Những điều lưu ý khi nhuộm da nâu

Sở hữu làn da rám nắng đang là mơ ước của nhiều bạn gái trẻ. Xu hướng này bắt nguồn từ phương Tây với quan niệm màu da nâu là biểu trưng cho vẻ đẹp khỏe khoắn, ẩn chứa sức quyến rũ diệu kỳ và bí ẩn.

imgTuy nhiên, việc làm đẹp bằng cách “nhuộm da” cũng chứa nhiều nguy cơ cho sức khỏe của bạn

Trước đây, cách làm nâu da được áp dụng phổ biến nhất là phơi nắng càng nhiều càng tốt, nắng càng gắt da càng nhanh nâu. Thực tế, việc phơi nắng như vậy gây tổn hại cho da, chưa kể nếu phơi nắng không đúng cách, da chỉ loang lổ chứ không nâu đều như mong muốn.

Hiện nay, người ta làm nâu da bằng cách sử dụng kem làm rám da hoặc phấn nâu để trang điểm. Bác sĩ Huỳnh Khắc Cường, giảng viên Đại học Y Dược TPHCM, cho biết thành phần trong kem làm rám da là dihydroxyacetone 3% - 5% kết hợp với glycerin và dầu vô cơ để tạo một chất kem trắng sẽ làm chuyển màu lớp sừng sang màu vàng. Màu da nâu không tồn tại vĩnh viễn, sẽ mất đi khi lớp sừng bong tróc, nên phải dùng thuốc liên tục. Bất lợi của những loại thuốc này là “nhuộm màu” mọi vùng da có tiếp xúc với thuốc, kể cả lòng bàn tay nếu không được rửa sạch đi.

Kem làm nâu da cũng sẽ nhuộm sâu hơn vào lỗ chân lông, vào các loại da bị sừng hóa tuyến bã, sừng hóa do ánh sáng, sừng hóa dạng rỗ và da vẩy cá, làm nổi bật sự bất thường. Để tránh làn da có tông nâu không đều, hãy rửa sạch và tẩy da chết trước khi dùng sản phẩm làm nâu da. Tiếp theo, cẩn thận làm theo hướng dẫn trên sản phẩm và rửa sạch lòng bàn tay bằng xà phòng.

Viêm da dị ứng do tiếp xúc với sản phẩm làm nâu da ít khi xảy ra, tuy vậy cũng có nhiều trường hợp được ghi nhận do dị ứng với dihydroxyacetone. Kem làm nâu da không có chất chống nắng nên lời khuyên dành cho những người muốn nhuộm da là nên bôi kết hợp cả kem chống nắng, thoa đều đặn liên tục 2 giờ mỗi lần để hạn chế nguy cơ ung thư và lão hóa da.