Không thay đổi tiến độ Vành đai 3 - TP HCM

Để bảo đảm tiến độ dự án Vành đai 3 - TP HCM, vấn đề vật liệu san lấp được ngành chức năng từ trung ương tới địa phương ráo riết giải quyết thông qua nhiều kế hoạch khả thi

Cập nhật tiến độ dự án Vành đai 3 - TP HCM, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM cho biết đoạn qua địa bàn thành phố dài 46 km, gồm 10 gói thầu xây lắp chính.

Sẵn sàng hỗ trợ nhà thầu

Trong 10 gói thầu, 4 gói XL3, XL6, XL8, XL9 đã triển khai từ tháng 7-2023 và nhà thầu đang khẩn trương thực hiện các hạng mục cầu, hầm trên tuyến, nền đường... Do thiếu cát san lấp nên hạng mục xử lý nền bằng bấc thấm, gia tải cát gặp khó khăn, khối lượng thực hiện đến nay khoảng 780/7.080 tỉ đồng (đạt khoảng 11% giá trị xây lắp).

Theo Sở GTVT TP HCM, những nhà thầu tham gia dự án đã nỗ lực để tìm kiếm các nguồn cát đắp nền đường. Tuy nhiên, khối lượng cát huy động về công trường chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc bảo đảm nguồn vật liệu cho dự án Vành đai 3 - TP HCM và các tuyến cao tốc khu vực ĐBSCL. 

Theo Sở GTVT TP HCM, 6 gói thầu xây lắp chính còn lại của Vành đai 3 - TP HCM - gồm XL1, XL2, XL4, XL5, XL7, XL10 - đã khởi công vào đầu năm 2024. Các nhà thầu đang tích cực huy động nhân sự, thiết bị để thi công.

Trên cơ sở đó, chủ đầu tư Vành đai 3 - TP HCM là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố đã làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang nhằm thống nhất danh sách, kế hoạch triển khai khảo sát, lấy mẫu thí nghiệm, đánh giá chất lượng các mỏ vật liệu.

Tại buổi làm việc, các bên thống nhất danh sách khảo sát dự kiến gồm 52 mỏ cát; thời gian khảo sát từ ngày 11 đến 22-4. Trong đó, Vĩnh Long có 28 mỏ, Tiền Giang 20 mỏ và Bến Tre 4 mỏ.

Không thay đổi tiến độ Vành đai 3 - TP HCM- Ảnh 1.

Công trường dự án Vành đai 3 - TP HCM đoạn qua huyện Củ Chi. Ảnh: THU HỒNG

Sau khi có kết quả thí nghiệm, chủ đầu tư tổng hợp, báo cáo Sở TN-MT và UBND TP HCM danh sách các mỏ cát đạt chất lượng. Tiếp đó, kiến nghị cụ thể khối lượng cát đắp nền đường tại từng địa phương cung cấp cho dự án Vành đai 3 - TP HCM.

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, Vành đai 3 - TP HCM được xác định là công trình kiểu mẫu. Vì thế, các đơn vị liên quan đều quyết tâm không thay đổi tiến độ dự án.

Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu san lấp, chủ đầu tư yêu cầu tất cả nhà thầu tập trung tìm và đưa cát về công trường, nhất là trong tháng 4 và 5-2024, bảo đảm từ tháng 6 đáp ứng đủ độ cao và bắt đầu gia tải.

"Song song đó, chúng tôi rà soát từng gói thầu, kiên quyết xử lý theo điều kiện hợp đồng, xử phạt đối với nhà thầu nào tiếp tục chậm trễ trong việc cung cấp cát" - ông Phúc nhấn mạnh, đồng thời khẳng định chủ đầu tư sẵn sàng hỗ trợ nhà thầu làm việc với các địa phương, hỗ trợ thủ tục liên quan vấn đề khai thác cát.

Theo ông Phúc, sau khi làm việc, tổ công tác của Chính phủ đã thống nhất trong tháng 4-2024 hoàn tất cập nhật trữ lượng cát của các địa phương hỗ trợ dự án Vành đai 3 - TP HCM.

Tính nhiều phương án

Tại Bình Dương, đường Vành đai 3 - TP HCM đoạn qua địa phương này chia làm 2 dự án thành phần: Dự án thành phần 5 (xây lắp) và dự án thành phần 6 (giải phóng mặt bằng). Trong đó, dự án thành phần 5 có tổng mức đầu tư hơn 5.750 tỉ đồng, hiện cơ bản đáp ứng tiến độ.

Khó khăn nhất hiện nay của Bình Dương cũng là việc cung ứng nguồn cát. Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền từ năm 2024 đến 2026 ở địa phương là 700.213 m3, tương ứng mỗi ngày cần trên 1.900 m3 mới có thể đáp ứng.

Không thay đổi tiến độ Vành đai 3 - TP HCM- Ảnh 2.

Công nhân làm việc tại nút giao Bình Chuẩn, tỉnh Bình Dương. Ảnh: THẢO NGUYỄN

Theo ông Minh, trong 3 gói thầu xây lắp thì XL3 (đoạn từ nút giao Bình Chuẩn đến sông Sài Gòn) sử dụng vật liệu đắp nền đường bằng cát; các gói thầu khác dùng vật liệu bằng đất. Nguồn cung cấp cát từ các tỉnh miền Tây như Bến Tre, Hậu Giang thiếu ổn định, thường bị gián đoạn, dẫn đến tiến độ thi công hạng mục đắp cát nền đường bị chậm.

Bình Dương đã mời các doanh nghiệp có mỏ và đang khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng đến làm việc. Nhiều doanh nghiệp đã nhận thức rõ trách nhiệm trong việc cung ứng nguồn vật liệu xây dựng cho dự án Vành đai 3 - TP HCM và đăng ký cung ứng. 

Đến nay, 6 đơn vị đã đăng ký cung cấp cát xây dựng với khối lượng 540.000 m3. Về đá xây dựng các loại và đất san lấp, 8 đơn vị đã đăng ký với khối lượng lớn.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thông tin tỉnh đề nghị các địa phương khác hỗ trợ nguồn cát; đề nghị Bộ TN-MT cùng UBND TP HCM sớm chủ trì phân chia cụ thể trữ lượng cung cấp của từng mỏ cho các địa phương. Việc này giúp địa phương chủ động tính toán cho phù hợp tiến độ thi công của từng gói thầu trên địa bàn.

Một phương án nữa, theo UBND tỉnh Bình Dương, là tỉnh này đề nghị UBND TP HCM sớm thống nhất nguồn cát đắp ở dự án Vành dai 3 - TP HCM. Nếu có thể sử dụng nguồn cát nhập khẩu từ Campuchia thì sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm, đồng thời điều phối về cho các tỉnh ngay trong quý II/2024. 

Xung lực cho vùng kinh tế phía Nam

Đường Vành đai 3 - TP HCM dài trên 76 km, đi qua 4 địa phương: TP HCM (47,35 km), Đồng Nai (11,26 km), Bình Dương (10,76 km) và Long An (6,81 km). Dự án có quy mô giai đoạn hoàn chỉnh là 8 làn xe cao tốc, vận tốc 100 km/giờ; đường song hành hai bên vận tốc 60 km/giờ. Quy mô giai đoạn phân kỳ là 4 làn xe cao tốc...

Dự án này được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 57/2022. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 105 năm 2022 để triển khai. Dự án dự kiến hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026, tạo xung lực cho vùng kinh tế phía Nam.