Lạ lùng thị trường vàng Hàn Quốc, Mỹ
(NLĐO) - Chính phủ của một số quốc gia có nhu cầu vàng cao đã đơn giản hóa cách tiếp cận thị trường, tới mức cho phép giao dịch kim loại quý này như hàng hóa bình thường ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Cởi mở nhưng rất chặt chẽ
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, tính đến cuối năm 2023, Ngân hàng Hàn Quốc nắm giữ 104,4 tấn vàng, đứng thứ 36 trong số các ngân hàng trung ương toàn cầu nắm giữ trữ lượng vàng lớn.
Với bán lẻ, Hàn Quốc sản xuất phổ biến vàng 10 g, 50 g, 100 g, 500 g và 1 kg nhưng cũng có những "size" không phổ biến như 3,75 g, 18,75 g, 37,5 g, 112,5 g, 187,5 g và 375 g.
Ủy ban Dịch vụ tài chính (FSC) giám sát hầu hết giao dịch vàng tại Hàn Quốc. Ủy ban này có trách nhiệm chung với toàn bộ thị trường tài chính, bảo đảm mọi hoạt động công bằng, cởi mở và an toàn. FSC còn thiết lập các quy định chống rửa tiền (AML) và nhận biết khách hàng (KYC), cùng với những quy tắc khác đối với các nhà giao dịch vàng ở Hàn Quốc. Theo quy định, các đại lý vàng phải xác nhận danh tính khách hàng của mình và thông báo cho cơ quan chức năng về bất kỳ giao dịch đáng ngờ nào.
Chính phủ Hàn Quốc cũng đã ban hành Đạo luật kiểm soát kim loại quý, quản lý hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu và buôn bán kim loại quý, bao gồm cả vàng. Đạo luật này bổ sung cho các quy định của FSC.
Cụ thể, đạo luật quy định các đại lý vàng bắt buộc phải có giấy phép để hoạt động với thời hạn 3 năm, cơ quan cấp giấy phép này là Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng (MOTIE). Để được cấp giấy phép giao dịch vàng ở Hàn Quốc, các nhà giao dịch phải đáp ứng một số tiêu chí do MOTIE ban hành, gồm vốn điều lệ tối thiểu 435.000 USD, thiết lập các quy trình quản lý rủi ro và kiểm tra lý lịch. Sau khi được cấp phép, các nhà giao dịch vàng phải tuân thủ các quy định do FSC và Cơ quan Tiền tệ thiết lập, đồng thời chấp hành các đợt kiểm tra và kiểm toán định kỳ.

Một khách hàng mua vàng miếng bằng máy bán hàng tự động tại một cửa hàng tiện lợi ở Seoul - Hàn Quốc. Ảnh: GS Retail
Mở kênh giao dịch hợp pháp
Năm 2013, FSC ước tính có 110 tấn vàng được giao dịch mỗi năm ở Hàn Quốc, trong đó có tới 70 tấn được giao dịch bất hợp pháp - chiếm khoảng 63%. Chính vì vậy, năm 2014, nhằm hợp pháp hóa giao dịch vàng, sàn giao dịch vàng của Hàn Quốc đã chính thức mở kênh giao dịch vàng tại Sở Giao dịch Chứng khoán (KRX), theo trang BullionStar về kim loại quý (Singapore). KRX khi đó cho biết sàn giao dịch vàng được mở cửa với hình thức giống như thị trường chứng khoán với mục đích ngăn chặn giao dịch vàng bất hợp pháp và trốn thuế.
Sàn giao dịch vàng mở cửa đồng nghĩa với việc nhà đầu tư cá nhân có thể mua bán vàng 99,99% được niêm yết trên thị trường, loại chuẩn được dùng trong các giao dịch vàng quốc tế thông qua tài khoản chứng khoán và hợp đồng tương lai tại KRX. Các giao dịch vàng trên sàn được miễn thuế nhưng nếu muốn rút vàng đã mua, mức thuế GTGT được áp dụng là 10%. Vàng miếng đủ điều kiện giao dịch trên KRX phải được nhập khẩu hoặc sản xuất bởi các công ty do sở giao dịch này chỉ định và tuân thủ các tiêu chí nhất định.
KRX cũng sử dụng các dịch vụ của Tổng Công ty In ấn và bảo mật tiền tệ Hàn Quốc (KOMSCO) thuộc sở hữu của chính phủ để chứng nhận tiêu chuẩn, chất lượng vàng trên sàn giao dịch. Bên cạnh đó, song song với sàn giao dịch vàng, sự tồn tại của một loạt các nhà phân phối và bán buôn vàng tư nhân là minh chứng cho hoạt động mua bán vàng qua OTC phát triển mạnh mẽ tại quốc gia châu Á này.
Theo nhiều đánh giá, các quy định và yêu cầu cấp phép nghiêm ngặt của Hàn Quốc giúp mang lại niềm tin cho khách hàng và nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia giao dịch vàng. Nhờ đó, thị trường vàng tại Hàn Quốc trở nên ổn định và an toàn hơn, thu hút nhiều nhà đầu tư hơn.
Đáng chú ý, mới đây, chuỗi siêu thị tiện lợi lớn nhất Hàn Quốc là CU đã quyết định hợp tác cùng KOMSCO bán vàng cho người dân trong bối cảnh nhu cầu tăng cao. KOMSCO chịu trách nhiệm sản xuất và cung cấp vàng miếng cho CU, bảo đảm chất lượng và độ tinh khiết của sản phẩm. Không riêng CU, nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi khác cũng bắt đầu kinh doanh vàng, ví dụ tại GS25, khách hàng có thể mua vàng miếng từ máy bán hàng tự động.
Mỹ cũng bán vàng ở siêu thị
Chuỗi siêu thị Costco (Mỹ) kiếm bộn sau khi bắt đầu bán vàng miếng 1 ounce loại 24 karat vào cuối mùa hè năm ngoái. Theo đài CNBC, hoạt động bán vàng của Costco sôi động đến nỗi Ngân hàng Wells Fargo ước tính doanh thu bán vàng của chuỗi siêu thị đạt 100 - 200 triệu USD/tháng. Con số này nếu được xác nhận sẽ ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc về doanh số của một sản phẩm mới chỉ ra mắt vào tháng 8-2023.
Trên website của Costco, giá của sản phẩm vàng này không được công khai đối với những người không có thẻ thành viên. Nhưng theo ước tính, Costco bán vàng với giá cao hơn khoảng 2% so với giá vàng giao ngay, mỗi khách được mua tối đa 5 miếng vàng.
Theo tờ Wall Street Journal, vàng miếng của Costco có sức hút lớn đối với thế hệ millenials (sinh từ đầu thập niên 1980 đến giữa những năm 1990) hơn là với thế hệ trước.

Miếng vàng 1 ounce tại chuỗi siêu thị Costco - Mỹ. Ảnh: USA Today
Ở Mỹ, sở hữu vàng từng bị xem là phạm pháp vào khoảng năm 1933 - 1974. Tổng thống Mỹ khi đó là ông Franklin D. Roosevelt đã ra lệnh bắt buộc người dân giao nộp vàng cho chính phủ nhằm kiểm soát nền kinh tế trong thời kỳ đại suy thoái. Sau hơn 40 năm, đến năm 1974 - dưới thời Tổng thống Gerald Ford, việc sở hữu vàng mới được hợp pháp hóa trở lại.
Hiện nay, không có giới hạn cụ thể nào về số lượng vàng mà một người dân có thể sở hữu ở Mỹ nhưng họ phải khai báo nếu mua - bán số lượng lớn. Doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng như kim loại quý khác ở Mỹ phải báo cáo Sở Thuế vụ nếu giao dịch vàng trong một lần nhiều hơn 10.000 USD.
Thị trường vàng ở Mỹ được điều phối bởi hệ thống các cơ quan chính phủ và tổ chức tự quản, bao gồm: Sở Giao dịch Hàng hóa tương lai (CFTC) - nơi chịu trách nhiệm giám sát các sàn giao dịch hàng hóa, Sàn Giao dịch Vàng Comex, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch - nơi chịu trách nhiệm giám sát các quỹ tương hỗ và quỹ hoán đổi đầu tư vào vàng, Bộ Tài chính - cơ quan chịu trách nhiệm giám sát Cục Đúc tiền và Hiệp hội Giao dịch vàng quốc gia - tổ chức tự quản đại diện cho các nhà giao dịch vàng ở Mỹ.

Lạm phát khiến nhiều người tìm đến vàng như kênh trú ẩn cho tài sản. Ảnh: Reuters
Hoạt động giao dịch vàng tuân theo các quy định chặt chẽ về chính sách quản lý, đối tượng tham gia và kênh giao dịch. Hệ thống này nhằm bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả và an toàn cho thị trường vàng tại nền kinh tế số 1 thế giới.
Các sàn giao dịch vàng phải tuân thủ quy tắc về báo cáo giao dịch, thanh toán bù trừ và quản lý rủi ro. Bất kỳ ai cũng có thể mua - bán vàng ở Mỹ song cũng có một số hạn chế đối với việc bán vàng. Ví dụ, cá nhân không thể bán vàng cho nhiều người mua trừ khi họ đã đăng ký với CFTC. Bên cạnh đó, vàng có thể được giao dịch qua nhiều kênh khác nhau như Sàn Giao dịch Vàng Comex, một số quỹ tương hỗ đầu tư vào vàng, quỹ hoán đổi danh mục (ETF), các nhà bán lẻ như tiệm kim hoàn và nhà môi giới vàng.
Canada: Giao dịch vàng trên sàn chứng khoán
Thị trường vàng ở Canada được quản lý bởi nhiều cơ quan và quy định khác nhau nhằm bảo đảm tính minh bạch và an toàn cho các giao dịch.
Xưởng đúc tiền Hoàng gia (RCM) là cơ quan chính sản xuất, phân phối vàng tại Canada, chịu trách nhiệm tạo ra các đồng xu vàng, vàng miếng và các sản phẩm kim loại quý khác.
Trong khi đó, Cơ quan quản lý chứng khoán Canada (CSA) giám sát giao dịch vàng trên các sàn giao dịch chứng khoán, chẳng hạn trên Sở Giao dịch chứng khoán Toronto (TSX). Trung tâm Phân tích Giao dịch và Báo cáo tài chính Canada (FINTRAC) đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát các giao dịch tài chính nhằm ngăn chặn rửa tiền và tài trợ khủng bố, yêu cầu doanh nghiệp bán vàng phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt.
Tại Canada, vàng có thể được giao dịch trên các sàn chứng khoán, thông qua các quỹ ETF, hoặc mua bán tại các doanh nghiệp bán lẻ, ngân hàng và cửa hàng trang sức, cũng như trên các nền tảng trực tuyến như Kitco và GoldMoney.
Để được cấp phép bán vàng, doanh nghiệp cần phải đăng ký và có giấy phép theo quy định của tỉnh bang và liên bang, đồng thời tuân thủ các quy định về chống rửa tiền và báo cáo giao dịch lớn cho FINTRAC.
Ngoài ra, các giao dịch vàng phải tuân theo quy định về thuế. Theo Công ty giao dịch kim loại quý Silver Gold Bull, ở Canada, vàng nguyên chất, bạc và bạch kim (999+) được miễn thuế thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) của liên bang và thuế bán hàng của tỉnh bang (PST). Tuy nhiên, thuế GST cũng được áp dụng cho một số sản phẩm vàng nhất định.
