Máu rồng
Mùa đông, lạnh buốt, đêm, tôi dùng chân đá những hạt sương trên những đọt cỏ dại ven đường lăn đi mấy thước mới vỡ ra.
Khuya hôm ấy, khi trăng rằm lên đến đỉnh đầu, ông dựng tôi dậy dắt đi về phía thượng nguồn của dòng sông.
- Đi bổi hả ông?
- Không, hôm nay ông cháu mình đi tìm long mạch.
- Đi tìm long mạch? - Tôi hỏi lại
- Ừ! Đi tìm long mạch!
- Long mạch là gì hở ông?
- Đi rồi sẽ biết!
Thường ngày ông cháu tôi vẫn lên những ngọn đồi thấp như bát úp để chặt bổi, ông nói:
Đất xấu mình chặt bổi bỏ chuồng mai mốt làm đất gò, trồng bắp, trồng khoai kiếm thêm cái ăn cháu ạ!
Mặc gió táp mưa sa, tôi khoác áo tơi theo ông đi bổi. Ông chặt mua, sim lấy phần ngọn, tôi cắt cây bù xít, lựa cây không có bông mới cắt, cái bông bù xít trắng đục mong manh thấy thương quá không nỡ bỏ xuống cho trâu giậm lên. Ông thở dài, tôi hỏi:
- Ông mệt lắm hả ông?
Ông âu yếm vuốt mái tóc vàng hoe của tôi và nói trong cơn gió hiu hắt thổi từ đỉnh núi Chúa xuống:
- Đời cháu tôi sẽ khổ lắm đây, ai đời người nông dân mà đi thương cây cỏ dại!
"Đời người nông dân mà thương cây cỏ dại!". Câu nói của ông làm tôi nhớ mãi đến bây giờ. Không biết có phải sinh ra đã có tâm hồn đa cảm mà đời tôi luôn băn khoăn những chuyện không đâu vào đâu! Có những chuyện đối với nhiều người không đáng buồn, tôi cũng buồn! Có những chuyện đối với nhiều người không đáng vui, tôi thấy vui. Yêu ai yêu đến tận cùng, ghét ai ghét cay ghét đắng, ghét không thèm nhìn mặt.

Con đường mòn lên thượng nguồn phải đi qua vùng đất thiêng với những phế tích của một kinh thành cổ có từ ngàn năm trước. Không hiểu sao mỗi lần đi ngang "thánh địa", tôi có cảm giác vừa sợ hãi, vừa buồn rầu. Tuổi thơ tôi trải qua dưới những gốc duối dại, trên những đồi sim tím ngát mỗi độ hè về, tôi lớn lên dưới cái nắng gay gắt của miền Trung, cánh đồng nứt nẻ chân chim và hun hút gió Lào. "Nắng cháy chỉ", con người quắt queo lại như những cội sim già. Nhưng may thay, quê tôi còn có rừng, những cánh rừng trầm mặc, u uẩn và bao dung. Cây cối miền Trung cũng oằn lại, gồ ghề và run rẩy như những giấc mơ không có hình thù của con người một thời vụng dại. Mỗi lần đi đốn củi tôi lại say sưa ngồi ngắm những gốc cây cằn cỗi nằm trong kẹt đá. Những gốc cây già ấy luôn cho tôi những cảm xúc rất mơ hồ về sự mênh mông của vũ trụ, đưa tôi du hành vào thế giới cổ tích với nàng công chúa ngủ trong rừng, những hoàng tử oai hùng, những nàng tiên kiều diễm thánh thiện thoát tục, những mụ phù thủy ác độc, những ông bụt hiền từ. Phải chăng thế giới huyền ảo từ những gốc cây đã nuôi tôi lớn lên, giúp tôi vượt qua những khắc nghiệt của thiên nhiên miền Trung mang đến cho con người... Những đền đài đổ nát, huyền bí trầm mặc, là kinh đô của vương quốc cổ xưa mà tôi đọc được trên một tờ báo cũ, ố vàng và nhàu nát như tuổi thơ nhọc nhằn, khổ ải của tôi. Mỗi lần đi ngang nơi đây ông tôi luôn bỏ nón xuống và lầm rầm khấn vái với thái độ đầy thành kính. Ông rót vào tôi bao câu chuyện huyền thoại xung quanh phế đô giữa đại ngàn trầm mặc. Ông kể:
"Ngày xưa các vua chôn vàng bạc ở đây và chôn theo các trinh nữ được yểm bùa để làm thần giữ của. Vào những đêm trăng, các hồn thiêng trinh nữ hiện về múa hát, những bầy heo bằng vàng ròng đủng đỉnh ăn hoa trắng và những trái sim rụng. Không ai dám bắt những con heo vàng ấy, vì "được bạc thì đau, được vàng thì chết!" - dân quê truyền lại như vậy!".
Ông kể, hồi xưa làng mình có ông Trầm đi chơi về khuya thấy bầy heo vàng đang đủng đỉnh trên đồi ăn hoa trắng. Ông Trầm say rượu cả ngày không sợ trời, không sợ đất, thấy heo vàng nên rượt theo bắt được một con. Về nhà ông gọi mọi người xem, đang tính toán xem con heo được bao nhiêu lượng vàng, bán được bao nhiêu tiền thì bất ngờ ông ngã vật xuống đất mắt trợn tròn, mồm hộc máu tươi chết ngay tức khắc. Con heo vàng vùng chạy về phía núi khiến ai cũng xanh mặt… Dân quê tôi rất tin vào thánh thần ma quỷ, nên kinh thành cổ này còn gần như nguyên vẹn cho đến khi bom đạn trút xuống như vãi trấu trong cuộc chiến của thế kỷ hai mươi trên quê hương tôi.
Con đường mòn dọc triền sông ngày xưa do người đi củi mà thành, càng lên cao càng khúc khuỷu, lâu lâu nổi lên những rễ cây ngoằn ngoèo như rắn lượn. Tất nhiên phía trên bộ rễ ấy là những cây đa cổ thụ. Một loại cây mà người dân chẳng ai dám chạm vào, vì đó là nơi cư ngụ của thần linh. Sau đoạn đường dài, ông cháu chúng tôi cũng lên được gần đỉnh núi. Ông trải tàu lá cọ trên mô đất lớn, giở cơm nắm ra ăn. Bên trên mô đất là hang đá xanh nghịt sâu hun hút, một dòng nước trong xanh trào ra đổ vào con suối. Ông nói:
- Đây chính là nơi khởi nguồn của dòng sông chảy qua quê mình.
- Có gì lạ đâu ông?
- Cháu chờ xíu rồi ông kể nghe chuyện này.
Ông ngước nhìn mặt trời!
Đứng bóng!
Từ bên trong hang đá bỗng có tiếng ầm ào như tiếng gầm của con thú lớn bị dính bẫy. Tôi sợ hãi níu cánh tay ông.
Ông để tay lên đầu tôi trấn an.
Tiếng ầm ào tiếp tục kéo dài, bỗng một dòng nước đỏ ngầu cuồn cuộn tuôn ra. Một khắc trôi qua, dòng suối trước hang cũng đỏ ngầu trôi xuôi để hòa vào dòng sông quê tôi. Lúc này ông mới thủng thẳng nói với tôi:
- Đó là máu rồng!
- Máu rồng? - Tôi ngơ ngác nhìn ông!
Ông ngước nhìn lên đỉnh núi, bằng giọng chậm rãi, ông kể:
- Ngày xưa có một người Tàu pháp thuật cao cường thường cưỡi diều giấy bay trên trời để xem long mạch của nước ta, chỗ nào phát thì ông ta tìm cách phá. Khi bay đến quê mình, ông thấy trên đỉnh núi này có mây ngũ sắc. Ông ta biết đầu nguồn dòng sông có linh khí, thế nào cũng sinh người tài. Tay pháp sư về rèn gươm vàng yểm bùa bay lên thả xuống thượng nguồn, con rồng đất đứt đầu, máu tuôn đỏ dòng sông và cứ đến rằm tháng chạp là máu rồng tuôn ra cho đến mãi ngày thanh minh năm sau mới hết.
Thấy tôi chăm chú lắng nghe, ông kể tiếp:
- Ngày xưa cụ tổ của chúng ta là thầy địa lý được các cao nhân truyền nghề, biết nơi đây có long mạch bèn tâu về triều đình để cử quan quân về trấn giữ. Nhưng bọn tham quan có để ý gì đến long mạch đâu, triều đình càng suy tàn, đất nước càng điêu linh, nhân dân càng thống khổ chính là cơ hội của chúng, nên chúng đã mang tấu sớ của cụ tổ ra làm trò cười và không hề báo cho nhà vua biết.
- Sau đó thì sao hở ông?
- Cụ tổ chưa biết cách gì để giữ long mạch, thì tên thầy địa lý Tàu đến và tàn phá long mạch như chuyện ông kể hồi nãy. Cụ tổ uất quá thổ huyết rồi qua đời, trước khi trút hơi thở cuối cùng, cụ dặn con cháu: "Tuy rồng đã bị đứt họng, nhưng linh khí vẫn còn, khoảng hai mươi lăm đời sau, tức hơn năm trăm năm nữa thì con rồng sẽ phục sinh".
- Sao ông biết vậy?
- Đây là câu chuyện truyền lại từ đời này qua đời khác, nhưng chẳng may chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của cha cháu trước khi cháu chào đời, nên ông kể lại câu chuyện này cho cháu!
Tôi ngước nhìn mái tóc bạc phơ như mây trắng của ông và ngây thơ hỏi:
- À mà ông, làm sao để hàn lại cổ rồng?
- Cụ tổ có dặn con cháu chỉ cần giữ lại cánh rừng đầu rồng cho đến khi chúng thành những cây cổ thụ một trăm tuổi thì mang pho tượng đá đen bảo vật của dòng họ chôn dưới một gốc cây lớn nhất giữa cánh rừng, cổ rồng sẽ tự lành, máu rồng không còn chảy ra nữa và dòng nước xanh trở lại! Cụ tổ biết rằng trong suốt thời gian long mạch bị đứt, đất nước có nhiều biến cố, rừng sẽ bị phá nát, nên cụ có dặn là nếu đến đời thứ hai mươi mà rừng không còn thì phải trồng lại. Nhưng từ đời thứ hai mươi đến thời cha cháu chiến tranh liên miên. Cháu là đứa con trai đời thứ hai mươi bốn, người đàn ông duy nhất của dòng họ còn sót lại sau các cuộc chiến tranh triền miên trên quê hương này. Nhưng đáng tiếc là chúng ta cơm không đủ ăn sức đâu mà trồng rừng. Cháu nên ghi nhớ câu chuyện này kể lại cho con trai của cháu nghe, may ra khi ấy cuộc sống khá giả thì các cháu có thể thực hiện di nguyện của cụ tổ.
Dặn dò xong, ông tôi lấy trong tay nải ra một pho tượng nhỏ gói trong tấm lụa điều đã ngả màu đưa cho tôi.
- Đây là cổ vật, cháu nhớ đưa lại cho đời sau, khi nào cây trên đồi kia có cây cổ thụ lớn một vòng tay ôm thì nhớ đưa cho đời kế tiếp chôn bên dưới gốc.
* * *
Bốn mươi năm sau, kể từ cái ngày hai ông cháu nhìn máu rồng tuôn ra từ đầu nguồn, một người đàn ông đã đến nơi này cùng cậu thanh niên có mũi cao, cặp mắt sáng trên gương mặt cương nghị và đặc biệt làn da màu bánh mật, nhìn nước da người ta dễ dàng nhận ra họ là hai cha con. Câu chuyện trên được người đàn ông kể cho chàng trai nghe khi họ ăn sáng và cà phê tại nhà hàng sang trọng trong khu du lịch giữa lưng chừng núi Chúa. Một phần quả núi nơi có những cây đa cổ thụ đã bị bạt phẳng để xây dựng quần thể nhà hàng khách sạn, khu vui chơi theo phong cách châu Âu. Mỗi ngày tại đây thu hút hàng trăm du khách trong và ngoài nước.
Sáng hôm nay, cha con họ sẽ leo lên hơn năm mươi bậc thang để lên đỉnh núi. Người cha nói rằng ông đưa con trai xem long mạch, nơi con rồng bị chặt đứt đầu. Trước khi rời nhà hàng, ông mở chiếc túi vải đựng pho tượng cổ trên vai trao cho chàng trai. Người cha nặng nhọc lê từng bậc thang. Cậu con trai mạnh mẽ và có lúc bước cả hai bậc thang, thỉnh thoảng anh đứng lại chờ cha mình. Bậc thang đá xanh cuối cùng đưa họ đến một khoảnh sân được lát đá hoa cương màu trắng nhìn xuống ngọn thác nhân tạo. Cái hốc đá bắt nguồn dòng nước ngày xưa trở thành miệng của con rồng bằng bê-tông có đầy đủ mắt, mũi, sừng được tạc bởi những người thợ vụng về. Một đám đông du khách đang hí hố chụp hình bên dòng nước đỏ tuôn ra từ chiếc lưỡi rồng thè dài tạo nên dòng thác đỏ ngầu. Trên đỉnh sừng rồng có dòng chữ lớn: Hang máu rồng. Bên dưới dòng chữ nhỏ: Điểm du lịch tâm linh yêu thích của bạn.
Người cha thở dài, còn chàng trai dán mắt vào cặp đùi thon dài, trắng muốt của cô gái đang tạo dáng chụp hình với hậu cảnh là dòng thác và cây mai giả chi chít hoa vải cứng đờ trước ngọn gió nhẹ và lạnh của những ngày giáp Tết.
Tháng 12-2023
