Lúng túng chi trả nguồn thu từ ERPA
Dù đã được phân bổ nguồn thu từ thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) nhưng nhiều chủ rừng ở tỉnh Quảng Trị vẫn còn rất lúng túng trong việc triển khai thực hiện, thậm chí có đơn vị xin trả lại số tiền đã nhận
Cuối năm 2023, tỉnh Quảng Trị có hơn 126.000 ha rừng tự nhiên được chi trả trên 51 tỉ đồng từ nguồn thu ERPA. Theo quyết định phê duyệt tài chính của UBND tỉnh này, từ nguồn thu trên, trong năm 2023 sẽ chi trả khoảng 17,9 tỉ đồng và 2 năm tiếp theo là gần 33,2 tỉ đồng cho các đối tượng hưởng lợi.
Chủ rừng lúng túng
Ông Trần Xuân Dưỡng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Trị, cho biết cuối năm 2023, đơn vị đã giải ngân hơn 16 tỉ đồng từ nguồn thu ERPA cho các chủ rừng, UBND các xã và các tổ chức khác được nhà nước giao quản lý rừng tự nhiên. Hình thức chi trả thông qua tài khoản ngân hàng đã mở trước đó theo đúng quy định.
Theo ông Dưỡng, tổng diện tích rừng tự nhiên được chi trả năm 2023 theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt là 126.692,4 ha. Số chủ rừng được chi trả là 787, trong đó có 8 tổ chức, 1 UBND huyện (huyện đảo Cồn Cỏ), 62 UBND xã, 96 cộng đồng dân cư, nhóm hộ gia đình và 620 hộ gia đình.

Tỉnh Quảng Trị có hơn 126.000 ha rừng tự nhiên được chi trả nguồn thu từ ERPA
Theo tìm hiểu của phóng viên, dù đã nhận được tiền từ nguồn thu ERPA nhưng đến nay nhiều chủ rừng là tổ chức được nhà nước giao quản lý rừng tự nhiên ở tỉnh này vẫn chưa triển khai chi trả. Lý do các chủ rừng đưa ra là văn bản hướng dẫn của cấp trên chưa cụ thể, rõ ràng dẫn đến lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch chi trả.
Theo Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông, trong số gần 35.000 ha rừng được chi trả ERPA, có gần 4.000 ha rừng (theo phương án chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được UBND tỉnh phê duyệt) do lực lượng của đơn vị tự bảo vệ. Trong khi đó, đối tượng hưởng lợi theo Nghị định 107/2022/NĐ-CP ngày 28-12-2022 của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng giảm phát thải và quản lý tài chính ERPA là cộng đồng dân cư nhận khoán bảo vệ rừng tự nhiên.
"Việc thực hiện chính sách này không đáp ứng nhu cầu và không bảo đảm hiệu quả cho diện tích rừng tự bảo vệ của các đơn vị chủ rừng. Vì vậy, đối với diện tích rừng tự bảo vệ, chúng tôi mong rằng nên có cơ chế cho đơn vị chủ rừng chủ động bố trí kinh phí từ nguồn thu ERPA để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ" - vị này kiến nghị.
Trong khi đó, ông Hoàng Ngọc Thành, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải, cho biết cuối năm 2023, công ty đã nhận được số tiền hơn 211 triệu đồng từ nguồn thu ERPA. Vừa qua, đơn vị đã có công văn gửi Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Quảng Trị xin hoàn trả số tiền đã nhận từ nguồn thu ERPA. Lý do công ty này đưa ra là gặp nhiều khó khăn, chồng chéo trong công tác quản lý khi triển khai nguồn thu từ ERPA.
Theo ông Thành, hiện công ty đang rất lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch chi trả từ nguồn thu ERPA. Theo kế hoạch ban đầu, sắp tới dự kiến sau khi trả lại một số diện tích rừng, công ty sẽ giữ lại khoảng 400 ha rừng tự nhiên. Điều đáng nói là phần lớn diện tích rừng này đều nằm rất xa khu dân cư, nên rất khó giao khoán cho cộng đồng dân cư bảo vệ.
Cần hướng dẫn cụ thể
Từ những khó khăn trên, ông Thành kiến nghị cần có phương án không nhất thiết chi cho cộng đồng dân cư mà sử dụng số tiền từ nguồn thu ERPA để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng. "Sau này, hồ sơ, chứng từ, các hoạt động khi kiểm tra, giám sát chúng tôi sẽ thực hiện bảo đảm và sử dụng nguồn tiền này đúng mục đích để bảo vệ rừng. Chúng tôi rất mong cấp trên có hướng dẫn cụ thể để thực hiện kịp thời, hiệu quả" - ông Thành nói.

Lực lượng bảo vệ rừng thực hiện hoạt động tuần tra bảo vệ rừng ở tỉnh Quảng Trị
Ông Phan Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Trị, thừa nhận vì việc chi trả nguồn thu từ ERPA còn mới, lần đầu thực hiện, thời gian giải ngân vào dịp cuối năm nên nhiều chủ rừng còn lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch chi trả. Thời gian qua, Sở NN-PTNT tỉnh đã nhận được nhiều câu hỏi các chủ rừng với mục đích để việc chi trả nguồn thu này kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định.
Vì thế, đơn vị đã báo cáo và đề nghị Bộ NN-PTNT có văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện. Sau đó, theo nhiệm vụ được giao, Cục Lâm nghiệp đã có văn bản hướng dẫn thực hiện chi trả ERPA, trong đó phần lớn các câu hỏi của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị đặt ra đã được giải đáp. Tuy nhiên, một số điểm vẫn còn chung chung, chưa rõ ràng.
Trong thời gian tới, theo ông Phước, đơn vị sẽ tiếp tục ghi nhận kiến nghị của các chủ rừng liên quan. Trên cơ sở nghị định và sổ tay hướng dẫn, Sở NN-PTNT tỉnh sẽ nghiên cứu và trường hợp đủ thẩm quyền sẽ chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Đối với trường hợp vượt thẩm quyền, sẽ báo cáo UBND tỉnh, Bộ NN-PTNT sớm có hướng dẫn, xử lý.
ERPA được ký vào ngày 22-10-2020 giữa Bộ NN-PTNT và Ngân hàng Thế giới với tư cách là bên được ủy thác của Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp (FCPF). ERPA nhằm chuyển nhượng lượng giảm phát thải (GPT) 10,3 triệu tấn carbon dioxide (CO2) ở 6 tỉnh Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018 - 2024 cho FCPF với đơn giá 5 USD/tấn CO2, tương đương 51,5 triệu USD.
Nguồn thu từ ERPA sẽ góp phần tăng thêm thu nhập cho các chủ rừng, đặc biệt là cộng đồng dân cư, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Từ đó, giúp người dân ngày càng nhận biết tầm quan trọng của rừng và tham gia quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả hơn.
