Mai Vàng - 30 năm bền bỉ
Trong hành trình 50 năm hình thành và phát triển của Báo Người Lao Động, Giải Mai Vàng đã bền bỉ với chặng đường 30 năm.
Đằng sau dấu ấn văn hóa - nghệ thuật là biết bao nỗ lực của những người tổ chức, thực hiện chương trình.
Không chỉ là một lễ trao giải hằng năm vinh danh những gương mặt văn nghệ sĩ được yêu thích nhất do bạn đọc, khán giả bình chọn, Giải Mai Vàng do Báo Người Lao Động tổ chức suốt 30 năm qua còn là nơi hội tụ những giá trị nhân văn, tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc và đột phá, sáng tạo trong dàn dựng sân khấu.
***
Giai đoạn 2020-2024, bên cạnh 14 hạng mục truyền thống được bạn đọc đề cử, bình chọn, Lễ trao Giải Mai Vàng còn để lại dấu ấn mạnh mẽ nhờ sự cải tiến cả về hình thức lẫn nội dung, với mỗi năm một chủ đề riêng, được dàn dựng công phu. Trong đó, nổi bật là những tiết mục ca cảnh nghệ thuật.
Từ "Trang sử quê ta" (2020), "Tự hào cờ Tổ quốc" (2021), "Thiêng liêng cờ Tổ quốc" (2022), "Lòng tốt quanh ta" (2023) cho đến "Mai Vàng hội ngộ 30 năm" (2024), các tiết mục ca cảnh góp phần giúp Lễ trao Giải Mai Vàng không chỉ là những đêm vinh danh văn nghệ sĩ mà còn trở thành các tác phẩm sân khấu tổng hợp, phản ánh dòng chảy đời sống xã hội và văn hóa - nghệ thuật của TP HCM nói riêng, cả nước nói chung.
Các ca cảnh được xây dựng với kịch bản chặt chẽ, ngôn ngữ nghệ thuật sâu sắc, kết hợp giữa kịch nói, cải lương với âm nhạc, múa hiện đại và truyền thống, tạo thành một thông điệp nghệ thuật rõ ràng. Khi tìm chất liệu để viết về ca cảnh nói lên tinh thần cống hiến của đội ngũ những người làm báo đối với các hoạt động cộng đồng ý nghĩa, theo yêu cầu của nhà báo Tô Đình Tuân - Tổng Biên Tập Báo Người Lao Động, Trưởng Ban Chỉ đạo Giải Mai Vàng - tôi nhận được sự hỗ trợ tích cực của các nghệ sĩ. Trong đó, phải kể đến sự đồng cảm của NSƯT - nhạc sĩ Võ Thanh Liêm khi ông nhận trách nhiệm hòa âm, phối khí 5 ca cảnh ý nghĩa.
Năm 2021, khi tham gia ca cảnh "Tự hào cờ Tổ quốc", NSND Ngọc Giàu nhận định: "Chủ đề mang tinh thần yêu nước, vì cộng đồng trong ca cảnh đã được chuyển tải đầy xúc động, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của Báo Người Lao Động. Qua đó, khán giả nhận thấy rõ ý nghĩa của chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc". Nghệ sĩ được mời biểu diễn ca cảnh với nội dung như thế là niềm vinh dự, nên lúc đó tôi đã từ chối show lưu diễn để tham gia".

Các ca sĩ, nghệ sĩ... tập luyện tiết mục ca cảnh “Tự hào cờ Tổ quốc”
Một trong những điều tạo nên sự khác biệt và xúc động của Mai Vàng là tinh thần cống hiến không vụ lợi của các văn nghệ sĩ. Nhiều người đã gác lại show diễn, bất chấp sức khỏe, tự thu xếp công việc và thời gian, để có mặt tập luyện và biểu diễn trong chương trình lễ trao giải.
Chúng tôi không khỏi xúc động khi chứng kiến không ít nghệ sĩ từ tỉnh xa chạy xe về TP HCM trong đêm để kịp dự buổi phúc khảo sáng hôm sau. Có người ốm nặng vào giờ chót, như nghệ sĩ Kiều Phượng Loan - dù được phân vai từ trước nhưng bất ngờ phải nhập viện cấp cứu trước ngày diễn - và NSND Phượng Loan đã nhận lời thay thế, gấp rút tập luyện chỉ trong một đêm để không làm gián đoạn chương trình.
Các nghệ sĩ gạo cội như: NSND Ngọc Giàu, NSND Lệ Thủy, NSND Minh Vương, NSƯT Ngọc Khanh, NSƯT Tú Sương, NSƯT Trinh Trinh, NSƯT Võ Minh Lâm, Thanh Hằng, Kiều Phượng Loan, Phương Cẩm Ngọc, Mỹ Chi, Tú Trinh… cùng các diễn viên trẻ từ CLB Sân khấu Lạc Long Quân và vũ đoàn Bầu Trời Xanh đã góp sức tạo nên những phần trình diễn giàu cảm xúc và chuyên nghiệp, như một vở diễn đích thực.
Năm 2021, NSƯT Vũ Linh đã tích cực tham gia ca cảnh "Tự hào cờ Tổ quốc" cùng nghệ sĩ Bình Tinh và thể hiện xuất sắc tiết mục này. Dù lúc đó đang điều trị bệnh thận, đi đứng rất khó khăn nhưng ông vẫn dành trọn trái tim cho Mai Vàng. Nghệ sĩ Bình Tinh nhắc lại về cố nghệ sĩ này: "Buổi sáng NSƯT Vũ Linh còn vô nước biển trong bệnh viện, chiều anh đã xin phép bác sĩ đến Nhà hát Thành phố để biểu diễn".
***
Không chỉ tôn vinh văn nghệ sĩ, Lễ trao Giải Mai Vàng những năm gần đây còn mở rộng "sân khấu" cho nhiều người bình dị nhưng có những hoạt động đáng quý trong cuộc sống.
Một trường hợp xúc động là vợ chồng cụ My - cụ Hồng, chủ quán "cơm chay 0 đồng" ở TP HCM. Trong cuộc thi viết "Lòng tốt quanh ta" do Báo Người Lao Động tổ chức, giải đặc biệt thuộc về tác phẩm "Vợ chồng U90 nấu cơm chay miễn phí". Nhà báo Tô Đình Tuân đã yêu cầu tôi viết ca cảnh tái hiện chính câu chuyện của vợ chồng cụ Hồng. Nghệ sĩ Tú Trinh và NSƯT Công Ninh đã hóa thân thành 2 cụ, thể hiện cảnh mỗi sáng họ chế biến thức ăn để phát từng hộp cơm nóng cho người nghèo.
Được mời tham dự Lễ trao Giải Mai Vàng, cụ My bộc bạch: "Lần đầu tiên được gặp NSND Minh Vương và NSND Lệ Thủy bằng da bằng thịt, vì lâu nay chỉ thấy qua ti vi, lại còn được các cô chú nghệ sĩ tặng hoa, tôi rất xúc động". Sau chương trình, nghệ sĩ Tú Trinh còn đến tận quán cơm để thăm hỏi, động viên 2 cụ. Những cuộc gặp gỡ giữa nghệ sĩ và người thật, việc thật như thế có lẽ chỉ diễn ra ở Lễ trao Giải Mai Vàng.
Tiểu phẩm hài - một "đặc sản" khác của Mai Vàng - cũng có những đổi mới đáng kể. Không chỉ là tiếng cười đơn thuần, NSND Việt Anh, NSƯT Lê Thiện, NSƯT Thanh Thanh Hiền và các nghệ sĩ Tấn Beo, Phi Phụng… đã tạo nên những tác phẩm châm biếm thâm thúy, phản ánh những vấn đề nổi cộm trong xã hội.
Nguồn cảm hứng cho các tiểu phẩm hài thường đến từ chính các bài báo, phóng sự đăng trên Báo Người Lao Động. Phía sau sàn tập, nhiều nghệ sĩ thường tranh thủ trò chuyện với các phóng viên để khai thác thêm những chi tiết đắt giá, thú vị. Tiếng cười duyên dáng, đúng lúc có sức mạnh "xua tan những buồn phiền đời thường" nhưng cũng khiến người xem "giật mình" suy ngẫm.
***
Đối với nhiều ca sĩ, Lễ trao Giải Mai Vàng không đơn thuần là show diễn. Họ xem đây là cuộc hội ngộ nghệ thuật đầy cảm hứng. Các tiết mục "đặt hàng" thường yêu cầu dàn dựng mới, phối khí mới, biểu diễn "sống" với ban nhạc và có múa phụ họa.

Tác giả (nhà báo - đạo diễn Thanh Hiệp) góp ý một tiết mục đang tập luyện, chuẩn bị biểu diễn tại Lễ trao Giải Mai Vàng
Năm 2024, NSND Thanh Lam từ Hà Nội bay vào TP HCM để tập luyện cùng vũ đoàn Bầu Trời Xanh và Si Si, thậm chí chị còn tham gia biên đạo ca khúc "Chân đất ơi". Biên đạo múa Hữu Phúc nhận xét: "Một bài hát tưởng như nhẹ nhàng nhưng được nâng tầm cảm xúc qua sự hòa quyện giữa âm nhạc và múa. Chị Thanh Lam rất xuất sắc khi gợi mở cho chúng tôi nhiều ý tưởng nghệ thuật để tiết mục thật hiệu quả".
Trong khi đó, ca sĩ Tùng Dương - người nổi tiếng kỹ tính trong âm nhạc - cũng dành nhiều ngày làm việc cùng ban nhạc để biểu diễn live "Cánh chim phượng hoàng" - một ca khúc cổ vũ tinh thần vươn lên của con người...
Đó là với những ca sĩ chuyên nghiệp. Còn với những nghệ sĩ ở các lĩnh vực khác, việc tham gia thể hiện ca khúc là điều không dễ nhưng họ vẫn nỗ lực luyện tập. Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn dẫn chứng: "Trong liên khúc "Khát vọng thành phố mang tên Bác" xâu chuỗi 4 tác phẩm tham gia Cuộc vận động sáng tác ca khúc "Đất nước trọn niềm vui", NSND Kim Xuân, NSND Phượng Loan, NSND Tấn Giao đã hát cùng các ca sĩ La Trần Đức Thiện, Châu Nhật Tín, Huy Trương, Hoàng Trung Anh, nhóm Mắt Ngọc… Đó là một sáng kiến rất hay và đầy thử thách nhưng Mai Vàng vẫn làm được và tạo dấu ấn rất đẹp".
NSND Kim Xuân cho rằng bà là dân kịch nói, tham gia hát là một áp lực. Song, nhạc sĩ Ngô Duy Thanh đã hướng dẫn để bà tự tin thể hiện. "Tôi mất ăn, mất ngủ mấy ngày để học lời và hát. Với tôi, đó là ký ức khó quên khi nhắc đến Giải Mai Vàng" - bà bày tỏ.
Nghệ sĩ Quốc Thảo, NSƯT Minh Nhí, Lê Khánh, Lâm Vỹ Dạ, MC Quyền Linh, nhà thiết kế Võ Việt Chung, diễn viên hài Hồng Trang… cũng mang tâm trạng tương tự. "Dân kịch nói, điện ảnh mà hát trong Lễ trao Giải Mai Vàng thì áp lực kinh khủng. Thế nhưng, vì tình yêu với Mai Vàng, chúng tôi đã nỗ lực hết mình" - NSƯT Minh Nhí thổ lộ.
"Hậu trường Mai Vàng còn là biết bao mồ hôi đã đổ xuống sàn tập, cả những giọt nước mắt xúc động, những tiếng cười sau cánh gà... Giải Mai Vàng đang góp phần thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp văn hóa ở TP HCM và cả nước phát triển" - NSND Trần Minh Ngọc nhấn mạnh.
30 năm và hơn thế nữa...
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều văn nghệ sĩ từng đoạt Giải Mai Vàng thừa nhận: "Giải không chỉ vinh danh mà còn tạo động lực, là lời nhắc nhở về trách nhiệm của chúng tôi với công chúng".
Với bạn đọc và khán giả theo dõi lễ trao giải mỗi năm, sân khấu Mai Vàng luôn là điểm hẹn dạt dào cảm xúc, chân thành, bền bỉ tình yêu thương trong trái tim cộng đồng. Họ mong mỏi Mai Vàng sẽ tiến tới cột mốc 40 năm, 50 năm và bền lâu hơn nữa, với tầm vóc ngày càng vươn xa hơn.
Mai Vàng đã đi được chặng đường 30 năm. Thế nhưng, "Giải Mai Vàng vẫn trẻ lắm - trẻ vì luôn lắng nghe bạn đọc và công chúng; luôn đổi mới và luôn thể hiện những điều mới mẽ, ý nghĩa, nhân văn" - như nghệ sĩ Thanh Hằng từng nhìn nhận.