Nâng cao vai trò cộng đồng trong chống hạn
Theo Tổng cục Thủy lợi, hạn hán tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang diễn ra ngày càng khốc liệt nếu không nâng cao vai trò của cộng đồng trong ứng phó hạn hán.
Là vùng có diện tích sản xuất thanh long lớn nhất tại tỉnh Bình Thuận, huyện Hàm Thuận Nam cảm nhận rõ tác động của hạn hán. Từ năm 2020 đến nay, các hồ chứa nước tại huyện này liên tục hụt nguồn nước khiến 4.152 ha cây trồng, trong đó chủ lực là thanh long, bị thiếu nước tưới làm giảm năng suất, teo tóp cành.

Hồ Tà Mon - nơi cấp nước cho 1.475 ha thanh long ở xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận - thường xuyên rơi vào cảnh trơ đáy
Sau đó nhiều giải pháp được triển khai nhằm hạn chế tác động của nắng hạn đến sản xuất, đời sống người dân như khuyến khích đào ao, xây bể, khoan giếng nhằm chủ động một phần nguồn nước trong mùa khô, đồng thời đẩy mạnh áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên cây thanh long. Bên cạnh đó, huyện Hàm Thuận Nam đẩy mạnh triển khai thành lập các tổ, nhóm hộ hợp tác hoặc hợp tác xã sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn an toàn, bền vững (VietGAP, GlobalGAP...) kết hợp với chuỗi liên kết sản xuất. Việc thành lập các tổ, nhóm này không chỉ hình thành vùng sản xuất thanh long theo một tiêu chuẩn, đáp ứng các yêu cầu của thị trường, từng bước áp dụng thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm thích ứng với hạn hán như tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, từng bước mở rộng diện tích áp dụng. Từ đó, sử dụng có hiệu quả nguồn nước tại chỗ, giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra đối với sản xuất nông nghiệp.
Tại hội thảo với chủ đề "Nông nghiệp chống chịu hạn dựa vào cộng đồng" diễn ra tại Ninh Thuận vào ngày 13-7, Viện Môi trường nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết giai đoạn 2019 - 2021, duyên hải Nam Trung Bộ là một trong những vùng chịu hạn hán nặng nề nhất cả nước. Tổng lượng mưa của 3 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20%-40%; lượng chảy dòng thiếu hụt từ 40%-70%, thậm chí một số sông nhỏ đã ngừng chảy. Hệ quả của hạn hán giai đoạn này khiến gần 17.000 ha cây trồng ở Ninh Thuận và 15.000 ha ở Bình Thuận dừng canh tác, 14.200 ha cây trồng tại Khánh Hòa bỏ hoang.
Trong 5 năm (2021-2026), dự án "Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ đối với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ của Việt Nam" do Quỹ Khí hậu Xanh tài trợ thông qua UNDP sẽ được triển khai cho 5 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk và Đắk Nông. Qua đó sẽ tập trung hỗ trợ những nông dân dễ bị ảnh hưởng nhất, người nghèo và cận nghèo, dân tộc thiểu số và phụ nữ với 22.200 hộ hưởng lợi trực tiếp, hơn 200.000 hộ hưởng lợi gián tiếp, nhằm tăng cường khả năng chống chịu hạn hán, nâng cao vai trò của cộng đồng trong công tác chống hạn.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

