án 7.200 tỉ đồng

Dự án luồng Cửa Lở của THACO được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và cả khu vực Nam Lào, Bắc Campuchia

Vừa qua, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã ký công văn chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh (thuộc Tập đoàn THACO) lập hồ sơ đề xuất dự án Đầu tư xây dựng luồng Cửa Lở; cầu kết nối khu bến Tam Hiệp, Tam Hòa và đường nối KCN Việt Hàn với đường Võ Chí Công (gọi tắt là dự án luồng Cửa Lở) theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT).

Khởi động đại dự án 7.200 tỉ đồng- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng thăm bến cảng 50.000 tấn của Tập đoàn THACO hôm 8-2

Thúc đẩy hội nhập quốc tế

Với tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 7.200 tỉ đồng, mục tiêu cốt lõi của dự án là nạo vét và xây dựng tuyến luồng hàng hải Cửa Lở, tạo điều kiện cho tàu trọng tải 50.000 tấn có thể dễ dàng tiếp cận cảng Tam Hiệp và bến cảng Tam Hòa. Điều này không chỉ giải quyết bài toán về năng lực tiếp nhận tàu lớn hiện tại, mà còn mở ra cơ hội nâng cao đáng kể năng lực vận tải biển của Quảng Nam. Khi đó, chi phí logistics, một trong những yếu tố "nút thắt" đối với sự phát triển của doanh nghiệp, sẽ được giảm thiểu đáng kể, tạo lợi thế cạnh tranh vượt trội cho hàng hóa xuất khẩu của Quảng Nam nói riêng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung.

Dự án bao gồm các hạng mục chính yếu, được thiết kế để tạo thành một hệ thống vận tải biển hiệu quả và đồng bộ. Đầu tiên và quan trọng nhất là công tác nạo vét luồng Cửa Lở, với chiều dài dự kiến 6 km và chiều rộng 140 m, bảo đảm độ sâu cần thiết cho tàu trọng tải lớn ra vào an toàn. Tiếp theo là xây dựng cầu kết nối khu bến Tam Hiệp và Tam Hòa, tăng cường sự liên kết giao thông nội bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển hàng hóa giữa các khu vực cảng. Cuối cùng, tuyến đường nối KCN Việt - Hàn với đường Võ Chí Công sẽ hoàn thiện mạng lưới giao thông kết nối khu sản xuất với "cửa ngõ" biển, tối ưu hóa quy trình vận chuyển.

Theo Tập đoàn THACO, điều đặc biệt ở dự án luồng Cửa Lở không chỉ nằm ở bản thân công trình, mà còn bởi sự liên kết chặt chẽ với khu phi thuế quan Tam Hòa. Với quy mô gần 800 ha, Tam Hòa được quy hoạch để trở thành một trung tâm logistics và dịch vụ cảng biển hiện đại, không chỉ phục vụ nhu cầu của Quảng Nam mà còn là cầu nối quan trọng với Nam Lào, Bắc Campuchia và vùng Tây Nguyên thông qua hành lang kinh tế Đông - Tây.

Khu phi thuế quan Tam Hòa mang đến một "bảng vàng" các ưu đãi đầu tư hấp dẫn. Các doanh nghiệp hoạt động tại đây sẽ được hưởng miễn thuế GTGT đối với hàng hóa và dịch vụ sản xuất, tiêu thụ trong khu vực, cũng như hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài. Đặc biệt, miễn giảm thuế cho hàng hóa nhập khẩu vào khu phi thuế quan để sử dụng tại đây sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Bên cạnh đó, vị trí chiến lược của Khu phi thuế quan Tam Hòa, nằm trong Khu Kinh tế mở Chu Lai và kết nối trực tiếp với cảng Chu Lai thông qua tuyến luồng Cửa Lở, tạo ra một lợi thế logistics vô cùng lớn. Doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn như Đông Bắc Á, châu Âu và Mỹ thông qua hệ thống vận tải biển và logistics hiện đại. Khu vực này còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy hội nhập quốc tế và mở ra cơ hội hợp tác thương mại với các đối tác quốc tế...

Khởi động đại dự án 7.200 tỉ đồng- Ảnh 2.

Cảng quốc tế Chu Lai của Tập đoàn THACO được xem là “cửa ngõ” trung chuyển hàng hóa quốc tế tại miền Trung

Phấn đấu hoàn thành trước tháng 6-2027

Trước đó, tại buổi làm việc giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam với Tập đoàn THACO hôm 28-2, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn THACO, cho biết hiện nay, lượng hàng qua Chu Lai rất lớn nhưng luồng cảng chỉ phục vụ được cho tàu nhỏ. Nếu đầu tư luồng Cửa Lở, trung tâm logistics để vận chuyển hàng hóa bằng container tại Chu Lai với mức giá bằng 2 đầu đất nước thì doanh nghiệp sẽ chuyển đến Chu Lai, đến miền Trung rất nhiều. Trung tâm này không chỉ phục vụ cho riêng Quảng Nam mà cho cả Nam Lào, Bắc Campuchia và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.

Ông Trần Bá Dương nhấn mạnh dự án luồng Cửa Lở sẽ làm thay đổi, tạo đột phá và phát triển cho Chu Lai. Ông nói rằng dù thấy được dự án này rất lớn, rất khó nhưng THACO rất quyết tâm. Chủ tịch Trần Bá Dương cho biết đây là dự án tâm huyết của cá nhân ông, khi hoàn thành thì xem như sứ mệnh đầu tư của ông tại Chu Lai đã được thực hiện, THACO cũng không đặt vấn đề lợi nhuận khi thực hiện dự án này.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, cho biết sẽ đưa dự án luồng Cửa Lở vào danh mục các dự án trọng điểm của tỉnh để Ban Thường vụ theo dõi, chỉ đạo sâu sát. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng nói rằng làm được luồng Cửa Lở và sân bay Chu Lai thì Quảng Nam sẽ vươn mình, phát triển mạnh hơn nhiều.

Liên quan đến dự án này, theo thông báo kết luận tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam ngày 8-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu UBND tỉnh chủ động kêu gọi đầu tư luồng Cửa Lở và trung tâm logistics container Chu Lai theo quy hoạch và quy định của pháp luật, phấn đấu hoàn thành dự án trước tháng 6-2027. 

Vận chuyển 7,5 - 9 triệu tấn hàng/năm

Theo quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ Xây dựng ban hành ngày 25-3 vừa qua, cảng biển Quảng Nam gồm các khu bến Tam Hiệp, Tam Hòa; Kỳ Hà, Tam Giang và các khu neo đậu, chuyển tải, tránh, trú bão. Trong đó, quy hoạch đến năm 2030, khu bến Tam Hiệp, Tam Hòa vận chuyển lượng hàng hóa từ 7,5 đến 9 triệu tấn/năm, hành khách từ 20.000 đến 30.000 lượt/năm.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Khởi động đại dự án 7.200 tỉ đồng- Ảnh 3.