Náo động chiến dịch trấn áp nhập cư lậu ở Mỹ: Nói dễ hơn làm?
(NLĐO) - Hội đồng Di trú Mỹ ước tính hiện có khoảng 13 triệu người nhập cư bất hợp pháp ở nước này và việc trục xuất tất cả họ sẽ tốn ít nhất 315 tỉ USD
Từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức hôm 20-1-2025, người Mỹ đã chứng kiến hàng loạt vụ bắt giữ và trục xuất người nhập cư trái phép. Tham vọng của Tổng thống Mỹ là trục xuất "hàng triệu và hàng triệu" người. Theo ước tính, nếu trục xuất 1 triệu người trong 1 năm thì mỗi ngày, khoảng 2.700 người sẽ phải rời nước Mỹ.
Câu hỏi "đầu tiên"
Chứng kiến tốc độ trục xuất bị xem là quá chậm, ông Donald Trump đã gia tăng áp lực lên Bộ An ninh nội địa, Cục Thực thi di trú và Hải quan (ICE) cùng các cố vấn của mình để trục xuất thêm nhiều người hơn - các nguồn tin cho đài NBC News biết.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo này có thể mở rộng lực lượng thực thi bằng cách giao nhân viên Sở Thuế vụ (IRS) điều tra người tuyển dụng lao động bất hợp pháp trong nước. Hiện tại, lực lượng hỗ trợ chiến dịch trục xuất là nhân viên Cục Điều tra liên bang (FBI); Cục Quản lý rượu, thuốc lá, súng và chất nổ (ATF); Cơ quan Chống ma túy (DEA) và Cơ quan Cảnh sát liên bang.
Tuy nhiên, giới chức ICE gần đây phàn nàn với các nghị sĩ rằng họ không có đủ mọi thứ cần thiết để có thể thực hiện kế hoạch của ông Trump.

Một người bị bắt giữ trong chiến dịch thực thi di trú ở TP New York - Mỹ hôm 28-1. Ảnh: The Washington Post

Bộ An ninh nội địa Mỹ công bố hình ảnh về những người di cư lên máy bay để đến Vịnh Guantánamo - Cuba. Ảnh: Bộ An ninh Nội địa Mỹ
"Dù có nỗ lực trục xuất quy mô lớn về mặt danh nghĩa nhưng không có sự thay đổi về nguồn lực cho các cơ quan liên quan. ICE đang hoạt động với cùng ngân sách mà họ có vào ngày 19-1" - bà Colleen Putzel-Kavanaugh, một nhà phân tích chính sách tại Viện Chính sách di cư (Mỹ), cho biết.
Dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, chi phí trung bình cho việc trục xuất 1 người của ICE là khoảng 10.500 USD, trong đó có các khâu như bắt giữ, giam giữ, tổ chức chuyến bay trục xuất. Theo thống kê, chính quyền có đủ chỗ để giam giữ 41.500 người tại 106 cơ sở khắp nước, với chi phí 57.378 USD/chỗ/năm.
Ngoài ra, trong một phiên điều trần về ngân sách năm 2023, Giám đốc tạm quyền của ICE khi đó cho hay mỗi chuyến bay trục xuất 135 người kéo dài khoảng 5 giờ, với chi phí 17.000 USD/giờ bay.
Ngoài tiền bạc, một thách thức khác là tìm đủ nơi tạm giam trong trường hợp có quá nhiều người nhập cư bị bắt giữ cùng lúc. Trước khi bị trục xuất, người nhập cư thường bị giam giữ tại 1 trong hơn 100 cơ sở trên toàn quốc. Phần lớn cơ sở này thuộc sở hữu hoặc do các công ty nhà tù tư nhân vận hành theo hợp đồng với ICE.
Người phát ngôn của GEO Group, một trong những công ty tư nhân nêu trên, nói với NPR rằng họ đang đầu tư 70 triệu USD để mở rộng cơ sở lưu trú, phương tiện vận chuyển và năng lực giám sát.
Các chính quyền trước đây đề ra ưu tiên về việc ai sẽ bị bắt giữ, giam giữ và trục xuất, một phần vì nguồn lực hạn chế. Hiện chưa có báo cáo về chi phí khả dĩ của các vụ bắt giữ và trục xuất trong nhiệm kỳ 2 của ông Donald Trump. Dù vậy, Hội đồng Di trú ước tính hiện có khoảng 13 triệu người nhập cư bất hợp pháp ở Mỹ và việc trục xuất tất cả họ sẽ tốn ít nhất 315 tỉ USD.
Chính quyền ông Donald Trump đang xem xét chuyển tiền từ các cơ quan khác để bổ sung cho khoản thiếu hụt 230 triệu USD mà ICE đã phải đối mặt ngay từ đầu nhiệm kỳ của ông. Ngân sách của ICE trong năm tài chính 2024 là khoảng 9,4 tỉ USD.
Trong khi đó, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa (GOP) cũng đang nỗ lực đẩy nhanh việc cung cấp ngân sách cho chính quyền để trang trải chi phí liên quan chiến dịch trục xuất quy mô lớn.
Trong các dự thảo ngân sách, nhóm thượng nghị sĩ GOP đề xuất 175 tỉ USD cho an ninh biên giới. Các hạ nghị sĩ GOP thì kêu gọi 110 tỉ USD cho vấn đề nhập cư và an ninh biên giới.
Thách thức pháp lý và kiện tụng

Người dân biểu tình phản đối chính sách trục xuất người nhập cư không giấy tờ của chính quyền Tổng thống Donald Trump ở bang Georgia - Mỹ. Ảnh: EPA
Sau khi thắng cử, ông Donald Trump từng gợi ý có thể sử dụng quân đội để đạt được mục tiêu trục xuất nhập cư bằng cách tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Ngoài ra, ông và các quan chức chiến dịch tranh cử còn công bố kế hoạch sử dụng Lực lượng Vệ binh quốc gia và cảnh sát địa phương để hỗ trợ thực thi luật nhập cư.
Gần đây, nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố ông muốn sử dụng căn cứ quân sự Guantánamo cho khoảng 30.000 người di cư.
Trang The Coversation dẫn lời một số chuyên gia cho biết ông Donald Trump có thể có một số quyền hạn pháp lý để triển khai lực lượng vũ trang nhằm bảo đảm an ninh biên giới. Hiện không có luật cụ thể nào ngăn ông sử dụng tài sản quân sự của Mỹ cho việc trục xuất.
Tuy nhiên, cả những trở ngại thực tế lẫn hiến pháp sẽ khiến mong muốn trục xuất hàng loạt của ông Donald Trump trở nên vô cùng khó khăn, nhất là khi quân đội, lực lượng phòng vệ bang và thực thi pháp luật dân sự đang bị điều chỉnh bởi nhiều quy định pháp lý khác nhau. Điều này có nghĩa là tính hợp pháp không chỉ phụ thuộc vào việc quân đội có được sử dụng hay không mà còn vào cách thức sử dụng.
Trước hết, ông Donald Trump có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ Lực lượng Vệ binh quốc gia để canh gác biên giới. Vệ binh quốc gia chủ yếu là một lực lượng quân sự của bang, chịu sự kiểm soát của thống đốc. Song, Tổng thống Mỹ cũng có thể kích hoạt lực lượng này để làm nhiệm vụ liên bang.

Dựng lều cho một cơ sở tạm giữ người di cư tại Vịnh Guantánamo - Cuba. Ảnh: Hải quân Mỹ

Ảnh vệ tinh do Công ty Planet Labs PBC chụp hôm 4-2 cho thấy khoảng 140 lều mới (được đánh dấu bằng hình chữ nhật màu vàng) được dựng lên tại Căn cứ Hải quân Vịnh Guantánamo. Ảnh: Planet Labs PBC
Ông Donald Trump có thể gặp nhiều khó khăn hơn về mặt pháp lý nếu sử dụng thành viên lực lượng vũ trang chính quy cho các hoạt động trục xuất trực tiếp như bắt giữ và giam giữ người. Đạo luật Posse Comitatus nhìn chung cấm sử dụng quân đội liên bang để thực thi luật pháp trong nước.
Một kịch bản khả dĩ là sử dụng quân đội trong vai trò hỗ trợ. Trên thực tế, quân đội có thể cung cấp cho các quan chức di trú và cơ quan thực thi pháp luật lời khuyên chuyên môn và đào tạo, cũng như cho mượn thiết bị.
Về đề xuất sử dụng lực lượng thực thi pháp luật địa phương vào việc thực thi luật di trú, điều này sẽ phụ thuộc vào sự hợp tác tự nguyện của họ. Luật lệ hiện cho phép chính phủ liên bang ủy quyền cho các sĩ quan thực thi pháp luật của bang và địa phương thực hiện một số chức năng di trú. Tuy nhiên, các cơ quan thực thi pháp luật không thể bị ép buộc làm chuyện này.
Đến nay, cảnh sát một số hạt ở các bang Maryland, Bắc Carolina và một vài nơi khác cho biết sẵn sàng hợp tác với nhà chức trách liên bang về thực thi luật di trú. Nhiều sở cảnh sát khác đã phản ứng ngược lại, trong đó có TP Los Angeles, TP Boston...
Có lẽ thách thức quan trọng nhất đối với chiến dịch trấn áp người nhập cư lậu của ông Donald Trump là bảo đảm việc bảo vệ các quyền dân sự.
Vào năm 2019, trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump, một thẩm phán đã ban hành lệnh cấm tạm thời nhằm ngăn việc đẩy nhanh các thủ tục trục xuất mà không bảo đảm đầy đủ biện pháp bảo vệ pháp lý cho người liên quan.
Giờ đây, sau khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng với kế hoạch trục xuất tham vọng hơn cả nhiệm kỳ đầu, các tổ chức và nhà hoạt động đã sẵn sàng thách thức chúng về mặt pháp lý.
"Các hành động đe dọa của ông Donald Trump đối với vấn đề nhập cư đi ngược lại các biện pháp bảo vệ trong hiến pháp và các đạo luật do Quốc hội ban hành" - trang web của Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) nhận định.
Căng thẳng ngoại giao
![Security personnel escort a group of Gujarati immigrants deported from the United States, after they arrived at Ahmedabad Airport in Ahmedabad, Gujarat, India [Siddharaj Solanki/EPA] Security personnel escort a group of Gujarati immigrants deported from the United States, after they arrived at Ahmedabad Airport in Ahmedabad, Gujarat, India [Siddharaj Solanki/EPA]](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/640/291774122806476800/2025/2/20/12801928-1738844994-17400252035771585848536.jpg)
Sau khi bị Mỹ trục xuất, nhóm người di cư đã về đến sân bay Ahmedabad ở bang Gujarat - Ấn Độ. Ảnh: EPA
Khi Mỹ gia tăng các chuyến bay trục xuất người nhập cư bất hợp pháp, một số quốc gia Mỹ Latin đã lên tiếng phàn nàn về cách công dân của họ bị đối xử.
Tại Colombia, Tổng thống Gustavo Petro ban đầu tuyên bố sẽ không chấp nhận các chuyến bay trục xuất từ chính quyền ông Donald Trump cho đến khi có những quy định hoặc quy trình mới về cách thức vận chuyển người di cư. Tuy nhiên, ông Petro đã đổi ý sau khi Washington đe dọa áp thuế 25% đối với hàng hóa Colombia xuất khẩu sang Mỹ.
Ấn Độ cũng lên tiếng phản đối sau khi những người nhập cư nước này bị Mỹ trục xuất trở về nước trong tình trạng bị còng tay và xích chân hôm 5-2.
Trước làn sóng chỉ trích trong nước, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho biết nước này đang làm việc với Mỹ để đảm bảo rằng người nhập cư Ấn Độ không có giấy tờ sẽ không bị ngược đãi trong tiến trình trục xuất.
Với lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương, nỗi lo hàng đầu là kế hoạch của Tổng thống Donald Trump có thể dẫn đến việc gia tăng số lượng người bị trục xuất có tiền án tiền sự trở về các đảo này. Trong chuyến thăm Mỹ mới đây, Thủ tướng Fiji Sitiveni Rabuka cảnh báo việc trục xuất hàng loạt tội phạm từ Mỹ đặt ra rủi ro an ninh đối với các đảo quốc Thái Bình Dương.

Chuyến bay chở người di cư bị Mỹ trục xuất về đến TP Bogota - Colombia hôm 28-1. Ảnh: Bộ Ngoại giao Colombia

Một nhóm phụ nữ chờ lấy hành lý tại sân bay Bogotá - Colombia. Họ đã bị trục xuất trên một chuyến bay do một công ty tư nhân được chính phủ Mỹ thuê để vận hành. Ảnh: The World
Tại Mỹ, ngành dịch vụ thực thi di trú có giá trị nhiều tỉ USD. Những công ty như GEO Group và CoreCivic điều hành các trung tâm giam giữ tư nhân. Họ đã chi hàng triệu USD cho các hoạt động vận động hành lang nhằm thúc đẩy chính sách giam giữ và thực thi nhập cư, trong đó có việc ủng hộ chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump. Đổi lại, những doanh nghiệp này chứng kiến giá cổ phiếu của họ tăng vọt sau các tuyên bố cứng rắn về nhập cư.
Ngoài việc giam giữ, nhiều công ty còn thu lợi từ hoạt động vận chuyển, dịch vụ y tế, công nghệ giám sát và xử lý pháp lý, từ đó tạo ra động cơ kinh tế mạnh mẽ để duy trì và mở rộng các biện pháp thực thi di trú, bất kể hiệu quả hoặc tác động nhân đạo của chúng.