Náo động chiến dịch trấn áp nhập cư lậu ở Mỹ: Nỗi “ám ảnh” của ông Donald Trump
(NLĐO) - Từ khi nhậm chức vào tháng trước, Tổng thống Donald Trump đã liên tục thử thách giới hạn quyền lực của mình qua việc ban hành nhiều lệnh hành pháp
Ông Donald Trump quyết tâm hoàn thành "nỗ lực trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ", ước tính từ 15 đến 20 triệu người nhập cư lậu. Ông cho biết sẽ huy động quân đội để giúp thực hiện mục tiêu này.
Tranh cãi dai dẳng
Người nhập cư từ lâu đã đóng vai trò quan trọng đối với nước Mỹ, tạo nên một xã hội đa dạng về văn hóa và lịch sử. Tuy nhiên, tranh cãi về việc người nhập cư nào được và không được chấp nhận ở đất nước này đã tồn tại lâu đời như chính lịch sử nước Mỹ.
Theo giáo sư xã hội học Heba Gowayed (Trường ĐH Hunter, New York - Mỹ), nỗi ám ảnh của ông Donald Trump về vấn đề nhập cư thực chất là nỗi ám ảnh về sự phân biệt đối xử. Các chính sách của ông là biểu hiện mới nhất của một truyền thống lâu đời ở Mỹ, nơi không ít luật lệ được cho là "nhằm loại trừ người da màu và đặc quyền hóa người da trắng".
Một loạt sắc lệnh hành pháp, trong đó có nhiều sắc lệnh liên quan vấn đề nhập cư, đã đánh dấu những tuần đầu tiên ông Donald Trump nhậm chức. Cho rằng việc nhập cư gây ra "cuộc xâm nhập quy mô lớn của những kẻ khủng bố, bạo lực tiềm tàng và những kẻ thù địch với ý đồ xấu", các sắc lệnh này kêu gọi thu hẹp con đường nhập cảnh cả về mặt vật lý lẫn pháp lý. Qua đó, đặt nền tảng cho việc trục xuất hàng loạt và tấn công quyền nhập cư bằng cách thu hồi quyền công dân theo nguyên tắc sinh ra trên lãnh thổ Mỹ.
Theo báo Guardian, chính quyền ông Donald Trump đã điều động thêm 1.500 binh sĩ để "bảo vệ" biên giới Mỹ - Mexico ở phía Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng chính quyền ông Donald Trump đang bị ám ảnh bởi chính sách nhập cư vì đó là yếu tố quyết định thành phần của quốc gia, trong đó quyết định ai được ở Mỹ và có quyền gì.
Hoảng loạn, căng thẳng
Các vụ trục xuất đang gia tăng bất chấp số người qua biên giới đang giảm. Đầu tháng 2-2025, Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) đột kích một tòa nhà chung cư ở Denver, bang Colorado vào sáng sớm.
Lực lượng CE phối hợp với các đặc vụ của Cơ quan Phòng chống ma túy Mỹ (DEA) và Cục Điều tra liên bang (FBI), gõ cửa từng căn hộ, chặn xe và bắt giữ nhiều người. Đây chỉ là một trong nhiều hoạt động thực thi luật nhập cư diễn ra khắp Denver hôm đó.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành nhiều sắc lệnh kể từ khi chính thức tiếp quản Nhà Trắng hôm 21-1. Ảnh: The Washington Post
Cơ quan thực thi pháp luật tuyên bố họ nhắm vào những người không có giấy tờ nguy hiểm nhất. Tuy nhiên, người dân cho rằng việc đến từng nhà đã gây ra sự hoảng loạn và sợ hãi không đáng có.
Hai nguồn tin từ cơ quan thực thi pháp luật liên bang tiết lộ với đài ABC News rằng chiến dịch ở Denver chỉ bắt được 1 ngườ, bị cáo buộc là thành viên băng đảng.
Các cuộc truy quét cũng gây căng thẳng trong những cộng đồng xung quanh các cửa khẩu Mỹ dọc biên giới phía Nam, đặc biệt là ở bang Texas.
Những cửa khẩu này là nguồn sống kinh tế của khu vực, cả đường thủy lẫn đường bộ. Song, đây cũng là nơi Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) tập trung ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp và ma túy.
Tại cửa khẩu ở McAllen, bang Texas, hơn 700.000 xe tải chở hàng, trị giá hơn 50 tỉ USD, được kiểm tra mỗi năm. Giám đốc cửa khẩu Carlos Rodriguez nhấn mạnh cần thêm kinh phí để bổ sung nhân lực và cải thiện công nghệ.
Thách thức "thành phố trú ẩn"
Theo báo Wall Street Journal, chính quyền ông Donald Trump được cho là nhắm vào các "thành phố trú ẩn" trước tiên. Đây là những nơi có chính sách không hợp tác với chính phủ liên bang về thực thi luật nhập cư. Đài NBC dẫn lời nguồn tin giấu tên liệt kê Chicago, New York, Los Angeles, Denver và Washington là những mục tiêu sớm bị nhắm tới.

Người di cư được xử lý tại TP Eagle Pass, bang Texas - khi vực sát biên giới Mỹ - Mexico. Ảnh: Fox News
Theo bản sao tài liệu mà đài CNN thu được, một bản ghi nhớ mới của Bộ Tư pháp đã vạch ra kế hoạch của chính quyền ông Donld Trump về việc thách thức chính sách của "thành phố trú ẩn". Theo đó, chính quyền liên bang đe dọa truy tố quan chức bang và địa phương nào chống lại cuộc trấn áp nhập cư lậu.
Bản ghi nhớ dài 3 trang cũng nêu rõ công tố viên liên bang nào từ chối truy tố vụ án liên quan nhập cư mà chính quyền ông Donald Trump thúc đẩy sẽ bị báo cáo ngay lập tức lên Bộ Tư pháp, đồng thời có thể bị truy tố.
Bản ghi nhớ này chỉ là một ví dụ về cách ông Donald Trump bắt đầu thay đổi chính sách nhập cư của Mỹ ngay trong những ngày đầu nhậm chức.
Trong chiến dịch tranh cử trước đó, ông Donald Trump cam kết siết chặt chính sách nhập cư. Ông cũng đã hủy bỏ các chính sách dưới thời người tiền nhiệm Joe Biden mà ông cho là quá dễ dãi, tạo điều kiện cho một lượng lớn người nhập cư không có giấy tờ đổ vào nước Mỹ.
Hôm 20-1, ông Donald Trump đã ký các sắc lệnh hành pháp, trao cho ICE nhiều quyền lực hơn tại những khu vực nhạy cảm như trường học và nhà thờ. Các sắc lệnh này cũng mở rộng nhóm đối tượng nhập cư không có giấy tờ có thể bị trục xuất nhanh chóng và cố gắng chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh.
Trục xuất cấp tốc
Chính quyền ông Donald Trump cũng đã mở rộng thủ tục nhằm đẩy nhanh tiến trình trục xuất, áp dụng đối với người nhập cư không giấy tờ ở bất kỳ đâu trên lãnh thổ Mỹ mà không thể chứng minh họ đã sống liên tục tại nước này từ 2 năm trở lên.
Thủ tục trục xuất nhanh chóng này, được gọi là "trục xuất cấp tốc", cho phép các cơ quan quản lý nhập cư có thể trục xuất trường hợp bất kỳ mà không cần phiên điều trần trước thẩm phán nhập cư.

Người di cư, phần lớn là từ Venezuela, đến Eagle Pass, bang Texas- Mỹ. Ảnh: Fox News
Thậm chí, Tổng thống Donald Trump còn có thể viện dẫn Đạo luật Kẻ thù ngoại quốc năm 1798 để trục xuất những người nhập cư bị cáo buộc là thành viên băng đảng mà không cần xét xử tại tòa. Đạo luật này trước đây vốn chỉ được áp dụng trong thời chiến.
Sau khi nhậm chức, ông Donald Trump đã ra lệnh cho các viên chức quân sự và di trú sẵn sàng thực hiện Đạo luật Kẻ thù ngoại quốc từ ngày 3-2.
Song song đó, chính quyền ông Donald Trump đang thúc đẩy việc mở rộng khu vực giam giữ. Cuối tháng 1, ông ra lệnh mở rộng một cơ sở giam giữ người nhập cư ở Vịnh Guantanamo - Cuba có sức chứa tới 30.000 người.
Các quan chức quân sự còn cho biết sẽ thiết lập địa điểm giam giữ tại một căn cứ ở TP Aurora, bang Colorado. Thành phố này bị ông Donald Trump mô tả là "bị kiểm soát bởi các băng đảng nhập cư", bất chấp các lãnh đạo địa phương phản đối.

Căn cứ Hải quân Guantanamo ở Cuba. Ảnh: El Nuevo Herald
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt nhấn mạnh với Fox News: "Tổng thống Donald Trump không đùa. Ông ấy sẽ không để nước Mỹ tiếp tục trở thành nơi tập trung tội phạm từ các quốc gia trên khắp thế giới".
Ông Matthew Biggs, Chủ tịch Liên đoàn Kỹ sư chuyên nghiệp và Kỹ thuật quốc tế - tổ chức đại diện người lao động liên bang, cho biết 13 thẩm phán chưa tuyên thệ và 5 trợ lý chánh án về di trú đã bị sa thải hôm 14-2 mà không có lời giải thích. Tuần trước đó, 2 thẩm phán khác cũng bị sa thải trong tình trạng tương tự.
Việc sa thải này liên quan hai ưu tiên hàng đầu của ông Donald Trump: Trục xuất hàng loạt người nhập cư lậu và thu hẹp quy mô của chính quyền liên bang.