Kỳ tích mang tên VIỆC LÀM

Người Lao Động là tờ báo đầu tiên trên cả nước tăng thêm 4 trang trong suốt một tuần để đăng miễn phí thông tin tự giới thiệu của hàng ngàn ứng viên tìm việc

Cùng với các trang Đời sống, Địa phương (Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định) thì trang Việc làm - Đào tạo là "đặc sản" xuất hiện đầu tiên trên Báo Người Lao Động, ra đời từ đợt cải tiến toàn diện cuối năm 1995.

Trả "món nợ lời hứa"

Thời điểm năm 1997-1998, trang Việc làm xuất hiện trên 2 số báo ra thứ hai và thứ sáu, lúc đó Báo Người Lao Động mới phát hành một tuần 4 kỳ. Trên trang Việc làm có mục "Tự giới thiệu trước nhà tuyển dụng", đăng hồ sơ giới thiệu ứng viên với khoảng 3-4 người hằng tuần, miễn phí cho cả ứng viên lẫn nhà tuyển dụng.

Năm 1997, cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Á bắt đầu lan ra. Những tín hiệu đầu tiên xuất hiện từ trước Tết Mậu Dần, tức đầu năm 1998. Vào mùa cao điểm việc làm thêm mà Trung tâm Việc làm sinh viên - Trường Đại học Kinh tế (nay là Đại học Kinh tế) phải báo động chỉ có 10% sinh viên tìm được việc làm bán thời gian. Cùng thời điểm này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM (nay là Sở Nội vụ) báo động "hiện tượng bất thường" khi 40.000 công nhân trên địa bàn bị mất việc trong năm 1997.

Kỳ tích mang tên VIỆC LÀM - Ảnh 1.

Phóng viên nhiều phòng, ban được huy động hỗ trợ “Chiến dịch 15 ngày giúp bạn bước vào thế giới việc làm”

Từ các dấu hiệu bất ổn của thị trường lao động, nhà báo Thẩm Tuyên, khi đó là Tổng Thư ký Tòa soạn, yêu cầu các phóng viên chuyên trách lên kế hoạch tổ chức một chương trình quy mô lớn giúp bạn đọc tìm việc làm. Sau 2 tuần chuẩn bị, trang Việc làm đã hoàn chỉnh kế hoạch để tung ra ngay sau kỳ nghỉ Tết âm lịch.

Có thể nói, nhóm phóng viên trang Việc làm năm đó đã ăn một cái Tết với "món nợ lời hứa" giúp bạn đọc tìm việc hiệu quả hơn mà họ đã kỳ vọng qua hàng trăm cuộc gọi, hàng ngàn lá thư gửi đến tòa soạn suốt một năm trước.

Vừa qua kỳ nghỉ Tết, trên số báo tân niên ngày 2-2-1998 (mùng 6 Tết), Báo Người Lao Động công bố "Chiến dịch 15 ngày giúp bạn bước vào thế giới việc làm". Trang bìa số báo hôm đó đăng lời kêu gọi: "Bạn hãy gửi bản tự giới thiệu khả năng, công việc có thể làm, nguyện vọng và mức lương đề nghị. Chúng tôi sẽ dành một số trang báo để đăng tải miễn phí các thông tin tự giới thiệu này. Chúng tôi cũng xin mời các nhà tuyển dụng quan tâm đến những thông tin này. Và nếu mai đây, khi chiến dịch kết thúc, có một số bạn đọc - thậm chí chỉ một người - tìm được việc làm thích hợp sau nhiều năm tháng trầy trật bôn ba tìm việc, đó cũng là điều an ủi đối với chúng tôi: Tờ báo đã thật sự có ích, tờ báo luôn cố gắng đóng trọn vai trò là người đồng hành với đời sống và việc làm của bạn đọc".

Nhờ tính hiệu quả, thiết thực, "Chiến dịch 15 ngày giúp bạn bước vào thế giới việc làm" được trao giải B Giải Báo chí quốc gia năm 1999.

Trong 3 ngày đầu tiên, chưa đến 100 người tham gia tự giới thiệu tìm việc và chỉ có 20 chỗ làm được cung ứng. Sau vài ngày, hiệu quả tìm việc và tuyển dụng lan tỏa rất nhanh nhờ số lượng ứng viên lẫn doanh nghiệp tham gia tăng vọt, hồ sơ gửi đến báo chất cao hàng mét. Bước sang tuần thứ 2, ứng viên từ nhiều địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Cà Mau… cũng tham gia tự giới thiệu, trong khi nhu cầu tuyển dụng có cả giám đốc tiếp thị để đưa sang làm việc tại Ba Lan.

Đến ngày thứ 12, 1.000 ứng viên đã tham gia chương trình và báo bắt đầu dành trang riêng để đăng tất cả hồ sơ, mỗi trang khoảng 50 trường hợp. Để kịp thời thông tin, báo trưng dụng trang Bạn đọc ra thứ tư và thứ bảy để đăng tải hồ sơ ứng viên nhưng vẫn không đáp ứng xuể.

Lúc đó, Ban Biên tập đã đưa ra một quyết định táo bạo nhằm đăng nhiều hồ sơ tìm việc một cách nhanh chóng: Từ số ngày 18-2-1998, báo tăng thêm 4 trang trong liên tục 4 kỳ mà không tăng giá bán để đăng hết hơn 1.000 hồ sơ ứng viên. Chi phí giấy và công in của số trang tăng thêm này lên đến 100 triệu đồng - một số tiền không nhỏ theo thời giá lúc đó, nếu quy đổi thì trị giá khoảng trên 20 lượng vàng.

"Cháy" đường dây nóng

Thời điểm năm 1998, việc liên lạc qua mạng internet, email hầu như chưa có, bạn đọc và doanh nghiệp liên hệ với báo bằng cách đến tòa soạn hoặc gọi điện thoại. Hơn 10 năm làm việc tại Báo Người Lao Động, hai lần tôi chứng kiến cảnh bạn đọc "bao vây tòa soạn", mà lần đầu tiên là trong 2 tuần tổ chức "Chiến dịch 15 ngày giúp bạn bước vào thế giới việc làm".

Sau khi chương trình được phát động, Phòng Tiếp bạn đọc là nơi tiếp nhận cuộc gọi để giải đáp thông tin, hướng dẫn bạn đọc đến nộp hồ sơ trực tiếp tham gia chương trình. Do trụ sở báo lúc đó còn nhỏ hẹp, bạn đọc thì đông nên có lúc tràn ra cả sân và vỉa hè đứng chờ.

Kỳ tích mang tên VIỆC LÀM - Ảnh 2.

Trang Việc làm - Đào tạo là một trong những “đặc sản” xuất hiện đầu tiên trên Báo Người Lao Động, ra đời từ đợt cải tiến toàn diện cuối năm 1995. Ảnh: HỒNG DUYÊN

Trong tuần đầu tiên, 2 phóng viên trực đường dây nóng đã nhận hơn 600 cuộc gọi, liên tục trả lời điện thoại đến "tối tăm mặt mũi". Sang tuần thứ 2, báo phải tăng cường một đường dây nóng dành riêng cho nhà tuyển dụng. Toàn bộ nhân lực của trang Việc làm lúc đó đều được huy động ra tiếp bạn đọc, nhận hồ sơ và biên soạn nội dung đăng báo.

Trước tình trạng quá tải hồ sơ và "cháy" đường dây nóng, một đối tác của báo là Công ty TNHH Viễn Tin đã hỗ trợ đưa hết thông tin ứng viên và nhu cầu tuyển dụng từ doanh nghiệp lên website TLNET. Trong bối cảnh Việt Nam chỉ mới hòa mạng internet vào cuối năm 1997, Báo Người Lao Động là tổ chức đầu tiên đưa chương trình việc làm lên môi trường online, sớm hơn nhiều năm trước khi những website tìm việc - tuyển dụng xuất hiện ở nước ta.

"Chiến dịch 15 ngày giúp bạn bước vào thế giới việc làm" là chương trình tạo dấu ấn thông tin trong lòng bạn đọc và nhà tuyển dụng. Từ đó về sau, cứ nhắc đến việc làm thì nhiều người nghĩ ngay đến thương hiệu Báo Người Lao Động.

Nhờ tính hiệu quả, giúp bạn đọc một cách thiết thực, "Chiến dịch 15 ngày giúp bạn bước vào thế giới việc làm" được trao giải B công trình báo chí tại Giải Báo chí quốc gia năm 1999. 

Những con số ấn tượng

Chỉ trong 2 tuần phát động "Chiến dịch 15 ngày giúp bạn bước vào thế giới việc làm", Báo Người Lao Động đã giới thiệu 1.085 ứng viên tìm việc bằng cách đăng hồ sơ và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp. Ở chiều ngược lại, 1.122 nhà tuyển dụng đã gửi hơn 4.500 lời mời đến các ứng viên tham gia chương trình giới thiệu việc làm độc đáo này.

Hiệu ứng chiến dịch còn kéo dài đến giữa tháng 3-1998, với 1.122 nhà tuyển dụng gửi hơn 4.500 lời mời đến bạn đọc đăng ký tìm việc.