Bài học công bằng

Như nhiều đứa trẻ khác, tôi lớn lên với những năm tháng tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm học trò.

Tôi còn nhớ như in ngày kết thúc năm học mẫu giáo “bé” (khi đó tôi sắp lên năm, và các lớp mẫu giáo được phân thành mẫu giáo “bé” và mẫu giáo “lớn”), tôi không được gọi lên nhận phần thưởng như một số bạn (sau này tôi mới biết phần thưởng là do phụ huynh gửi nhà trường tặng lại cho con cái họ vì nhà trường vào những năm tháng khó khăn cũng không có kinh phí thưởng, mà Ba Má tôi lo cái ăn cho đội tàu há mồm đã quá sức rồi, lấy đâu phần thưởng cho tôi khi ấy).
 
Trên đường từ trường về nhà, tôi nắm tay Má xin cho tôi được vào học lớp Một. Tôi đinh ninh rằng vào lớp Một, tôi nhất định sẽ học giỏi, sẽ được nhận phần thưởng cuối năm như anh tôi. Phần vì có lẽ thấy tôi quá háo hức được cắp sách đến trường, phần vì anh tôi học trước tuổi và đều được chấp nhận lên lớp trên nên Ba Má cũng  xin cho tôi vào học lớp Một “gửi”. Gọi là lớp Một “gửi” vì tôi chưa đủ tuổi học chính thức và thời điểm ấy cũng được nhà trường chấp thuận. Tuy nhiên, cũng nói thêm rằng, hết năm học lớp Một “gửi” đó, mặc dù tôi được cô giáo đánh giá “được lên lớp Hai” nhưng nhà trường không đồng ý vì vi phạm độ tuổi. Thế là tôi phải ngồi lại lớp Một một năm nữa. Vì lẽ đó mà tôi bị đám bạn cùng lớp trêu chọc là “đồ lưu ban” suốt một thời gian.
 
Cô giáo lớp Một của tôi là cô Phan Thị Kim Hạnh, một người bạn của cô út tôi. Cô là người gieo cho tôi những con chữ đầu tiên và cả các bài học làm người. Hơn ba mươi năm qua, ký ức của tuổi lên năm có nhiều đoạn đã xóa nhòa, nhưng câu chuyện ngày hôm ấy tôi không bao giờ quên được. Những ngày giáp Tết năm 1983, gia đình tôi nhận được hung tin từ quân trường, anh trai tôi ra đi mãi mãi trong một đợt luyện binh. Tôi khi ấy không hiểu “chết” là gì, chỉ thấy người thân, hàng xóm đến nhà tôi rất đông. Mọi người tất bật chuẩn bị tang lễ. Nỗi đau quá lớn làm Má tôi như điên dại, tôi được người chị họ dẫn về nhà, cho ăn uống và vẫn đến lớp. Ngày đưa tang, tôi được nghỉ học và theo gia đình ra nghĩa trang. Không ai nhớ để đến trường xin phép Cô nên hôm đó tôi đã nghỉ học không phép.
 
Hôm sau, Cô gọi tôi lên bục giảng (cùng với vài bạn phạm lỗi khác), hỏi lý do vắng học, tôi ấp úng, mắt rơm rớm “Nhà con có đám ma… anh con”. Cô im lặng một lát, nhưng hậu quả là tôi vẫn bị một roi vào mông để nhớ lần sau tuân thủ nội quy nhà trường, nghỉ học vì lý do gì cũng phải có giấy phép của phụ huynh, cho dù là “học sinh không chính thức”. Tôi bậm môi cố không khóc mà nước mắt cứ trào ra, không phải vì roi đau mà thấy mình bị phạt oan.
 
Sau buổi học ấy, Cô bảo tôi đợi và chở tôi về nhà. Cô gồng lưng đạp qua các con dốc trên chiếc xe mi-ni nhỏ bé, đưa tôi đến trước nhà, khẽ nắm tay tôi lúc tôi chào Cô để vào nhà. Một cảm giác ấm áp lan tỏa và nỗi hờn giận khi nãy tan biến mất. Có lẽ Cô không dùng lời nói vì nghĩ một cô bé năm tuổi không thể hiểu hết được những điều Cô muốn nói. Nhưng lạ thay, tôi đủ nhạy cảm hiểu ra rằng đòn roi hôm nay là sự phân xử công bằng cho tôi và các bạn khác trong hoàn cảnh như vậy. Bài học công bằng ấy cứ mãi theo tôi, và tôi nghiệm ra rằng đó là gạch nối đầu tiên của việc tôi đeo đuổi nghề luật suốt bao năm qua.
Cảm ơn Cô đã cho con bài học làm người, dù đơn giản nhất!