Lòng tốt luôn ở quanh ta
Trong cuộc sống bộn bề lo toan, những câu chuyện về lòng tử tế luôn là ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn và lan tỏa năng lượng tích cực
Sự tử tế trong guồng quay hối hả của cuộc sống không chỉ là những hành động lớn lao mà đôi khi là sự quan tâm, sẻ chia với những cảnh đời kém may mắn.
Gánh bánh mì yêu thương
Cụ Nguyễn Thị Ngang (phường Phú An, TP HCM) được nhiều người trìu mến gọi với cái tên thân thương "ngoại Sáu". Gần 40 năm qua, với gánh bánh mì chỉ từ 2.000 - 7.000 đồng/ổ nhưng vẫn đầy đặn nhân như bì, thịt, xíu mại, dưa leo, rau... ngoại Sáu đã giúp hàng ngàn người ấm bụng trong lúc khó khăn.
Mỗi ngày, cụ Ngang thức dậy sớm để chuẩn bị nguyên liệu và bắt đầu bán hàng từ khoảng 4 giờ sáng. Gánh bánh mì của cụ thường hết sạch chỉ sau 1 - 2 giờ.

Cụ Nguyễn Thị Ngang chuẩn bị nguyên liệu cho gánh bánh mì 2.000 đồng/ổ
Tò mò về gánh bánh mì của ngoại Sáu, tờ mờ sáng, tôi tìm đến góc đường Nguyễn Chí Thanh, đoạn đầu dốc suối Cạn (phường Phú An). Hình ảnh cụ già 90 tuổi cặm cụi phục vụ khách khiến tôi ấn tượng. Khách của cụ Ngang chủ yếu là người bán vé số, phụ hồ, công nhân nghèo.
Khi một anh phụ hồ hỏi mua ổ bánh mì không nhân, giá bán 2.000 đồng, cụ Ngang lẳng lặng nhét thêm ít rau, thịt cho anh. Người này vì ngại nên đã đưa thêm tiền, nhưng cụ nhất quyết không lấy. Anh Thạch Tư, một lao động tự do ở trọ gần nơi cụ Ngang bán bánh mì, kể: "Cụ thương người lắm, ai khó khăn là cụ giúp đỡ. Lúc tôi bị bệnh, không thể đi làm, sáng nào cụ cũng để dành cho tôi 1 ổ bánh mì. Cụ bảo khi nào có tiền thì trả cũng được".
Chia sẻ về lý do bán bánh mì với giá "siêu rẻ", cụ Ngang cho biết chỉ muốn giúp đỡ những người lao động nghèo, công nhân, học sinh có một bữa sáng no bụng. "Ngoại giờ ăn có bao nhiêu nữa đâu, ở nhà thì buồn tay buồn chân, nên làm được việc gì có ích thì làm thôi. Được gặp mọi người là ngoại cảm thấy vui lắm rồi. Mấy đứa con lúc trước hay cản ngoại đi bán vì lo cho sức khỏe của ngoại, nhưng sau thì không nói gì nữa. Mỗi sáng tụi nó vẫn chở ngoại đến chỗ bán rồi mới đi làm" - cụ Ngang hóm hỉnh.
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, dù các con cụ đều đã ổn định và không muốn cụ phải vất vả nhưng cụ vẫn kiên trì với gánh bánh mì của mình, coi đó là niềm vui và thói quen đã gắn bó suốt hàng chục năm qua.
Bếp ăn 0 đồng
Tôi nhớ mãi, hồi tháng 4-2025, ba mẹ tôi ở quê vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương để chữa bệnh. Ba thì phải phẫu thuật còn mẹ chỉ điều trị bằng thuốc, 2 ông bà được chỉ định ở lại bệnh viện 4 ngày để theo dõi sức khỏe. Mỗi ngày, tôi có nhiệm vụ cơm nước phục vụ ba mẹ.
Một lần đi công tác xa về không kịp, đang lo lắng không biết sẽ lo cơm nước của ba mẹ như thế nào, thì mẹ tôi gọi điện giọng đầy phấn khởi "Con cứ làm việc đi, ba mẹ ăn cơm từ thiện rồi!". Hóa ra phần ăn miễn phí của ba mẹ tôi do Bếp ăn từ thiện Thiện Hòa cung cấp.

Bếp ăn từ thiện Thiện Hòa phục vụ bệnh nhân miễn phí
Mỗi ngày, từ 5 giờ 30 phút đến 6 giờ 30 phút, bếp bắt đầu phục vụ ăn sáng; tiếp đó buổi trưa sẽ phục vụ từ 10 - 11 giờ và từ 15 giờ 30 phút đến 16 giờ 30 phút phục vụ cơm chiều. Ngoài ra, bếp còn phục vụ nước sôi 24/24 giờ cho tất cả những ai có nhu cầu.
Một nhân viên của bếp ăn này chia sẻ, trung bình mỗi ngày phục vụ khoảng 2.000 suất ăn chay miễn phí. Tình nguyện viên phục vụ bếp khoảng 200 người, được chia ca làm việc (mỗi ca có khoảng 15 người phục vụ trong thời gian khoảng 1 tháng, sau đó sẽ đổi ca)..
Trong 15 năm qua, Bếp ăn từ thiện Thiện Hòa đã trở thành địa chỉ quen thuộc, là nơi trao gửi yêu thương, sẻ chia phần nào khó khăn với những hoàn cảnh kém may mắn trong xã hội, động viên người bệnh khó khăn yên tâm hơn trong quá trình điều trị. Tấm lòng của người sáng lập, phục vụ tại bếp ăn này vẫn đang tiếp tục lan tỏa yêu thương, kết nối nhiều người làm thiện nguyện, cùng chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái.