Mục tiêu tăng trưởng năm 2025 từ 8,3% đến 8,5%

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế 8,3% - 8,5% năm 2025 không phải mục tiêu "bất khả thi"

Vào ngày 16-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương để thảo luận về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025. Mục tiêu được đặt ra là đạt mức tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 8,3% đến 8,5%. 

Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các xã, phường, đặc khu trên cả nước.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết bộ này đã tham mưu Chính phủ xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm 2025.

Kịch bản 1: Tăng trưởng kinh tế cả năm 2025 đạt 8%. Trong đó, quý III dự kiến tăng 8,3% so với cùng kỳ, phù hợp với mục tiêu tại Nghị quyết 154/NQ-CP, và quý IV đạt 8,5%, cao hơn 0,1% so với kịch bản đề ra. Quy mô GDP cả năm ước tính vượt 508 tỉ USD, với GDP bình quân đầu người đạt khoảng 5.000 USD.

Kịch bản 2: Tăng trưởng kinh tế cả năm dao động từ 8,3% - 8,5%. Cụ thể, quý III được dự báo tăng trưởng 8,9% - 9,2% so với cùng kỳ, cao hơn 0,6% - 0,9% so với kịch bản ban đầu; quý IV đạt 9,1% - 9,5%, vượt 0,7% - 1,1% so với kế hoạch. Theo kịch bản này, quy mô GDP năm 2025 ước tính trên 510 tỉ USD, với GDP bình quân đầu người khoảng 5.020 USD.

Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ và Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực thực hiện kịch bản tăng trưởng thứ hai cho năm 2025, với mục tiêu đạt 8,3% - 8,5%. Việc này nhằm tạo nền tảng vững chắc để kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 10% trở lên trong năm 2026.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8,3% - 8,5% trong năm 2025, Bộ Tài chính đề xuất các địa phương và doanh nghiệp nhà nước tăng trưởng cao hơn Nghị quyết 25/NQ-CP. Các địa phương đầu tàu như Hà Nội và TP HCM đạt 8,5% (cao hơn 0,5% và 0,4%), Quảng Ninh 12,5%, Thái Nguyên 8%. Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cần tăng trưởng vượt 0,5% so với chỉ tiêu đầu năm.

Bộ Tài chính nhấn mạnh cần huy động 111 tỉ USD vốn đầu tư toàn xã hội trong 6 tháng cuối năm 2025, cao hơn 3 tỉ USD so với kịch bản tăng trưởng 8%. Trong đó, vốn đầu tư công giải ngân cần đạt 28 tỉ USD (khoảng 700.000 tỉ đồng), đạt 100% kế hoạch năm 2025 và nguồn vốn bổ sung 152.700 tỉ đồng từ tăng thu, tiết kiệm chi năm 2024. Đầu tư tư nhân đạt 60 tỉ USD (cao hơn 3 tỉ USD), thu hút vốn FDI khoảng 18,5 tỉ USD và đầu tư khác khoảng 7 tỉ USD.

Tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 8 , 3 % đến 8 , 5 % theo kịch bản của Thủ tướng Chính phủ - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Ảnh: Nhật Bắc

Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết để đạt mục tiêu tăng trưởng 2025, bộ sẽ thúc đẩy công nghiệp, năng lượng thông qua việc tháo gỡ vướng mắc dự án, phát triển công nghiệp chế tạo, năng lượng tái tạo, nội địa hóa ngành đường sắt, triển khai Quy hoạch điện VIII, bảo đảm cung ứng điện. Đồng thời, ổn định thị trường nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, theo dõi giá cả hàng hóa thiết yếu để xử lý biến động.

Bộ Công Thương cũng sẽ triển khai các giải pháp đẩy mạnh xuất nhập khẩu, trong đó tiếp tục đàm phán Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng với Mỹ nhằm duy trì sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại thị trường này. Đồng thời, bộ sẽ nghiên cứu, tham mưu ký kết hợp tác với các thị trường mới, tận dụng tối đa cơ hội từ các thị trường chiến lược.

Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ khẩn trương tổng hợp, tiếp thu các ý kiến đóng góp, để sớm hoàn thiện, trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ để điều chỉnh, giao mục tiêu tăng trưởng quý III, quý IV và 6 tháng cuối năm 2025 của cả nước, từng địa phương, ngành, lĩnh vực.

Thủ tướng nhấn mạnh các mục tiêu chính của năm 2025 bao gồm ổn định kinh tế vĩ mô, giữ lạm phát dưới 4,5%, đạt tăng trưởng GDP 8,3% - 8,5%, tạo đà cho năm 2026 đạt trên 10%. Tổng đầu tư xã hội ước tính 2,8 triệu tỉ đồng, trong đó đầu tư công khoảng 1 triệu tỉ đồng và các nguồn khác 1,8 triệu tỉ đồng.

Với các mục tiêu này, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh là rất khó và có nhiều thách thức, song không thể không làm và "mục tiêu này không phải "bất khả thi". "Nếu chúng ta không thực hiện được mục tiêu này trong năm nay thì sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng những năm tới và 2 mục tiêu 100 năm đã đề ra" - Thủ tướng nêu rõ.

Về một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ổn định tỉ giá, giảm lãi suất, hỗ trợ sản xuất, sinh kế và định hướng tín dụng vào kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhà ở xã hội. Chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm giải ngân 100% vốn đầu tư công (khoảng 1 triệu tỉ đồng), tăng tổng đầu tư xã hội 11% - 12% so với năm 2024.

Bộ Tài chính được giao mở rộng nguồn thu, tiết kiệm chi, phát hành trái phiếu Chính phủ dài hạn để đầu tư vào các công trình trọng điểm, kinh tế số, xanh và tuần hoàn. Chính sách tiền tệ và tài khóa cần phối hợp hài hòa, hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy tăng trưởng. Về ba đột phá chiến lược, Thủ tướng yêu cầu hoàn thành mục tiêu xây dựng đường cao tốc, đường ven biển, khởi công các dự án đường sắt, với tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ và trách nhiệm của các địa phương.

Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới thông qua thực hiện 4 nghị quyết "bộ tứ trụ cột" của Bộ Chính trị và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Các Bộ Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa - Thể thao và Du lịch được giao hoàn thiện dự thảo nghị quyết về đột phá trong y tế, giáo dục, văn hóa để trình Bộ Chính trị.

Thủ tướng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nỗ lực đạt mức tăng trưởng trên dưới 10% trong năm 2025, cao hơn mức trung bình cả nước, bằng cách sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Các địa phương cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, không trông chờ, ỷ lại, thực hiện tốt phân cấp, phân quyền theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Về lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng lưu ý cần bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm, đồng thời mở rộng xuất khẩu sang Trung Quốc, Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ. Trong lĩnh vực văn hóa - du lịch, Thủ tướng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa, giải trí, cải thiện chính sách visa và đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm đạt mục tiêu đón 25 triệu du khách trong năm 2025.

Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tập trung tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, nhưng không để ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng. 

Sẽ hoàn thành 100.000 căn nhà ở xã hội

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, 6 tháng cuối năm 2025 sẽ bám sát các mục tiêu tăng trưởng như giải ngân 100% kế hoạch đầu tư công, hoàn thành 100.000 căn nhà ở xã hội, thúc đẩy thị trường bất động sản, duy trì tăng trưởng vận tải khoảng 13%...

Bộ trưởng khẳng định các mục tiêu này khả thi, góp phần đạt tăng trưởng kinh tế 8,3% - 8,5%. Việc đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và triển khai nhanh các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy các ngành vật liệu xây dựng, bất động sản, tài chính, logistics, sản xuất máy móc và tiêu dùng dân cư.

Phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm. Trong tháng 6-2025, lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch mới tại các ngân hàng thương mại giảm còn 6,3%/năm, thấp hơn 0,6%/năm so với cuối năm 2024, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Thống đốc nhấn mạnh sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình kinh tế trong và ngoài nước, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, giữ ổn định lãi suất tiền gửi, phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay. Đồng thời, các giải pháp tín dụng sẽ được triển khai phù hợp với kinh tế vĩ mô, lạm phát và khả năng hấp thụ vốn, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

P.V

Bảo đảm đủ mặt bằng cho các dự án đường cao tốc

Để đạt mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch đầu tư công và hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025, tại hội nghị, Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các địa phương khẩn trương hoàn thiện giải phóng mặt bằng, bảo đảm đủ để thi công các dự án cao tốc. Các địa phương được giao thực hiện dự án cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương để tập trung quyết liệt, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng…

Theo Bộ Xây dựng, sau sáp nhập, nhu cầu di chuyển nội tỉnh, đặc biệt giữa các trung tâm đô thị cũ, dự kiến tăng mạnh, gây áp lực lên hệ thống giao thông hiện hữu vốn đã đông đúc. Do đó, để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương ưu tiên nâng cấp, bảo trì hoặc mở rộng các tuyến đường kết nối hiện có, đồng thời huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng các tuyến đường kết nối các trung tâm hành chính cấp tỉnh theo quy hoạch.