Đất mẹ đón Phạm Duy từ xa trở về
Ngày 17-5-2005, sau 30 năm lưu lạc xứ người, nhạc sĩ Phạm Duy đã chính thức trở về định cư ở quê nhà. Như ông tâm sự: “Đối với tôi, không có gì là quá muộn... Đất nước đang mở cửa và vì thế tôi trở về...”
Đêm 17-5, nhạc sĩ Phạm Duy đã về nước. Về luôn đấy. Thì đêm nay (18-5) ông đã mời một số bạn gần gũi trong tầm tay, đến khách sạn để cùng dự một bữa cơm thân mật. Trong số đó có tôi, có giáo sư Trần Văn Khê, nhà thơ Phạm Thiên Thư, bác sĩ Trương Thìn và nhiều nhà thơ, nhà báo cùng những anh em bạn bè, bà con thân thuộc khác...
Thong dong trở về
Nhận được tin này qua một cú điện thoại từ lúc tinh mơ tôi đang còn ngủ, sao tôi tỉnh táo hẳn lên. Có lẽ đó là điều mà bao năm nay tôi vẫn chờ đợi. Lần về nước nào, ông cũng thường để lại trong tâm trí chúng tôi - những người mến mộ ông - một câu hỏi “Liệu ông có về hẳn không và bao giờ thì về”. Thế là đến hôm nay, câu hỏi đó đã được giải đáp. Sở dĩ hỏi là vì chúng tôi rất hiểu hoàn cảnh, người đi và người về, không phải dễ dàng và đơn giản đâu. Ông cũng như người rơi vào một bụi gai, gai đâm nhằng nhịt vào người. Phải có thời gian để gỡ từng cái, không khéo thì cũng dễ bị sứt thịt xẻ da, nếu không thì ít ra cũng rách quần rách áo... Nhưng được cái ông là người luôn tỉnh táo nên mọi cái gai, níu kéo, ông đã gỡ xong, để bây giờ thong dong mà về nước...
. Khát vọng: Nhạc sĩ Phạm Duy đang làm các thủ tục hồi hương và tập hợp hơn 1.000 ca khúc để xin phép phổ biến trong từng thời điểm. Ông còn muốn mở phòng trà để có nơi ca hát và dĩ nhiên là sẽ tiếp tục sáng tác |
Để Phạm Duy “thực sự trở về”
Ngày trước, lúc mới chống Pháp, ông đã để lại những âm vang bất hủ trong Nhạc tuổi xanh khiến lớp trẻ lúc bấy giờ, và mãi đến bây giờ, tóc đã bạc, răng đã long mà những câu hát kia vẫn bám chặt trong lòng: “Đường ta, ta cứ đi. Ruộng ta ta cứ cày, đợi ngày... ngày mai quân cướp kia... không còn đây, ta hát câu tự do” (Nhạc tuổi xanh). Hay những câu hát trong Bà mẹ Gio Linh, Về miền Trung và Bao giờ anh lấy được đồn Tây... Những câu hát không chỉ còn đọng lại trong lòng người miền Trung mà còn đọng lại trong lòng biết bao người dân Việt... Những câu hát sắp thành dân ca rồi, vì người đời không nhớ nổi ai là người đã làm ra nó... Nhưng cái ngày xưa còn đó. Đến thời kỳ đổi mới người ta mới nhận ra, ở phương xa lại có những: “Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi. Còn gì đâu nữa mà khóc với cười...”. Hay “Nắng chia nửa bãi chiều rồi, vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu” (Ngậm ngùi - thơ Huy Cận), cũng như Tiếng thu (Lưu Trọng Lư) thì cũng là của một người ấy là Phạm Duy đã ra đời từ xưa. Chỉ có khác: Một bên là chính trị, một bên là nghệ thuật mà thôi.
Theo tôi nghĩ: Nếu Bộ VHTT ta mà biết sàng lọc ra thì Phạm Duy còn có nhiều tác phẩm nghệ thuật đáng lưu truyền. Để những Nhạc tuổi xanh, Anh thương binh về làng kia, cùng xếp hàng vào đó, thì có ích hơn. Và nếu được thế thì trong hàng ngũ của ta lại có thêm “một cây đa”, từ thuở nào nay vẫn còn sống để lại phát huy thêm trong những giai đoạn sau này.
Có như thế ông mới thực sự “trở về”.
Hy vọng và chờ đợi
Từ ngày xưa tôi đã phục ông về cái tài “cảm hứng nhanh”, sáng tác nhanh, như có lần ông cùng tôi trong kháng chiến chống Pháp đi sang quân y để chữa bệnh lở, mà khi mới gặp một cô y tá tên Thu có đôi mắt xanh, tôi thấy ông cứ chần chừ đứng ở ngoài mãi không chịu vào để chấm thuốc. Không ngờ khi về đơn vị ông đã đàn hát ngay: “Thu ơi Thu! Ta vỗ súng ca. Ca cho đời cho Thu với ta (sau này thành bài hát Thu kháng chiến rất phổ biến). Hay một lần Đoàn Văn công Sư đoàn 304 chúng tôi vừa tiếp nhận mấy ca sĩ mới ra từ nội thành, trong đó có chị Thái Hằng sau này đã thành người vợ hiền của ông và đã sinh ra Duy Quang, Duy Minh, Duy Cường và Thái Hiền - toàn là những nghệ sĩ xứng đáng với tên tuổi Phạm Duy - Thái Hằng. Hồi đó, ngày đầu mới gặp Thái Hằng mà ông đã có những câu hát bất hủ như: “Tôi yêu cô Hằng đêm qua xuống trần; một đàn con trai rủ đàn con gái ra ngồi nhìn trăng (Bài Ông trăng chú Cuội) mà ngay sáng hôm sau, chính chị Thái Hằng cũng phải ngồi tập hát rất nghiêm chỉnh câu hát bất hủ trên kia: “Tôi yêu cô Hằng...”. Riêng tôi chỉ biết lắc đầu mà thầm nói: “Ông này tài quá, nhanh quá! Thế là xong rồi!”. Và hình như hai người đã yêu nhau từ đó.
Cái tài đó, bây giờ ông có còn không? Hình như vẫn chưa hết đâu. Tôi hy vọng nó vẫn còn cho đến khi ông thực sự đã trăm tuổi.
Hôm nay, bữa cơm này mới chỉ là bữa cơm đầu tiên để những người bạn gặp nhau. Tôi tin tưởng và hy vọng sẽ còn nhiều buổi họp mặt khác nữa để đón một tài năng từ phương xa trở về đất mẹ và để ông được đờn ca, hát xướng tưng bừng trên quê mẹ...
Cầu chúc cho nhạc sĩ Phạm Duy có một tương lai như mọi người đang mong đợi.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường: Sự bao dung đã đánh thức lòng người Nhạc sĩ Phạm Duy có ý niệm về cội nguồn rất mạnh mẽ, nên đã về VN nhiều lần. Có lần tôi đã nói với anh em nghệ sĩ trong nước là Quảng Trị của tôi mắc nợ Phạm Duy vì ông đã sáng tác cho Quảng Trị ba bài hát rất nổi tiếng: Bà mẹ Gio Linh, Bà mẹ quê, Em bé quê.
Bài hát Bà mẹ Gio Linh đã để lại ấn tượng sâu thẳm trong lòng người dân Quảng Trị. Lần trước, khi Phạm Duy muốn tìm về trên nền nhà cũ của “bà mẹ Gio Linh” - nhân vật của bài hát - ngoài đời thì có đến hàng trăm bà mẹ nhận bài hát đó là viết cho mình. Một bài hát như vậy mà không được phổ biến thì quả là đáng tiếc. Ngày ra đi, cứ tưởng Phạm Duy sẽ không có ngày về. Trong lần về trước, không biết Nhà nước đã nói gì với anh, nhưng anh đã về và được đứng trên nền nhà của Bà mẹ Gio Linh. Điều đó thể hiện sự bao dung của Nhà nước. Tôi cho rằng, chỉ có sự bao dung mới làm cho người ta nghĩ lại mọi thứ. Tôi cũng nghĩ rằng, sự bao dung này không nên coi là đặc ân với riêng ai, mà hãy mở lòng ra với tất cả những người muốn quay về. Như Phạm Duy còn về được, huống chi là những người khác. Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo: Nên để những bài hát đẹp, bài hát hay của Phạm Duy được trở về theo ông... Theo tôi, dù ở đâu, phương trời nào trên trái đất này, Phạm Duy cũng không thoát khỏi “con người Việt”, không thể tách rời khỏi hồn Việt. Đó là định mệnh của một con người mà gốc gác âm nhạc là từ hồn Việt mà ra. Tôi nói như vậy là vì những lý do sau đây: - Ông là người đầu tiên đưa dân ca vào ca khúc Việt. Những bài hát của ông thấm đẫm tâm hồn Việt. Ông cũng là người đầu tiên lấy cảm hứng âm nhạc từ Truyện Kiều. Bộ “Kiều ca” của ông được sáng tác khi ở xa nước đủ để đem lại những cảm xúc mới mẻ về tuyệt tác thi ca Truyện Kiều cho chúng ta - những người Việt ở trong nước. Cách đây hơn 10 năm, khi còn làm ở tạp chí Âm nhạc, tôi đã đăng tải bài viết của anh Hoàng Phủ Ngọc Tường với tiêu đề: “Đêm nghe Kiều ca cùng Phạm Duy ở Paris” qua đó đã có sự chia sẻ sâu sắc với Phạm Duy về tình cảm sâu nặng đối với di sản văn học của đất nước. - Phạm Duy về nước lần đầu vào năm 1998 - nhưng với tư cách là người về thăm quê hương chứ không phải với tư cách nhạc sĩ. Nhưng trong mấy năm qua, sau những chuyến đi, ông đã làm trên dưới 10 bài hát, hợp thành đĩa “Hương ca”. Tôi đã nghe đĩa nhạc này và rất xúc động với hồn quê, hồn nước trong đó. Dù chỉ là những cuộc trở về ngắn ngủi, nhưng những bài hát đó thể hiện sự tha thiết với nguồn cội. Kể cả bài “Tắm truồng” - bài hát bị phê phán - thì tôi cũng thấy thấm đẫm tình cảm của người rất yêu quê. - Phạm Duy là người có tên tuổi trong thời kỳ đầu của tân nhạc Việt Nam trước 1945. Ông là nhạc sĩ đã tham gia cách mạng không chỉ bằng tác phẩm mà bằng sự dấn thân đối với cách mạng. Ông đã từng vào miền Trung, đi thẳng đến chiến trường Bình Trị Thiên, ăn khoai với các bà mẹ, bà chị ở Quảng Trị, nghe những câu chuyện của những bà mẹ có con đi làm cách mạng và bị chặt đầu. Và ông đã viết một bài hát rất cách mạng, bài hát vừa thể hiện sự căm thù sâu sắc với giặc Pháp, vừa miêu tả được tấm lòng của những bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đó là bài hát Bà mẹ Gio Linh nổi tiếng. Trong cuộc đời của Phạm Duy, có những đoạn đời, đoạn đường khác nhau, và ông đã xa quê Bắc của ông hơn nửa thế kỷ, xa Tổ quốc 30 năm. Nhưng trong ông luôn nhớ về cội nguồn như bất cứ người Việt Nam nào. Nhạc sĩ Phạm Duy đã trở về nước. Tôi mong muốn những bài hát hay, những bài hát đẹp của ông được trở về với ông trên đất nước này. (Theo VietnamNet) |