"Kỹ sư 57" - xung lực mới cho quốc gia
Việt Nam cần chuẩn bị một đội ngũ nhân lực mới - "kỹ sư 57" để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của đất nước trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ
Chiều 7-5, tại Hà Nội, đã diễn ra Diễn đàn Phát triển xung lực mới cho quốc gia và lễ ra mắt Liên minh nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (gọi tắt là Nghị quyết 57).
Nhân lực là nòng cốt
Một trong những mục tiêu cốt lõi của Nghị quyết 57 là phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là lực lượng cán bộ, công chức và nhân viên có khả năng tổ chức và thực thi chuyển đổi số ở quy mô quốc gia.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, chia sẻ thông điệp mạnh mẽ của Tổng Bí thư tại Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, ký ban hành ngày 4-5-2025: "Doanh nhân là chiến sĩ trên mặt trận kinh tế". Theo ông Bình, trên "mặt trận kinh tế" hiện nay là cuộc chiến về tri thức, công nghệ và đặc biệt là nhân lực AI.

Đại diện các trường, học viện tại lễ ký kết Liên minh nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW
Ông Trương Gia Bình cho rằng nếu không đào tạo được nhân lực AI, chúng ta sẽ đứng ngoài cuộc chơi công nghệ, còn nếu dẫn đầu trong đào tạo AI, Việt Nam sẽ vươn lên trở thành lực lượng lao động toàn cầu trong lĩnh vực này. "Thế hệ trẻ, với kỹ năng công nghệ và tư duy sáng tạo sẽ là lực lượng quyết định giúp Việt Nam vượt qua các thách thức và gia nhập cộng đồng quốc tế" - ông Bình khẳng định.
Ông Lê Thanh Tùng, thành viên Hội đồng Quản trị VietinBank, cho hay ngân hàng này đang tích cực triển khai các hoạt động ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong toàn hệ thống. Tuy nhiên, dù đã có chiến lược rõ ràng, khâu thực thi vẫn là một thách thức lớn, nhất là thách thức về thiếu nhân lực.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), cho rằng trong bối cảnh mới, yếu tố con người là chìa khóa để kết nối hiệu quả giữa các doanh nghiệp và nền kinh tế quốc gia. Muốn hiện thực hóa Nghị quyết 57, cần xây dựng một lực lượng nhân lực mới, những con người có tư duy đột phá, năng lực đáp ứng những yêu cầu hoàn toàn mới của thời đại.
Sứ mệnh của trường đại học
Ứng dụng khoa học - công nghệ, AI không chỉ là một xu hướng, mà là một cuộc cách mạng, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục. Để bắt kịp xu hướng này, Việt Nam cần chuẩn bị một đội ngũ nhân lực có đủ năng lực để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của đất nước trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ.
Theo GS-TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), để phát triển đất nước, chúng ta chỉ có một con đường duy nhất: nâng tầm công việc của người Việt lên những công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đây không phải là nhiệm vụ của riêng một cá nhân hay doanh nghiệp nào mà là trách nhiệm của toàn dân. Đảng và Nhà nước cần một cuộc "bình dân học vụ" trong thời đại số, để mọi người dân đều có cơ hội bước lên những nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị lao động hiện đại.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT, cũng nhấn mạnh trong bối cảnh sự thay đổi nhanh chóng của khoa học - công nghệ, giáo dục cần phải đổi mới sâu sắc. Việc "xâm nhập" mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo vào các lĩnh vực sẽ thay đổi không chỉ cách học mà còn cả mục tiêu và nội dung của chương trình đào tạo. Điều này đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải cải tổ để cung cấp cho thế hệ trẻ các kỹ năng cần thiết, đáp ứng được yêu cầu của thời đại.
Nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết về đội ngũ nhân lực mới - "Kỹ sư 57", bà Phạm Thị Ngọc Thủy đề xuất 3 nhóm "kỹ sư 57" cần được đào tạo và phát triển, đó là kỹ sư khoa học công nghệ chuyên ngành, những người hiểu sâu ngành, như ngân hàng, logistics, sản xuất; nhà quản trị và quản lý thông minh biết ứng dụng dữ liệu và công nghệ để ra quyết định, quản lý hiện đại; chuyên gia phân tích nghiệp vụ (BA) - kết nối giữa quy trình, dữ liệu và công nghệ, hỗ trợ tái cấu trúc hệ thống vận hành. Theo bà Thủy, đây là những lực lượng nòng cốt nếu chúng ta muốn thực thi Nghị quyết 57 một cách thực chất và hiệu quả.
Ra mắt liên minh các trường đại học
Tại sự kiện, đại diện lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Kỹ thuật mật mã, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Trường Đại học FPT đã ký kết Liên minh nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW.
Theo đánh giá của các chuyên gia, liên minh có sự tham gia của các bên với những ưu điểm khác nhau sẽ là một cú hích lớn, góp phần tạo động lực cho quốc gia tiến bước vững chắc. Liên minh góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, chuyên gia chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, công cuộc chuyển đổi số quốc gia và hội nhập quốc tế; thúc đẩy các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hành chính công, lãnh đạo và quản lý nhà nước phù hợp với bối cảnh mới. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác đào tạo, quản trị và hoạch định chính sách.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, bày tỏ mong muốn có thêm nhiều doanh nghiệp cùng tham gia, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực. Từ đó, có thể giúp các sinh viên sớm xác định được vai trò, vị trí và hành trình phát triển của bản thân trong nền kinh tế tri thức. "Những bài toán lớn được đưa vào nhà trường để các em tiếp cận ngay từ đầu sẽ tạo nền tảng căn bản vững chắc. Khi tốt nghiệp, các em có thể trở thành những nhà khoa học chuyên sâu trong lĩnh vực công nghệ, hoặc những nhà quản trị khoa học - công nghệ, được nuôi dưỡng từ tinh thần của Nghị quyết 57. Tôi tin rằng, đến năm 2045, Việt Nam sẽ có những nhà quản trị tầm cỡ thế giới, góp phần xây dựng một quốc gia phát triển dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ" - ông Nguyễn Văn Khoa chia sẻ.