Lương ổn định, nhiều người vẫn cạn tiền cuối tháng mà không biết vì sao
(NLĐO) - Dù lương ổn định, nhiều người vẫn hết sạch tiền cuối tháng, không phải vì tiêu xài xa xỉ mà do những thói quen chi tiêu nhỏ nhặt nhưng dai dẳng.
Thực tế, chính những thói quen tiêu dùng nhỏ nhặt hằng ngày, tưởng chừng vô hại, lại là thủ phạm khiến ví mãi không dày. Đến tuổi 40, nhiều người mới ngỡ ngàng nhận ra: mình đã "đốt tiền" mỗi ngày mà không hề hay biết.
Hiệu ứng latte
Một trong những thủ phạm điển hình chính là cà phê và trà sữa. Một ly cà phê 50.000 đồng hay cốc trà sữa 40.000 đồng có vẻ chẳng đáng bao nhiêu. Nhưng nếu mỗi ngày đều mua, bạn đang chi hơn 1,2 triệu đồng mỗi tháng, tương đương gần 15 triệu đồng mỗi năm.
Đây được gọi là "hiệu ứng latte" – khái niệm do các chuyên gia tài chính đặt ra để chỉ những khoản chi nhỏ lẻ nhưng lặp lại, âm thầm rút cạn túi tiền. Chúng không sai nhưng nếu thiếu kiểm soát, chúng sẽ trở thành những kẻ "đào ví" chuyên nghiệp.

Nhiều người mở TikTok, Facebook chỉ để giết thời gian nhưng lại bị cuốn vào các buổi livestream bán hàng
Sa đà vào hộp mù
Cũng trong nhóm thói quen "nhỏ mà nguy hiểm" là việc sa đà vào hộp mù, những món đồ không biết trước nội dung, đánh vào sự tò mò và cảm xúc. Hộp mù có giá chỉ vài chục nghìn đồng, nhưng cảm giác hồi hộp, kỳ vọng và mong muốn "săn đồ hiếm" khiến nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, dễ dàng lặp lại hành vi mua sắm một cách vô thức. Kết quả là một đống đồ không dùng đến và một khoản tiền chẳng hề nhỏ đã ra đi trong im lặng.
Hiểm hoạ từ các gói dịch vụ online
Thói quen thứ ba không thể không nhắc đến là việc mở quá nhiều gói dịch vụ online, từ nghe nhạc, xem phim đến lưu trữ dữ liệu. Nhiều ứng dụng chỉ có giá vài ngàn đến vài chục ngàn mỗi tháng, khiến người dùng dễ dàng đăng ký. Nhưng sau đó, không ít người quên rằng mình đã từng bấm "đồng ý", để rồi mỗi tháng bị trừ tiền một cách âm thầm. Khi cộng dồn, số tiền này không hề nhỏ. Do vậy, trước mỗi lần gia hạn, bạn nên tự hỏi: "mình có thực sự dùng tới không?"
Bẫy tài chính từ các thẻ hội viên
Không chỉ dừng lại ở các nền tảng số, những chiếc thẻ hội viên cũng là một cái bẫy tài chính ngọt ngào. Từ thẻ làm tóc, spa, gym đến các cửa hàng tiện lợi, chiêu khuyến mãi như "nạp 500.000 đồng được dùng 700.000 đồng" khiến nhiều người dễ dàng móc ví. Nhưng nếu không quay lại đúng lịch, không tận dụng hết giá trị, số tiền kia coi như đã... bốc hơi. Người tiêu dùng bị "trói" vào cam kết chi tiêu, từ đó dễ rơi vào vòng xoáy mua sắm không cần thiết chỉ để "không uổng thẻ".
Livestream bán hàng - kẻ đốt tiền thầm lặng
Và cuối cùng, một "kẻ rút ví" thầm lặng khác chính là... livestream bán hàng. Nhiều người mở TikTok, Facebook chỉ để giết thời gian nhưng lại bị cuốn vào các buổi livestream bán son, nồi chiên, đồ dưỡng da, đồ gia dụng… Họ nói "chỉ còn vài chiếc", "chỉ sale 1 tiếng". Bạn click mua trong vô thức dù thực tế chẳng thật sự cần. Môi trường livestream kích thích hành vi mua sắm cảm xúc, nơi lý trí dễ bị lấn át, và tiền ra đi theo những cú click tưởng chừng vô thưởng vô phạt.
Tất nhiên, không ai nói bạn phải bỏ hoàn toàn mọi thú vui nhỏ trong đời sống. Nhưng vấn đề nằm ở việc tiêu tiền có chủ đích hay tiêu tiền theo cảm xúc.
Tập thói quen trì hoãn tiêu dùng
Theo các chuyên gia tài chính cá nhân, để kiểm soát chi tiêu hiệu quả, bạn nên bắt đầu bằng việc lập ngân sách cá nhân hằng tháng. Hãy chia thu nhập thành các nhóm rõ ràng: thiết yếu (ăn uống, đi lại, hóa đơn), tiết kiệm, và chi tiêu linh hoạt (giải trí, mua sắm). Theo dõi sát sao từng khoản chi, có thể dùng app tài chính hoặc ghi chép thủ công để nắm rõ dòng tiền vào-ra. Ưu tiên nguyên tắc 50-30-20: 50% cho nhu cầu thiết yếu, 30% cho mong muốn cá nhân, 20% để tiết kiệm hoặc đầu tư.
Ngoài ra, hãy rèn luyện thói quen trì hoãn tiêu dùng. Khi muốn mua món gì, hãy để đó, sau 24 giờ nếu bạn vẫn thấy cần, hãy cân nhắc tiếp. Đừng quên trích ra một khoản "quỹ dự phòng" mỗi tháng cho các tình huống bất ngờ. Quản lý tài chính không phải là cắt bỏ mọi thú vui mà là tiêu tiền một cách có mục đích, để bạn không chỉ sống hôm nay mà còn an tâm cho ngày mai.