Nhà văn Bảo Ninh: Muốn viết đều, phải có tầm sâu văn hóa

Người viết văn không chỉ bay bổng bằng tâm hồn, họ phải sống nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn

. Phóng viên: Vẫn “dọa” bạn bè thân thiết rằng, mùa hè này sẽ hoàn tất việc sửa lại Nỗi buồn chiến tranh. Đã từng nghĩ mình sẽ có thêm một tiểu thuyết nữa rất nhanh vì tất cả câu chữ đã có sẵn trong đầu. Thế nhưng đến tận bây giờ, Bảo Ninh vẫn là “nhà văn một cuốn”...?

- Nhà văn Bảo Ninh: Nhận xét thế nào cũng được. Viết vốn là nghề lặng lẽ, không phải lúc nào cũng gào lên: tôi đang viết cái nọ, đang ấp ủ cái kia. Vào mùa thì tôi viết truyện ngắn cho báo Tết, cho những ngày kỷ niệm của đất nước. Đôi khi tôi viết theo đơn đặt hàng. Người ta tin mình, cho là mình biết nhiều chuyện nên vẫn nhờ viết cái nọ cái kia.

Thực ra tất cả những cái ấy tôi đều không thích lắm. Nhưng tôi cũng không viết ẩu, mình còn phải giữ tên của mình.

. Đó là vào mùa, còn những ngày khác trong năm?

- Tôi đang viết tiểu thuyết, cuốn này cũng về chiến tranh. Khi bắt đầu, tôi cảm thấy mình sẽ viết rất nhanh, vì mọi con chữ đã nằm sẵn trong đầu, chỉ cần viết ra thôi nhưng không phải vậy... Tôi đã dành hơn ba năm với cuốn tiểu thuyết này, đã đặt nhiều hy vọng nhưng đến bây giờ nó vẫn còn dang dở, đổ đi đổ lại...

Trước đây tôi viết theo kiểu bỏ cách đoạn, thích gì viết nấy. Như thế rất nhanh. Nhưng sau này tôi gặp bác Nguyên Ngọc, bác ấy dặn cần phải “chiến đấu” với từng đoạn một. Tôi học theo cách ấy, nay đã thành quen, vướng một chữ là dừng lại, không viết được nữa.

Với lại tôi bây giờ già rồi, lười viết. Người năm mươi tuổi rất phức tạp, không ngồi nhà được, cũng không phi xe máy ra ngoài đường được. Ai rủ đi chơi xa là đi, tôi không thấy mình có đủ sự thâm trầm để ngồi nhà.

. Đó có thể cũng chỉ là một sự bao biện. Một nhà văn chuyên nghiệp phải là người ép được mình vào bàn viết!

- Có người như thế thật. Như Nguyễn Việt Hà ấy, trẻ thế mà ép mình vào thư viện ngồi viết miệt mài, bỏ hẳn những công việc bên ngoài. Chu Lai cũng thế, Hồ Anh Thái cũng vậy. Tôi thì khác, tôi cảm tính lắm. Độ chuyên nghiệp của tôi cũng kém nhiều người. Với lại, thực ra để có thể viết đều đều, người ta phải có tầm văn hóa sâu.

Có một điều nữa, rất nhỏ thôi nhưng cũng ảnh hưởng: viết mà dùng máy tính là rất dở. Đúng là nó có nhiều lợi ích thật, nhưng mỗi khi bật máy lên, theo cảm tính, người ta phải đọc lại những gì mình đã viết. Mà đọc lại thì nhất định thấy không bằng lòng, sẽ phải ngồi sửa, càng sửa càng dở. Tôi thấy hồi mình dùng bút mực viết không khó khăn như bây giờ.

. Đấy là nói thế, chứ đôi khi lại thấy tên anh trên những kịch bản phim...

- Bạn tôi rủ tham gia cho... có tiền. Tôi không viết được, nó không đúng tông của tôi.

. Vậy đúng tông của Bảo Ninh phải là tiểu thuyết, và phải về chiến tranh?

- Đúng thế. Mặc dù tôi chỉ sống trong quân đội có 6 năm, tôi biết nhiều chuyện bên ngoài hơn nhưng tôi không viết được. Tôi thấy mình cứ viết là gượng tay.

. Bởi có bao nhiêu tinh lực anh đã trút hết cả cho Nỗi buồn chiến tranh, vì nỗi ám ảnh chiến tranh quá lớn?

- Đúng, nhưng không trực tiếp như thế. Nó ảnh hưởng nhiều kiểu. Quan niệm của tôi là người viết văn nên có một chút tiếng, nhưng tiếng quá thì lại dở. Người ta dễ so sánh cái trước, cái sau tạo áp lực cho chính mình.

Tôi không cho Nỗi buồn chiến tranh là hay, vì thế tôi ít đọc lại lắm. Tôi nghĩ mình có thể viết hay hơn nữa và tôi muốn chữa lại những cái không hay. Tôi vẫn “dọa” bạn bè là mùa hè này sẽ sửa xong, nhưng đấy là nói thế.

. Có phải vì hoài niệm quá nhiều về cuộc chiến nên lứa nhà văn cùng thời với anh chỉ viết hay về thời kỳ này, khiến cho Hội Nhà văn phải nhận xét tiểu thuyết hiện nay chưa bám sát những đề tài mới?

- Tôi cho rằng không nhất thiết phải mang tính cập nhật vào tiểu thuyết. Mỗi nhà văn có một thế mạnh của mình. Ví dụ như Chu Lai, anh ấy viết chiến tranh hay như thế thì cứ khuyến khích anh ấy viết. Đọc tiểu thuyết của anh ấy, lớp trẻ hiện nay hoàn toàn có thể hình dung cuộc sống thời chiến như thế nào.

Nhưng xin lỗi, đọc truyện trên Báo Văn Nghê hiện nay tôi hoàn toàn không hình dung nổi thời đại của các bạn trẻ bây giờ là gì.

. Đó là nhận xét của anh sau một thời gian làm biên tập tuyển chọn truyện ngắn của Báo Văn Nghệ Trẻ?

- Đúng. Các nhà văn bây giờ thua hẳn nhà báo về tính quả quyết. Giá trị cuộc sống của nhà văn không thể sánh được các nhà báo trẻ. Có thể bị cho là sách vở, nhưng tôi ít thấy họ trăn trở về những nỗi đau dân tộc, cái tôi của những người viết trẻ quá lớn.

. Nói một cách ngắn gọn, anh đánh giá thế nào về những nhà văn trẻ hiện nay?

- Thời nào cũng có những người viết khá, nhưng không nhiều. Tôi đánh giá cao Nguyễn Ngọc Thuần. Nguyễn Ngọc Tư cũng hay.

Tôi thấy tài năng thơ thì nhiều hơn, vì truyền thống dân tộc Việt là làm thơ. Người viết văn không chỉ bay bổng bằng tâm hồn, họ phải sống nhiều hơn, phải trải nghiệm nhiều hơn.