Người độc hành 40 năm với 9 sonate

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ tặng tôi một đĩa nhạc sonate và muốn ghi vài dòng kỷ niệm trên đó nhưng tay ông run quá. Chiếc bút như muốn bật ra khỏi tay. Ông bảo tôi giữ chặt tay cầm bút của ông để ông viết vài chữ. Nét chữ run run. Hơn 80 tuổi rồi còn gì.

Hơn nửa đời người, ông vẫn là người độc hành trên con đường riêng với tám bản sonate và bản sonate thứ chín sắp hoàn thành. Ông là nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ hay bạn bè còn gọi ông là Quỳ sonate - nhạc sĩ Việt Nam duy nhất tham gia Hội Bảo vệ quyền tác giả trên toàn thế giới. Người ta gọi ông là vua sonate.

Hơn 80 tuổi rồi mà niềm say mê dành cho sonate vẫn còn đó. Ông chính thức đến với sonate từ năm 1963 bằng bản sonate đầu tiên. Trước đó, ông đã có nhiều ca khúc trữ tình được công chúng yêu thích như: Chiều cô thôn, Mây trôi, Nhớ em…

Hơn 40 năm qua, vẫn trong căn nhà cũ kỹ nằm trong khu 36 phố phường Hà Nội, với chiếc piano mà ông chắt chiu mua được từ những năm 1960 của thế kỷ trước, ông vẫn cặm cụi, lặng lẽ cho ra đời thêm tám bản Sonate nữa và cũng chỉ sáng tác sonate thôi dành cho violon và piano.

Bạn bè đùa rằng ông định đuổi kịp Beethoven hay sao khi mà thiên tài âm nhạc này cũng chỉ có đến 10 bản sonate viết cho violon và piano. “Tôi đến với sonate đơn giản vì sonate là một thể loại nhạc có khả năng diễn tả rất sâu sắc nội tâm con người cũng như thể hiện được phần nào thực tế của xã hội. Qua những tác phẩm sonate, tôi có thể thể hiện được nhiều tình cảm, những ước mơ của riêng mình... ”.

Ở trong nước, tên tuổi của ông dường như không nổi lắm. Ở Đức, Pháp người ta lại biết đến ông khá nhiều. Ông đã ba lần được các đồng nghiệp ở Pháp mời sang thăm và giao lưu. Các bản sonate của ông được các nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc, khán thính giả nước ngoài ghi nhận là độc đáo và sáng tạo.

Tại nhà riêng của ông, một người nước ngoài sành nhạc sau khi nghe xong một bản sonate của ông đã thốt lên: “Đất nước của các ông hiện nay còn rất nhiều khó khăn nhưng với những tác phẩm như thế này thì ông cũng như người VN có quyền tự hào”.

Bà B. Fournier - từng là chủ tịch của nhiều kỳ thi âm nhạc quốc tế tại châu Âu - có lần nói: “Anh đã tạo ra được một ngôn ngữ âm nhạc mới, nhưng quá khó với quá nhiều biến âm”. Hiện nay ở Pháp, bác sĩ Pierre Moal cùng một số bạn bè của ông đã lập ra một nhóm ủng hộ nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ.

Ông bảo: “Nhiều bạn bè tôi ở VN đều nói rằng nhạc của tôi có nhiều đoạn nghe rung động lòng người. Như vậy, nếu tôi làm cho con người VN rung động khi nghe nhạc của tôi thì tất nhiên nhạc của tôi phải mang hồn VN, chứ người ta không thể nào rung động với những gì quá xa lạ đối với họ. Trong khi đó, người nước ngoài lại cảm thấy nhạc của tôi có gì lạ, không giống của họ, đó là tôi đã đưa tính dân tộc VN vào nhạc của tôi”.

Ông cũng đã từng làm ngạc nhiên Hội Bảo vệ quyền tác giả trên toàn thế giới khi đưa ra một yêu cầu: “Người VN sử dụng các tác phẩm của ông không phải trả phí bản quyền” trước khi ông ký đơn chính thức tham gia.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ chưa bao giờ lo lắng về việc ông thu được bao nhiêu tiền từ những bản sonate của ông. Điều ông trăn trở nhất là làm sao đưa được những đứa con tinh thần của mình đến với công chúng; muốn nhìn thấy chúng được phát hành trước khi ông ra đi về cõi vĩnh hằng.

Trong chín tác phẩm sonate của ông, đến nay mới có sáu bản được Đài tiếng nói VN thu thanh. Ông bảo ông chẳng có đủ tiền để trả cho các nhạc công tập luyện trong nửa năm, rồi lại còn ghi âm hay ghi hình nữa.

Ông lấy đâu ra tiền? Sáu bản sonate của ông được phát hành chỉ đem về cho ông mức nhuận bút cao nhất là... 1,5 triệu đồng/bản. Riêng bản số 7, ông nhận được 15 triệu đồng từ Hội Nhạc sĩ VN. May mà ông vẫn còn chút lương, rồi sau này là lương hưu của Trường cao đẳng Sư phạm Hà Nội cùng một số trợ giúp nhỏ của bạn bè nước ngoài yêu mến ông gửi biếu khi nhận được một số bản sonate của ông. Căn hộ nhỏ mà cả gia đình ông sinh sống ở phố Nguyễn Quang Bích chỉ có vẻn vẹn một góc nhà chật chội, lỉnh kỉnh đồ đạc...