Lan tỏa tinh thần yêu nước qua tác phẩm điện ảnh

Phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" là công trình điện ảnh được thực hiện để chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Ban Thường vụ Đoàn các cơ quan Đảng TP HCM vừa tổ chức chương trình sinh hoạt chính trị tháng 4 với chủ đề "Ký ức hoa lửa - Tự hào tiếp nối", phân công Đoàn cơ sở Báo Sài Gòn Giải Phóng thực hiện, diễn ra tại Galaxy Nguyễn Du (TP HCM).

Đưa nguyên mẫu nhân vật đến với khán giả

Tại chương trình, các đại biểu, đoàn viên, thanh niên đã được thưởng thức phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" và giao lưu cùng Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Tô Văn Đực cùng ông Hoàng Đôn Nhật Tân - nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Thành Đoàn, Phó Chủ nhiệm CLB Truyền thống Thành Đoàn TP HCM.

Lan tỏa tinh thần yêu nước qua tác phẩm điện ảnh- Ảnh 1.

Cảnh trong phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Anh hùng Tô Văn Đực từng hoạt động ở xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi; là nguyên mẫu nhân vật Tư Đạp trong "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối", do diễn viên Quang Tuấn thể hiện. Trong khi đó, ông Hoàng Đôn Nhật Tân cũng từng chiến đấu ở địa đạo xã Nhuận Đức năm 1973. Tuy nhiên, cả hai lúc ấy không biết nhau vì thời điểm chiến đấu, đơn vị nào cũng giữ bí mật địa điểm.

Lan tỏa tinh thần yêu nước qua tác phẩm điện ảnh- Ảnh 2.

Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Tô Văn Đực (bìa phải) và ông Hoàng Đôn Nhật Tân - nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Thành Đoàn, Phó Chủ nhiệm CLB Truyền thống Thành Đoàn TP HCM - giao lưu trong chương trình “Ký ức hoa lửa - Tự hào tiếp nối” (Ảnh: MINH KHUÊ)

Trong buổi giao lưu, Anh hùng Tô Văn Đực cho hay ông rất bất ngờ với phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối". Ông nhớ lại: "Ban đầu, khi đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đến hỏi về chuyện du kích chiến đấu ở địa đạo Củ Chi, tôi cứ nghĩ là để viết bài. Mười năm sau, đạo diễn lại đến hỏi kỹ hơn và cho biết sẽ làm phim. Không chỉ bất ngờ vì phim nói về địa đạo Củ Chi, tôi còn bất ngờ khi tác phẩm này đã thu được cả trăm tỉ đồng doanh thu phòng vé".

Theo ông Tô Văn Đực, phim của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chỉ thể hiện khoảng 70% những gian khổ và bi tráng trong cuộc chiến đấu tại địa đạo Củ Chi. Phim chỉ khắc họa một góc nhìn nhỏ, gói gọn trong một trận đánh. Thực tế, trong một thời gian dài, các chiến sĩ du kích bám lấy địa đạo này để chiến đấu và sinh tồn trong điều kiện rất khắc nghiệt.

Ông Hoàng Đôn Nhật Tân cũng bày tỏ sự ngỡ ngàng khi Việt Nam làm được một phim chiến tranh hay như "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối". Theo ông, nhiều đoạn trong phim hay và hấp dẫn "như trong tác phẩm đoạt giải Oscar".

"Tôi xúc động về trí tuệ người dân Việt được thể hiện trong phim. Cảnh nhân vật Tư Đạp "chọc" máy bay Mỹ để lấy ve chai là có thật ngoài đời. Tôi sống trong vùng giải phóng nên biết nhiều người nhặt ve chai để bán cho các cơ sở làm nồi đồng, thau nhôm ở Chợ Lớn, họ mang cả xe bò vào mua. Du kích Củ Chi đã biến vũ khí cao cấp, siêu hạng của Mỹ thành ve chai" - ông Hoàng Đôn Nhật Tân thích thú.

Nhận xét thêm về "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối", ông Tô Văn Đực cho rằng về mặt nhiệm vụ thì đúng, song phim hư cấu nhiều tình tiết. Tuyến tình cảm trong phim cũng hư cấu hoàn toàn.

"Quang Tuấn hóa thân nhân vật Tư Đạp được khoảng 50% - 60%. Diễn viên này rất chịu khó, tìm gặp tôi nhiều lần hỏi chuyện, mượn đồ nghề của tôi đến phim trường để đóng các cảnh quay. Nếu chỉ xét về trận đánh trong phim thì nhân vật này giống khoảng 80% nguyên mẫu nhưng về tổng thể cuộc chiến thì chỉ khoảng 10%. Tôi chiến đấu từ năm 1960 đến 1970, còn phim thì chỉ kể lại một trận đánh, khó mà làm hơn được" - ông đánh giá.

Công trình xứng tầm

"Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" ra rạp từ đầu tháng 4-2025, đã và đang tạo được độ lan tỏa tích cực, xứng tầm là công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025) của Hội Điện ảnh TP HCM.

Qua các chương trình giao lưu sau khi phim chính thức ra rạp, ê-kíp thực hiện đã đưa nhiều nguyên mẫu nhân vật trong "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" đến gần khán giả hơn. Từ đó, những thông điệp về tình yêu đất nước, tinh thần nỗ lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng dâng cao. Nhiều ban ngành, đoàn thể cũng đã tổ chức những buổi chiếu phim đặc biệt, phối hợp giao lưu với các thành viên đoàn phim cùng nguyên mẫu nhân vật Tư Đạp - Anh hùng Tô Văn Đực.

"Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" đã thu hút nhiều khán giả trẻ, giúp họ hiểu hơn về chiến tranh, về những gian khổ của thế hệ đi trước để đất nước ta được thống nhất, độc lập, hòa bình như hôm nay. Việc được gặp gỡ, giao lưu với những nguyên mẫu nhân vật trong phim mang đến nhiều điều thú vị, cảm xúc cho khán giả trẻ.

Phạm Thị Cẩm Giang, sinh viên Khoa Báo chí Truyền thông Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, cho hay cô đã xem "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" 3 lần. Dõi theo từng nhịp thở của các chiến sĩ, từng bước chân, từng hạt cát rơi..., cô cảm nhận như mình thật sự đang ở trong địa đạo, cùng chiến đấu với họ.

"Phim tuy chưa thể diễn tả hết được sự khốc liệt của chiến tranh nhưng qua tác phẩm này, tôi tin giới trẻ sẽ hiểu thêm phần nào về chiến tranh, về giá trị của hòa bình, thống nhất. Mong rằng điện ảnh Việt Nam ngày càng có nhiều tác phẩm về lịch sử chất lượng như thế" - Cẩm Giang trải lòng.

Trong khi đó, khán giả Lê Hồng Ân (quận 8, TP HCM) bày tỏ: "Tôi xúc động và ngưỡng mộ tinh thần chiến đấu kiên cường, quả cảm của các chiến sĩ du kích năm xưa. Được sống trong thời bình, lớp trẻ chúng tôi càng ý thức được việc phải cố gắng phấn đấu lao động, học tập để đóng góp phần nào vào sự phát triển của đất nước". 

Nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy - Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật TP HCM, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP HCM - nhận xét phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" đã tạo sức hút mạnh mẽ đối với công chúng. Theo bà, hình ảnh đội du kích 21 người do Bảy Theo chỉ huy tại căn cứ Bình An Đông đã trở thành hình tượng nghệ thuật tuyệt đẹp, cuốn hút người xem, tạo nên dấu ấn cho công trình điện ảnh chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.