Mỹ - Trung Quốc thêm căng thẳng thương mại
Chiếc máy bay Boeing 737 MAX, vốn được chế tạo dành cho Hãng Hàng không Xiamen Airlines của Trung Quốc, đã phải quay trở lại Mỹ
Trung Quốc cáo buộc Mỹ lạm dụng thuế quan và cảnh báo các nước không nên ký kết thỏa thuận kinh tế quy mô lớn với Mỹ trong bối cảnh cuộc chiến thương mại tiếp tục leo thang.
Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 21-4 cho biết Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ bất kỳ bên nào ký kết thỏa thuận gây bất lợi cho Trung Quốc và sẽ thực hiện các biện pháp đối phó một cách kiên quyết cũng như tương xứng. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi hãng tin Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump đang gây sức ép để các đối tác muốn Mỹ giảm hoặc miễn thuế phải hạn chế thương mại với Trung Quốc, bao gồm áp đặt các biện pháp trừng phạt tiền tệ.
Ông Bo Zhengyuan, chuyên gia tại Công ty Tư vấn chính sách Plenum (Trung Quốc), nhận định không bên nào muốn chọn phe. Các bên phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về mặt đầu tư, cơ sở hạ tầng công nghiệp, bí quyết công nghệ và tiêu dùng… nhiều khả năng sẽ không chấp nhận các yêu cầu của Mỹ" - ông nói.
Theo đài CNBC, các nhà phân tích không kỳ vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm đạt được thỏa thuận, mặc dù hôm 17-4 ông Donald Trump cho biết thỏa thuận có thể đạt được trong vòng 3 đến 4 tuần tới. Dù vậy, ông Justin Yifu Lin, Viện trưởng Viện Kinh tế Cấu trúc Mới tại Trường ĐH Bắc Kinh, cho rằng hai nước có thể vẫn duy trì mối liên hệ do sự phụ thuộc của người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ vào Trung Quốc.
Trở thành nạn nhân của đòn thuế quan ăn miếng trả miếng, chiếc máy bay Boeing 737 MAX, vốn được chế tạo dành cho Hãng Hàng không Xiamen Airlines của Trung Quốc, đã phải quay trở lại trung tâm sản xuất của Boeing tại Seattle - Mỹ hôm 20-4.
Hiện chưa rõ bên nào đưa ra quyết định cho chiếc máy bay đã sơn logo hãng Xiamen Airlines quay lại Mỹ. Theo Công ty Tư vấn hàng không IBA, một chiếc 737 MAX mới có giá trị thị trường khoảng 55 triệu USD sẽ đội giá đáng kể bởi mức thuế 125% mà Trung Quốc đang áp lên hàng Mỹ nhập khẩu. Nguồn tin cho biết Bắc Kinh đang cân nhắc hỗ trợ các hãng hàng không thuê máy bay Boeing và đối mặt với chi phí tăng cao.

Một chiếc Boeing 787 trong đội bay của Hãng Hàng không Xiamen Airlines hạ cánh xuống Jakarta - Indonesia Ảnh: XIAMEN AIRLINES
Một số nền kinh tế châu Á, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc..., đang cân nhắc đầu tư vào một dự án khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) quy mô lớn ở bang Alaska trong nỗ lực đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ. Theo đài CNBC, Alaska từ lâu theo đuổi kế hoạch xây dựng một tuyến đường ống dài gần 1.289 km băng qua bang này, nơi khí đốt sẽ được làm lạnh thành dạng lỏng để xuất khẩu sang châu Á.
Dự án có tên gọi Alaska LNG này đã bị đình trệ nhiều năm và hiện có dấu hiệu "hồi sinh" khi được ông Donald Trump xem là một ưu tiên quốc gia. Ông Mike Dunleavy, Thống đốc bang Alaska, cho biết dự án gồm 3 hạng mục chính: đường ống dẫn khí, một nhà máy xử lý khí và một nhà máy hóa lỏng khí, với chi phí ước tính lần lượt khoảng 12 tỉ USD, 10 tỉ USD và 20 tỉ USD.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đầu tháng này cho biết dự án Alaska LNG có thể đóng vai trò quan trọng trong tiến trình đàm phán thương mại với các nền kinh tế quan tâm đến việc đầu tư hoặc mua sản phẩm của dự án. Theo ông Bessent, một thỏa thuận như vậy sẽ giúp thực hiện mục tiêu của ông Donald Trump là giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.
Ông Brendan Duval, Giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập Glenfarne Group - đơn vị phát triển chính của dự án, gần đây tiết lộ có thêm một số nền kinh tế khác ở châu Á cũng quan tâm, trong đó có Ấn Độ. Quốc gia Nam Á này cũng là điểm đến của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance hôm 21-4. Chuyến thăm Ấn Độ kéo dài 4 ngày của ông Vance diễn ra trong bối cảnh hai nước đang tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh tế mới và hướng tới ký kết một thỏa thuận thương mại song phương trong năm nay.
Theo AP, Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ và hai bên đặt mục tiêu đầy tham vọng là tăng hơn gấp đôi kim ngạch thương mại song phương lên 500 tỉ USD vào năm 2030. Với Ấn Độ, các cuộc đàm phán càng trở nên cấp bách do nước này có thể chịu ảnh hưởng nặng nề từ đòn thuế quan của ông Donald Trump, đặc biệt trong nông nghiệp, thực phẩm chế biến, linh kiện ô tô, máy móc cao cấp, thiết bị y tế và trang sức.
Tổng thống Mỹ gần đây đã áp thuế 26% đối với hàng hóa nhập khẩu Ấn Độ trước khi tạm hoãn thực thi. Dù vậy, ông chủ Nhà Trắng vẫn tiếp tục chỉ trích New Delhi "lạm dụng thuế quan".
Theo đài CNBC, các nhà phân tích chất bán dẫn cho rằng khi Mỹ thắt chặt xuất khẩu chip sang Trung Quốc, bao gồm kiểm soát doanh số bán hàng của Công ty Nvidia sang nền kinh tế số 2 thế giới, các nhà sản xuất chip trí tuệ nhân tạo (AI) tại Trung Quốc như Huawei sẽ được hưởng lợi.
Bộ Thương mại Mỹ tuần trước cho biết chip xử lý đồ họa H20 của Nvidia giờ đây sẽ phải xin giấy phép xuất khẩu, tương tự là các chip của công ty công nghệ AMD. Nvidia cho hay họ đã dừng xuất khẩu bộ xử lý đồ họa (GPU), dẫn đến khoản lỗ khoảng 5,5 tỉ USD trong 1 quý.