Ly kỳ đánh cắp bí mật công nghệ: Vụ việc chấn động Hàn Quốc
(NLĐO) - Năm 2023, Hàn Quốc ghi nhận 23 vụ đánh cắp công nghệ quan trọng trong các ngành: bán dẫn, màn hình, pin sạc, ô tô... cao nhất kể từ năm 2019.
Hai cựu quan chức của hãng Samsung Electronics (Hàn Quốc) gần đây bị bắt vì cáo buộc đánh cắp công nghệ bán dẫn để giúp xây dựng một nhà máy chip nhái ở Trung Quốc. Cảnh sát Hàn Quốc hôm 10-9 cho biết vụ việc đã được chuyển giao cho viện kiểm sát để xem xét truy tố.
Samsung thiệt hại nặng
Theo Cơ quan Cảnh sát thủ đô Seoul (SMPA), hai người nói trên gồm một người họ Choi, 66 tuổi, Giám đốc điều hành Công ty Chengdu Gaozhen (CHJS) và một người họ Oh, 60 tuổi, Giám đốc thiết kế quy trình của công ty Trung Quốc này.
Dù cảnh sát không công bố danh tính đầy đủ nhưng truyền thông đưa tin ông Choi nói trên là Choi Jin-seok, từng là quan chức điều hành tại Samsung Electronics và Hynix Semiconductor (giờ là SK Hynix). Trong khi đó, ông Oh có thời gian làm nhà nghiên cứu cấp cao tại Samsung Electronics.
Được xem là ngôi sao trong ngành công nghiệp chip Hàn Quốc, ông Choi bị cáo buộc đã rò rỉ và sử dụng sai trái công nghệ bán dẫn bộ nhớ lõi của Samsung sau khi tuyển dụng một số lượng lớn chuyên gia chip Hàn Quốc, trong đó có ông Oh.

Ông Choi Jin-seok. Nguồn: Chengdu Gaozhen
Theo tờ Financial Times, ông Choi Jin-seok bắt đầu làm việc tại Samsung Electronics từ năm 1984 - năm nhà máy chip nhớ đầu tiên của công ty đi vào hoạt động. Ông giữ chức phó chủ tịch và điều hành bộ phận công nghệ xử lý của Samsung cho đến năm 2001 rồi chuyển sang Hynix trước khi rời Hynix vào năm 2010.
Đến tháng 9-2020, ông Choi thành lập CHJS - một công ty bán dẫn liên doanh với chính quyền địa phương ở TP Thành Đô - Trung Quốc. Chính quyền này góp vốn 342 triệu USD trong khi ông Choi tuyển mộ ông Oh cùng khoảng 200 kỹ sư Hàn Quốc khác để vận hành nhà máy.
Hai ông Choi và Oh bị cáo buộc đánh cắp công nghệ của Samsung với mục tiêu sản xuất chip DRAM 20 nanomet. CHJS được cho là đã sản xuất sản phẩm cơ bản vào tháng 4-2022 nhưng hiện đã ngưng hoạt động. Ông Choi tiết lộ CHJS ban đầu thuê các kỹ sư Hàn Quốc trong 2-3 năm trước khi rút lại các phúc lợi đã hứa và sa thải họ.

Trụ sở hãng Samsung Electronics tại TP Suwon - Hàn Quốc. Ảnh: Reuters
Cũng theo ông Cho Kwang-hyun, đây là vấn đề đe dọa an ninh kinh tế của Hàn Quốc, đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến chip toàn cầu đang diễn ra giữa Mỹ cùng các đồng minh và Trung Quốc.
Cảnh sát vẫn đang điều tra xem liệu có thêm vụ đánh cắp công nghệ nào khác liên quan đến những cựu nhân viên Samsung từng làm việc cho CHJS hay không.
Phạt cao gấp 10 lần lợi nhuận?
Theo tiết lộ của Reuters, ông Choi bị bắt vào tháng 5-2023 sau khi từ Trung Quốc về Hàn Quốc. Đến tháng 6-2023, ông bị truy tố về cáo buộc tìm cách sử dụng thông tin nhạy cảm của Samsung vào việc xây dựng một nhà máy chip ở TP Tây An - Trung Quốc.
Ông này ra tòa ở thủ đô Seoul một tháng sau đó trước khi được cho tại ngoại hồi tháng 11-2023. Ông Choi khi đó bác bỏ mọi cáo buộc nhằm vào mình, đồng thời nhấn mạnh dự án nhà máy chip nói trên không thành hiện thực.

Nhà máy của Samsung ở TP Hwaseong - Hàn Quốc. Ảnh: Bloomberg

Bản vẽ nhà máy của Công ty Chengdu Gaozhen ở Trung Quốc. Ảnh: Chengdu Gaozhen
Vụ việc liên quan ông Choi nêu bật nỗ lực của Hàn Quốc nhằm ngăn chặn gián điệp công nghiệp. Nhiều chuyên gia đã kêu gọi tăng hình phạt đối với tội phạm này bởi nguy cơ rò rỉ công nghệ quan trọng, đặc biệt là sang Trung Quốc, ngày một tăng.
"Vụ việc này nêu bật sự cấp thiết phải tăng cường an ninh công nghệ tại Hàn Quốc. Nếu những sự cố như thế tiếp tục xảy ra, chúng có thể gây hại cho chuỗi cung ứng và việc hợp tác công nghệ giữa Hàn Quốc với Trung Quốc, nhất là khi các công ty bán dẫn Hàn Quốc đang cắt giảm đầu tư vào Trung Quốc do áp lực từ Mỹ" - ông Choi Won-seok, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc, cảnh báo với tờ South China Morning Post.
Trong nỗ lực đối phó, các nhà lập pháp của Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) gần đây đưa ra dự luật, theo đó, tăng mức án tù tối đa từ 3 năm lên 5 năm và áp mức phạt cao gấp 10 lần lợi nhuận thu được từ hành vi đánh cắp công nghệ.

Nhà máy sản xuất bán dẫn của hãng SK Hynix tại tỉnh Gyeonggi - Hàn Quốc. Ảnh: Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc
Ông Jeong Yeon-wook, một trong 16 nhà lập pháp PPP ủng hộ dự luật, cho biết mức phạt cao gấp 10 lần lợi nhuận là hợp lý vì sự sống còn của một ngành công nghiệp quốc gia đang bị đe dọa.
Phần nổi của tảng băng chìm
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến hoài nghi về tính hiệu quả của động thái gia tăng hình phạt. Ông Kim Yang-paeng, chuyên gia tại Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc, cho rằng các lợi ích tài chính mà kẻ cắp có thể được hưởng và lợi thế công nghệ của Hàn Quốc trong ngành công nghiệp bán dẫn đang làm phức tạp nỗ lực ngăn chặn loại tội phạm này.
"Tôi e rằng vụ việc này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm" - ông Kim Yang-paeng nói về vụ việc mới nhất.

Một người từng là nhà nghiên cứu của Samsung Electronics rời tòa án ở thủ đô Seoul - Hàn Quốc hôm 16-1-2024 sau khi bị thẩm vấn về cáo buộc rò rỉ công nghệ bán dẫn chủ chốt của công ty này cho Trung Quốc. Ảnh: Yonhap
Vào tháng 1-2024, 5 nhân viên và cựu nhân viên của 2 công ty Samsung SDI, SK Innovation bị bắt vì chuyển giao các công nghệ pin xe điện quan trọng cho một công ty Trung Quốc.
Công ty này đã lập một phòng thí nghiệm ở Seoul và bị cáo buộc đưa ra đề nghị lương cao để đổi lấy việc chuyển giao bất hợp pháp nói trên.
Trong một vụ việc khác, một phụ nữ Trung Quốc ở độ tuổi 30, trước đây làm việc cho SK Hynix, bị bắt vì cáo buộc rò rỉ công nghệ quan trọng cho hãng Huawei (Trung Quốc). Công nghệ bị đánh cắp được cho là giúp giảm thiểu lỗi trong sản xuất chất bán dẫn.
Sau khi gia nhập SK Hynix năm 2013, người này chuyển đến Trung Quốc vào năm 2020 và sau đó làm việc cho Huawei năm 2022.
Trong nửa đầu năm 2024, số vụ đánh cắp công nghệ liên quan đến nước ngoài đã tăng lên 12, so với 8 vụ của cùng kỳ năm ngoái. Trong số này, có 10 vụ liên quan đến Trung Quốc. Theo các báo cáo của cảnh sát, có 6 vụ đánh cắp liên quan đến các công nghệ quan trọng đối với an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế.
Còn trong năm 2023, Hàn Quốc ghi nhận 23 vụ đánh cắp công nghệ quan trọng, cao nhất kể từ năm 2019. Những vụ việc này xảy ra trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, như bán dẫn, màn hình, pin sạc, ô tô...