Làng "cô đơn" bên cửa biển Cửa Lở
Ở làng "cô đơn" chỉ có tiếng sóng vỗ rì rào, xung quanh được bao bọc bởi những nhánh sông uốn lượn, chẳng khác gì ốc đảo
Không có tiếng ồn ào, rộn ràng, tấp nập xe cộ..., ở làng "cô đơn" chỉ có tiếng sóng vỗ rì rào, xung quanh được bao bọc bởi những nhánh sông uốn lượn, chẳng khác gì ốc đảo
Nằm nép mình bên cửa biển Cửa Lở thuộc thôn Tân Mỹ, xã An Phú, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi (cũ) có một ngôi làng nhỏ, người dân xung quanh gọi làng "cô đơn" - cái tên nghe buồn nhưng bên trong lại chất chứa sức sống mãnh liệt, một tinh thần đoàn kết của cộng đồng người dân nơi đây trong hành trình chống chọi sự khắc nghiệt của thiên nhiên, để cùng giúp nhau phát triển kinh tế.
Làng giữa bốn bề sông nước
Ngôi làng nhỏ chỉ khoảng 8 ha, với gần 30 hộ dân sinh sống nhưng gần 5 ha đã là ao hồ nuôi trồng thủy sản, phần còn lại là những tán cây, rặng dừa xanh thẳm... Nhìn từ trên cao, làng nằm trên một cồn đất biệt lập, giữa vùng nước chẻ hai mặn - lợ như một ốc đảo giữa lòng sông. Chính sự tách biệt này khiến người ta gọi nơi đây là làng "cô đơn".
Thế nhưng, nếu ai từng đến, từng sống hoặc đơn giản là từng ngồi lại bên chiếc võng trong sân một ngôi nhà nào đó, tìm hiểu cuộc sống của người dân thì sẽ hiểu người dân ở đây luôn dựa vào nhau để giữ làng, giữ đất, cùng nhau phát triển kinh tế.
Ông Võ Văn Hoàng - một người dân ở làng "cô đơn" - cho biết trước giải phóng, nơi đây gọi là xóm Lươn vì xung quanh có rất nhiều con lươn sinh sống. Còn làng "cô đơn" chỉ là tên gọi vui của giới trẻ và người nơi khác đặt ra vì thấy làng nằm chơi vơi giữa sông nước.
Vì nằm cuối nguồn của 2 con sông lớn (Trà Khúc và Phước Giang), giáp cửa biển nên vùng đất Nghĩa An (cũ) rất hiếm đất xây nhà, trong khi người dân rất đông nên "tấc đất tấc vàng". Bởi vậy, việc tìm được vị trí đất để xây nhà ở "phố biển" Nghĩa An vô cùng khó khăn, đắt đỏ.
Bà Võ Thị Cảnh - một trong những người trải qua hàng chục trận bão lũ ở làng "cô đơn" - kể chính căn nhà bà đang ở đã bị bão, lũ cuốn trôi nhiều lần. "Để ngăn bão, mình trồng cây; còn ngăn lũ thì phải gánh đất từ các gò khác về đắp nền nhà cho cao lên. Thời đó, cha mẹ tôi cứ hằng ngày đi làm trên sông nước, lúc rảnh là gánh đất về đắp nền nhà, chống lũ" - bà Cảnh nhớ lại.
Qua rất nhiều trận bão, lũ lụt kinh hoàng, người dân nơi đây mỗi năm lại làm "dày" cho làng bằng cách trồng thêm nhiều cây ráng, cây dừa và đắp cao nền đất. Bởi vậy, làng "cô đơn" bây giờ được bao bọc bởi những vườn dừa cao vút, tán lá xòe mát rượi. Các bờ hồ được người dân trồng dừa xiêm, dừa nước, đặc biệt là giữ lại những bụi cây ráng - loài cây mọc ven lạch nước mặn luôn tươi tốt.
Người dân cũng đặt ra quy ước cộng đồng - không được phá ráng, không được chặt dừa bừa bãi. "Nhờ vậy, vài chục năm gần đây, làng đã ổn định, không còn bị thiệt hại nặng do gió bão, lũ lụt như trước. Thế hệ trẻ chúng tôi cũng sẽ luôn cố gắng gìn giữ giá trị này" - ông Nguyễn Thành Trung, một người ở làng, nói.

Cuộc sống bình lặng bên những hàng dừa của người dân ở làng “cô đơn”
Giúp nhau làm giàu
Không chỉ đoàn kết trong việc giữ làng, chống chọi với bão tố, lũ lụt, người dân làng "cô đơn" còn giúp nhau làm kinh tế, vươn lên làm giàu. Một trong những ngành nghề chính đem lại nguồn kinh tế cho người dân là nuôi tôm, nuôi cua.
Ông Võ Văn Thuật, một trong những người đầu tiên đưa nghề nuôi tôm sú về đây, nhớ lại những năm 1980 - 1990, đi từ đầu làng đến cuối làng, đâu đâu cũng là lúa và lác.
Làng biệt lập với đất liền, người dân thu hoạch lúa rồi chèo ghe chở đi bán dọc sông lên tận Nghĩa Hòa (cũ), sang tới Đức Lợi (cũ) mà vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Rồi dần dần khi nước mặn ngày càng lấn sâu vào cửa sông, cũng là lúc người dân không còn canh tác lúa được nữa.
"Giữa cái khó, chúng tôi đã ló ra sáng kiến tận dụng thủy triều dâng để lấy nước mặn vào ao nuôi tôm sú. Sự mạnh dạn đó đã giúp cuộc sống người dân trong làng khấm khá hơn. Đời sống người dân cũng đổi thay từ đó" - ông Thuật kể, giọng không giấu nổi sự tự hào.
Gần 3 thập niên đã trôi qua kể từ ngày con tôm sú đầu tiên bén rễ ở làng "cô đơn", người dân nơi đây vẫn không ngừng đổi mới. Khi tôm gặp dịch bệnh, nguồn nước ô nhiễm, họ lại nghĩ cách nuôi cua xanh, cá đối cồi - những loài thủy sản thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt hơn.
Ông Võ Bàn, một người dân trong làng, hồ hởi nói: "Nuôi cua không cần chi phí thức ăn công nghiệp cao. Mình tận dụng cá vụn, nuôi theo hướng sinh thái, vừa ít tốn kém, lại ít bệnh. Còn cá đối cồi thì nhà ông Bốn Đó nuôi 2 vụ trúng lớn, giờ chia sẻ kinh nghiệm cho cả làng cùng làm. Ở đây, không ai giấu nghề. Người dân sống với nhau bằng tình làng nghĩa xóm, đoàn kết và sẻ chia, cả làng như một đại gia đình".
Sự bình yên và độc đáo của làng "cô đơn" không chỉ thu hút người dân lân cận mà còn lọt vào "mắt xanh" của du khách. Những bức ảnh flycam chụp cảnh làng từ trên cao - một ốc đảo xanh giữa mênh mông nước - được chia sẻ trên mạng xã hội, khiến nhiều người trẻ tìm đến tham quan và trải nghiệm.
Người làng không làm du lịch chuyên nghiệp nhưng lại làm bằng tấm lòng. Khách đến, ai cũng được mời uống nước dừa, được hướng dẫn vớt tôm, cua, được nghe kể chuyện giống lúa nước mặn cho hạt gạo đỏ, về ghe chở lác ngược sông thuở nào…
Bà Phạm Thị Công, Chủ tịch UBND xã An Phú, cho biết thôn Tân Mỹ là một trong những nơi tiên phong ở Nghĩa An (cũ) phát triển kinh tế bằng nghề nuôi trồng thủy sản. Dù là làng nhỏ nhưng nhờ những bước đi tiên phong này, nghề nuôi trồng thủy sản ở Nghĩa An mới phát triển mạnh, đem lại thu nhập khấm khá cho rất nhiều hộ gia đình.
Từ chỗ bị cô lập bởi sông nước, làng nay đã trở thành hình mẫu nông thôn mới - nơi người dân thể hiện tính cộng đồng gắn kết, cùng chống chọi với thiên tai và giúp nhau làm giàu bền vững, giữ gìn môi trường tự nhiên.

Không những đoàn kết chống chọi với bão lũ, người dân làng “cô đơn” còn giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu nhờ mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản
