Cậu học trò đặc biệt

Có một người đã để lại dấu ấn khó phai khiến tôi xúc động vô cùng và tăng thêm niềm tin với con đường mình đã chọn. Đó là “cậu học trò đặc biệt”.

Tôi là con gái út trong một gia đình nông dân nghèo nơi quê lúa, từ nhỏ  luôn ước mơ trở thành cô giáo được đứng trên bục giảng với phấn trắng và bảng đen. Năm 2005, tôi thi đỗ vào Khoa Toán - Tin Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I. Có một người đã để lại dấu ấn khó phai khiến tôi xúc động vô cùng và tăng thêm niềm tin với con đường mình đã chọn. Đó là “cậu học trò đặc biệt”.
 

img

Đó là đầu năm 2008, tôi về thực tập tại Trường THPT Mỹ Hào - Hưng Yên, và được phân công chủ nhiệm lớp 10A5. Khi giở tập hồ sơ học sinh, tôi chú ý đến: Đào Duy Tước, sinh năm 1987, học lực trung bình... Cậu ấy bằng tuổi tôi, tức là đi học chậm 6 năm. Trong đầu tôi đang hình dung: liệu đây có phải là một cậu học sinh cá biệt, nghịch ngợm nên bị lưu ban 6 năm liền? Liệu cậu ta thấy mình trẻ, ở xa mới về thực tập có bày trò để phá rối, bắt nạt mình không đây?
 
Hôm sau, lên lớp buổi đầu tiên, tôi gọi Đào Duy Tước lên kiểm tra bài cũ. Một cậu học trò nhỏ nhắn, nước da đen giòn đứng dậy trả lời nhẹ nhàng: “Thưa cô, em chưa làm được!”. Tôi đáp lại: “Được rồi, em ngồi xuống và tiếp tục suy nghĩ nhé!". Suốt buổi học, tôi nhiều lần hướng ánh mắt về phía cậu. Tôi hơi bất ngờ trước vẻ ngoài hiền lành và ít nói của cậu.
 
Cuối buổi học, tôi ở lại buổi trưa cùng một số em học sinh, trong đó có cả Tước (vì các em nhà xa nên buổi trưa phải ở lại). Tôi được nghe Tước kể: “Gia đình em nghèo lắm. Nhà em có 3 anh em trai, em là thứ hai. Khi em học xong lớp 9 thì anh trai em thi đỗ Đại học Bách Khoa, em trai em đang học lớp 6. Em xin nghỉ học để đi phụ hồ, giúp đỡ gia đình nuôi em trai ăn học. Còn anh trai thì vừa học vừa làm để kiếm tiền đóng học phí. Sau 5 năm, anh trai em đã ra trường và có công ăn việc làm ổn định, anh ấy muốn em đi học trở lại, thế là em tự ôn và thi đỗ cấp ba. Bây giờ, em thì học lớp 10 còn em trai em thì đang học lớp 12. Em bỏ học đã lâu, giờ đi học thấy khó tiếp thu quá cô à. Buổi tối về, em trai em chỉ thêm nhưng học kỳ I cũng chỉ đạt trung bình”.
 
Nghe câu chuyện của Tước tôi xúc động nghẹn ngào, giọt nước mắt đã lăn dài trên má tự bao giờ. Cô trò chúng tôi lặng đi trong giây lát. Tôi nhẹ nhàng an ủi Tước: “Cô rất khâm phục em. Cô tin rằng với ý chí và quyết tâm của mình, em sẽ thành công. Từ giờ nếu có bài nào không hiểu thì em có thể hỏi thêm cô nhé”. Tước đáp lại: “Vâng ạ, em cảm ơn cô!”. Vậy là từ hôm đó, các buổi trưa ở lại tôi chỉ thêm cho Tước về phương pháp học hiệu quả và những bài khó. Năm tuần thực tập trôi qua thật nhanh, tôi chưa kịp ghi nhận sự tiến bộ của Tước thì đã phải chia tay. Ngày tiễn tôi lên xe, cậu tặng tôi một món quà có ghi dòng chữ: “Cảm ơn cô, một cô giáo hết lòng vì học sinh”. Tôi mỉm cười hạnh phúc vì mình vừa làm được một việc thật ý nghĩa.
 
Năm sau (2009), tôi vẫn về trường cũ thực tập nhưng được phân công giảng dạy lớp khác. Ngày đón tôi, Tước vui mừng khoe: “Cô ơi, học kỳ II năm trước và học kỳ I vừa rồi em được học lực khá đó, em vui lắm!”. Nhìn ánh mắt rạng ngời của Tước ngày gặp lại, tôi thấy mình hạnh phúc hơn, thêm tự tin vào con đường mình đã chọn.
 
Thời gian thấm thoắt trôi, giờ đây tôi đã trở thành giảng viên của một trường đại học, còn Tước đang theo học đại học. Con đường phía trước đang rộng mở đón chào cậu, tôi cũng vui mừng vì trong đó có đóng góp một phần nhỏ bé của mình.